Trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ

11/05/2021 - 06:33

PNO - Tôi bước trên thảm lá khô mềm mại nghe mùi lá quyện mùi rừng thơm thơm. Được chạm vào một thân cây trăm năm đối với tôi luôn là cảm giác thiêng liêng, trân trọng.

Văng vẳng bên tai tôi là câu hát “Ơi Vàm Cỏ Đông! Ơi hỡi dòng sông, nước xanh biêng biếc, chẳng đổi thay dòng…” - trong ca khúc Vàm Cỏ Đông của nhạc sĩ Trương Quang Lục (lời thơ: Hoài Vũ). Khi ấy, đoàn chúng tôi đang xuôi dòng trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Cái màu “biêng biếc” của dòng nước lặng, xanh trong ấy cứ khiến tôi ngơ ngẩn nhìn ngắm, đôi mắt thi thoảng kiếm tìm những màu hoa dại ven bờ…

Trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ
Trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ

Bên này quê hương, bên kia đất bạn

Phía thượng nguồn, dòng sông Vàm Cỏ có chiều ngang rất hẹp. Đây cũng chính là đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia. Đã nhiều lần ngồi đò, ghe đi trên những con nước miền Tây nhưng chuyến xuôi qua thượng nguồn sông Vàm Cỏ khiến lòng tôi xốn xang bởi bên này là quê hương, bên kia là đất bạn…

Sông Vàm Cỏ bắt nguồn từ Prey Veng (Campuchia), chảy qua các địa phận Tây Ninh, Long An rồi đổ vào sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ, TPHCM). Sông có mười phụ lưu và hai chi lưu trực tiếp tạo nên hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

Vàm Cỏ Đông đã đi vào thơ nhạc và trở thành huyền thoại. Dòng sông cũng là chứng nhân cho một thời chiến tranh ác liệt, qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Gần nửa thế kỷ sau, thế hệ chúng tôi được bình yên xuôi dòng, nhìn ngắm dòng nước xanh trong tìm kiếm những màu hoa lạ, những cây bần, ổi ven bờ và bình yên hát cho nhau nghe: “Ở tận sông Hồng, em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông…”.

Bên gốc gừa cổ thụ
Bên gốc gừa cổ thụ

Anh Kỳ, cán bộ Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, đưa chúng tôi đến thăm gốc gừa trăm tuổi bên bờ Vàm Cỏ. Bước lên miền rừng phía thượng nguồn con sông, cảm giác mát rượi khiến lòng thật khoan khoái. Cái nắng tháng Tư đổ lửa chừng như đã ở lại đâu đó trên những con đường đất đỏ. Gốc gừa ở đó trăm năm, rễ bám vào đất, vào sông mà tỏa bóng vững chãi.

Tôi bước trên thảm lá khô mềm mại nghe mùi lá quyện mùi rừng thơm thơm. Được chạm vào một thân cây trăm năm đối với tôi luôn là cảm giác thiêng liêng, trân trọng. “Cảm ơn cây!” là lời thì thầm của tôi khi đứng trước cây di sản vên vên đã 215 tuổi, cũng thuộc cánh rừng biên giới miền Đông này.

Cây vên vên (tên khoa học là Anisoptera Costata Karth) là tài sản của Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (tiểu khu 21, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Cây có đường kính 2m, cao 44m, được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2016.

Dưới một vòm cây xanh mát khác là cột mốc biên giới quốc gia “Việt Nam 132 (2)”. Chúng tôi đã đi suốt một tuyến đường tuần tra biên giới trên sông, xuyên rừng để đến với cột mốc thiêng liêng này. Cuộc chiến giữ đất, giữ rừng, giữ bình yên cho muôn người trong chiến tranh, trong cả thời bình. Ở bến đò biên giới có trạm kiểm soát dịch COVID-19. Tôi nhìn dòng chữ “chống dịch như chống giặc” và hình ảnh những người lính tận tụy làm nhiệm vụ, trong lòng nhen lên một nỗi thương và biết ơn không nói thành lời.

Buổi chiều, chúng tôi leo lên đài quan sát ở chốt bảo vệ rừng Tà Nốt. Từ độ cao 33m có thể phóng tầm mắt xung quanh trảng rừng xanh biếc, nhìn ra bốn bề đến tận chân trời. Phía bên kia biên giới là đất bạn, nơi ấy bây giờ rừng đã được phá để người dân làm nông nghiệp. Vậy mà phía Tổ quốc mình, cây rừng vẫn thẳm xanh. Đời sống của cây lâu gấp nhiều lần đời sống của người, giữ rừng cho đất cũng chính là giữ bảo vật cho muôn đời…

Cột mốc biên giới
Cột mốc biên giới

Chiều qua biên giới

Cây bằng lăng nở hoa tím rợp cả một góc trời hút mắt khi tôi nhìn về phía đường tuần tra biên giới (đường TL788, thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên). Mảnh đất này một thời từng là nơi hoạt động của nhiều văn nghệ sĩ: soạn giả cải lương Trần Hữu Trang, biên kịch Nguyễn Ngọc Cung, các nhà văn Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Lê Văn Thảo… cùng nhiều nhà làm phim khác.

Khu vực văn nghệ sĩ năm xưa sống, chiến đấu và sáng tác được gọi là Đồi thơ. Tuy nhiên sau này, mảnh đất ấy chỉ còn là một di chỉ ký ức cho những thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay muốn tìm lại dư âm và tưởng nhớ. Khu vực Đồi thơ hiện được người dân trồng khoai mì. Những thửa ruộng, lối mòn, cánh đồng mì xanh ngút mắt khiến không còn phân biệt được nơi nào là căn chòi năm xưa nhà văn Nguyễn Thi từng “nuôi đàn gà, gửi trứng gà cho vợ”.

Tác giả Người mẹ cầm súng hy sinh vào tháng 5/1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Ở R - Chuyện kể sau 50 năm, di cảo của cố nhà văn Lê Văn Thảo, cũng chính là viết về những năm tháng ở nơi này. Năm ấy, ông tham gia công tác văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ.

Trận lạc rừng khủng khiếp đã để lại ký ức khó quên trong tôi. Nhưng tôi không hề ác cảm với rừng, không một vết gợn hay một chút cảm giác nặng nề nào. Mười mấy năm sống chết với rừng, những vất vả gian truân càng khiến tình yêu của tôi với rừng thêm sâu đậm” - cố nhà văn Lê Văn Thảo viết trong Ở R - chuyện kể sau 50 năm.

Và hôm nay, được đi trên cánh rừng biên giới bình yên, tôi càng thấm thía hơn cảm nhận về tình yêu thiêng liêng với “R”. Rừng cùng con người miền Đông anh hùng đã đi qua bao trận chiến, “nghe máu đổ nhuộm hồng đỏ bao lần” (*). Rừng vẫn vững vàng, che chở.

Từ Đồi thơ ấy, có những người cầm bút được trở về với thời bình, làm chứng nhân và kể lại, cũng có những văn nghệ sĩ đã ngã xuống miền Đông đất đỏ. Trên mảnh đất ấy vẫn còn những di tích lịch sử không thể nào quên: Căn cứ chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Thông tấn xã Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng, Xưởng phim Giải phóng, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Nhà in Trần Phú…

Chiều qua biên giới, cúi xuống nhặt một nắm đất bên thượng nguồn sông Vàm Cỏ, nghe hương đất nồng tha thiết những ngày xưa. Chúng tôi đi qua những con đường tuần tra, những lối mòn biên giới, trên đầu là tán rừng che chở và tiếng chim. Mùa hè, bọn ve sầu kêu râm ran như thể đang cùng nhau tạo nên bản giao hưởng của mùa. Ngồi bên thanh gỗ đã mục, nhìn ra “dòng sông trong mát quanh năm”, nghe trong gió những lời thì thầm như là thanh âm của dòng sông kể cho tôi nghe những điều chưa nói...

Quà của rừng xanh

Rỏi là một trong những “đặc sản” của rừng khộp. Quả nhỏ, khi chín có màu vàng. Tách ra, múi trông giông giống quả măng cụt, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt. Ngoài ra, quà của rừng xanh còn có trái gùi, trông bề ngoài giống quả thanh trà, cũng có vị chua ngọt thơm thơm. Nếu là trái xanh, có thể chế biến bằng cách muối chua, ăn giòn giòn như dưa muối.

Buổi sáng gần cuối ngày về, chúng tôi ra chợ Tân Biên tìm mua trái gùi dự định mang về làm quà nhưng đi từ đầu chợ đến cuối chợ cũng không có ai bán. Người ở chợ nói loại trái cây rừng này giá đắt nên không dám lấy về bán (200.000 đồng/kg), chỉ khi nào có người mua mới đi hái. Cả đoàn mỗi người đặt mua 1kg, vậy là sáng hôm sau trở lại, đã có sẵn hơn 15kg gùi chờ khách.

Nếu muốn về thăm Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, bạn có thể đăng ký theo tour hoặc tự đi. Vườn quốc gia nằm trên địa phận bốn xã Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp và một phần thuộc xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, cách thành phố Tây Ninh khoảng 35km về phía tây bắc và cách TPHCM khoảng 135km theo quốc lộ 22B. Những tuyến tham quan chính của vườn quốc gia: tham quan sinh thái rừng, di tích lịch sử và sinh cảnh đất ngập nước, xuôi dòng trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ, đi xe đạp xuyên rừng…

Bài, ảnh: Bùi Tiểu Quyên

(*) Lời ca khúc Tình đất đỏ miền Đông của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI