Trẻ rối loạn phát triển bị “mất gốc” vì học online

25/03/2022 - 07:28

PNO - Với những đứa trẻ ấy, việc học vốn đã khó nay lại khó hơn nhiều lần sau thời gian dài phải học qua màn hình.

Không học được gì

Nhận thấy cậu con trai lớp Một có biểu hiện đọc chậm, hiểu chậm so với bạn bè sau thời gian dài học online, chị T.N.H. (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) lập tức đưa con đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật để thăm khám.

 Trẻ gặp khó khăn trong học tập đang được hỗ trợ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật - Ảnh Trung tâm cung cấp
Trẻ gặp khó khăn trong học tập đang được hỗ trợ tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật - Ảnh Trung tâm cung cấp

Vừa kể, chị vừa rơm rớm nước mắt: “Tôi và cha cháu đều là nhân viên y tế nên suốt hai năm dịch bệnh hầu như không ở nhà. Mọi việc từ ăn uống, học tập, nghỉ ngơi của cháu đều do ông bà và anh trai học lớp Năm hỗ trợ. Có khi ông bà bệnh, hai anh em tự học nhưng thật sự là cháu học không được”. Từ khi phát hiện vấn đề của con trai, chị H. chưa bao giờ thôi lo lắng. Nhiều lần gọi điện cho cô giáo, chị đã bật khóc vì xót con. “Khi dịch bệnh đã bớt căng thẳng, tôi có xin nghỉ việc một tuần để ở nhà cùng con, có tôi kèm cặp thì cháu cải thiện thấy rõ”, chị kể.

Cũng gặp khó khăn trong việc học online nhưng con gái của chị Hoa (ngụ Q.6) lại mắc chứng tăng động, không kiểm soát được hành vi của mình. “Năm nay, cháu học lớp Một nhưng không thể tập trung và chỉ thích làm theo ý mình, thích môn nào sẽ học môn đó. Riêng môn tiếng Việt thì than đau đầu, chóng mặt rồi bỏ ngang. Bé cũng không thích học online, mỗi lần học cứ nằm dài ra hoặc đi lòng vòng. Chương trình thì nặng, cô giáo chỉ giảng qua một lần nên việc học của cháu khó càng thêm khó”, chị tâm sự. Chị đã thuê cô giáo về can thiệp, hỗ trợ cho con từ khi chỉ mới bốn tuổi nên trí tưởng tượng khá tốt, chỉ khó diễn tả bằng lời. Hiện tại, gia sư vẫn đang kèm thêm cho cháu hai môn toán và tiếng Việt, bên cạnh các kiến thức của học kỳ mới... 

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cho biết, không phải bất cứ học sinh nào cũng có thể học online, nhất là các em gặp vấn đề về phát triển trí tuệ và kiểm soát hành vi. Các em cần người lớn hỗ trợ. Từ sau đợt dịch thứ tư, số phụ huynh đưa trẻ đến khám, đánh giá tại trung tâm đa phần đều do trường học phát hiện các em có vấn đề về cảm xúc và hành vi. Lý do chủ yếu là vì các em đã tiếp xúc với công nghệ thông tin trong thời gian dài dẫn đến bị ám ảnh với những nhân vật “ảo” mà các em yêu thích. Từ đó sống và đối xử với mọi người như những nhân vật đó, đi từ rối loạn nhận thức đến rối loạn hành vi và rối loạn ngôn ngữ.

Cần sự chăm chút của phụ huynh lẫn nhà trường

Dù đã rất cố gắng hỗ trợ cậu con trai lớp Hai học online nhưng anh Hưng (ngụ Q.4, TPHCM) vẫn bất lực vì con cứ học trước quên sau. Anh bộc bạch: “Những lúc con học, tôi ngồi kế bên để hỗ trợ, nhưng thật sự là có những cái tôi cũng không nghe rõ vì cô chỉ giảng qua một lần. Nếu ở trường có khi còn hỏi được chứ ở nhà thì các em có không hiểu cũng không hỏi thêm”.

Còn trường hợp của gia đình anh Nghĩa (ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) chỉ hy vọng con gái có thể nói chuyện dễ dàng, biết đọc, biết viết là ổn. Bởi lẽ, do chậm phát triển trí tuệ nên dù đã chín tuổi, bé cũng chỉ mới học lớp Một và cư xử, giao tiếp như một đứa trẻ bốn tuổi. Hy vọng tưởng chừng dễ dàng của vợ chồng anh lại trở nên khó khăn khi con phải học online, phản ứng chậm lại càng chậm hơn vì thiếu sự tương tác giữa thầy và trò. Nhưng với anh Nghĩa, chỉ cần được sự hỗ trợ từ phía nhà trường thì dù vất vả đến đâu anh cũng cho con theo học tới cùng.

Ông Tâm cũng cho biết có rất nhiều phụ huynh có con em mắc các vấn đề về phát triển trí tuệ, hành vi đều phản hồi là các em không thể học online, đa phần là chơi. Đôi khi, việc chơi này còn được phụ huynh chấp nhận để các em không làm phiền công việc của mình, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy. Giáo viên cũng phản hồi là đã từng kêu gọi phụ huynh hỗ trợ nhưng không phải ai cũng có thời gian, nhiều khi mở máy lên chỉ thấy các em nằm ngủ hoặc đang chơi.

Vì vậy, với những đứa trẻ như thế, cha mẹ cần quan tâm con nhiều hơn. “Bây giờ dịch đã ổn định, các trường cần đánh giá lại kiến thức, nhận thức của học sinh ở mức nào, hỏng chỗ nào. Nếu hỏng bình thường thì tổ chức phụ đạo, bổ sung kiến thức, nếu có vấn đề nghiêm trọng hơn thì nên tư vấn phụ huynh đưa con em đến trung tâm, từ đó có những điều chỉnh phù hợp hơn”, ông Tâm chia sẻ. 

 Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI