Trò đời

18/11/2013 - 19:26

PNO - PN - Thông thường, phim bộ Việt Nam càng phát càng đuối và mất khán giả nhưng Trò đời đang làm được điều ngược lại: càng lúc càng lôi cuốn với những diễn biến, tình tiết hấp dẫn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Được kết nối thành một kịch bản hoàn chỉnh từ Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Số đỏ - các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng, bộ phim dài 30 tập Trò đời (phát sóng lúc 20g30 thứ Năm, thứ Sáu trên VTV1 hàng tuần) đang làm khán giả bất ngờ.

Ban đầu, không ít người xem chỉ vì tò mò muốn biết các nhân vật trong sách được xây dựng ra sao trên màn ảnh nhỏ, nhưng càng xem, khán giả càng bị hút theo các nhân vật. Dưới bàn tay “nhào nặn” của đạo diễn, NSƯT Phạm Nhuệ Giang, những số phận con người hiện lên đầy bi hài và vô cùng mong manh. Ấn tượng xuyên suốt trong bộ phim là không khí sặc mùi “nửa Tây nửa ta” của xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1940. Những người cùng khổ ở quê ra Hà Nội bị tha hóa, sa chân vào con đường tối, không thoát ra được.

Tro doi

Từ một kẻ nhặt banh, nhờ tài ăn nói, Xuân tóc đỏ (DV Việt Bắc, giữa) được “nhấc” lên tầng lớp thượng lưu

Bộ phim xây dựng rất thành công tính cách từng nhân vật. Từ một cô gái mộc mạc ở quê ra thành, me Kiểm trở thành “tú bà” với vẻ văn minh tự phong. Đũi - cô gái quê nghèo, bị đời vùi dập cũng nối gót theo me Kiểm, nhưng còn giữ được bản tính lương thiện. Không nhiều đất diễn như các nhân vật khác, nhưng cha Đũi, ông phó lý làng Tam Điền - đại diện cho người dân quê trọng hình thức, sĩ diện hão, cũng góp phần đẩy con gái vào vũng lầy tối tăm. Phim dựng nên một xã hội mục nát với những người học đòi như Văn Minh, Tuyết, Vĩ Cầm…, luôn chứng tỏ mình là người văn minh, và dùng thứ văn minh kệch cỡm đó dạy đời thiên hạ. Hành trình biến Xuân tóc đỏ từ anh chàng lượm banh láu táu, tốt tính, thành kẻ lưu manh, lõi đời cũng nhờ đến sự trợ giúp đắc lực của các nhân vật này.

Với lối kể chuyện thông minh và nhiều ẩn ý, Trò đời đã “mê hoặc” được khán giả. Mỗi tập phim, mỗi nhân vật đều khiến khán giả đau với thế thái nhân tình… Đạo diễn khá "hào phóng", dành nhiều đất diễn cho các nhân vật, mỗi người hiện diện trong phim đều có tính cách, số phận riêng.

Ở một góc độ thú vị khác, Trò đời đã tận dụng cảnh sinh hoạt phố phường với đủ tầng lớp để “khoe” với khán giả không khí cổ kính, trầm mặc của Hà Nội một thời. Người xem được sống lại thời của những chiếc xe kéo tay, được đắm mình trong những chiếu cô đầu với tiếng phách dìu dặt, tiếng hát ả đào... Hơn 200 bộ phục trang được thiết kế mới đã phát huy tác dụng. Mang tiếng là phim xưa, nhưng mạch phim không rề rà mà tình tiết mạch lạc, dứt khoát, từng khuôn hình được chăm chút cẩn thận. Diễn xuất của dàn diễn viên có nghề như NSƯT Quốc Anh, NSƯT Minh Hằng, Chiến Thắng, Quang Thắng, Việt Bắc, Bảo Thanh… cũng góp phần tăng tính thuyết phục cho bộ phim. Đã lên sóng hơn hai phần ba mà sức hút của phim vẫn còn nguyên vẹn, chính là thành công lớn nhất của Trò đời.

 Thanh Phúc

Từ khóa Trò đời
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI