Trẻ mắc tay chân miệng tăng, nhiều ca chẩn đoán nhầm

30/09/2020 - 06:14

PNO - Nhiều trẻ mắc tay chân miệng bị chẩn đoán nhầm với lở miệng, viêm họng… làm cho việc phát hiện và điều trị chậm trễ, có thể làm bệnh nặng thêm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay, số ca bệnh tay chân miệng trong tuần tăng tại 22/24 quận, huyện; trong đó, tăng mức độ cảnh báo ở các quận 9, 12, Tân Phú và H.Bình Chánh. 

Nguy hiểm là nhiều trẻ mắc tay chân miệng bị chẩn đoán nhầm với lở miệng, viêm họng, rối loạn tiêu hóa… làm cho việc phát hiện và điều trị chậm trễ, có thể làm bệnh nặng thêm.

Nhiều phòng khám tư chẩn đoán nhầm 

Ôm con vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM cấp cứu, chị Trần Thị Tuyết (30 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) không thể ngủ yên. Càng lo lắng trước mỗi lần con giật mình, chị càng tự trách bản thân không đưa bé đến BV sớm hơn.

Vài ngày trước, con trai chị - bé L.Đ.H. (4 tuổi) quấy khóc, không chịu ăn, bú ít nên chị đưa con đến phòng khám tư. Lúc này, bé có một vài vết lở bên trong miệng. 

Bác sĩ Lư Lan Vi thăm khám cho bé P.T.T. (3 tuổi) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM
Bác sĩ Lư Lan Vi thăm khám cho bé P.T.T. (3 tuổi) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

“Bác sĩ (BS) nói con tôi bị nhiệt miệng và cho thuốc về uống. Uống thuốc được một ngày, cháu lại bị sốt, các vết loét trong miệng nhiều hơn, cháu bỏ bú, kể cả uống nước cũng khóc ngằn ngặt.

Tối ngủ cháu hay giật mình, mà giật run cả tay chân nên tôi đưa cháu đi BV cấp cứu. Tại đây, BS nói cháu bị tay chân miệng phải nhập viện điều trị”, chị Tuyết xót xa.

Do từ trước đến nay, bé H. chưa bị tay chân miệng nên chị không phát hiện kịp khi bé bị nổi những nốt nhỏ ở miệng, tay.

Chị Tuyết cũng đã thông báo cho cô giáo của bé H. để nhà trường có biện pháp phòng bệnh cho các bé cùng lớp cũng như các bé khác. 

Nghe chị Tuyết nói, anh Nguyễn Văn Minh (38 tuổi, ở TP.HCM) cũng cho biết con trai anh - bé N.V.N. (5 tuổi) đang nằm truyền dịch trong Khoa Cấp cứu.

Dù bé N. đã bị tay chân miệng một lần nhưng lần này triệu chứng không điển hình nên gia đình phát hiện chậm. 

Anh Minh trầm ngâm: “Con than đau bụng, đau họng nên tôi đưa cháu đến phòng khám gần nhà. BS nói bé bị viêm họng, rối loạn tiêu hóa nên cho thuốc về nhà uống.

Đến chiều, tay và chân cháu nổi nhiều nốt đỏ nên tôi tiếp tục đưa con đến BS kiểm tra lại. Lúc này, BS nói cháu bị tay chân miệng phải đến BV ngay.

Đến nơi, BS chẩn đoán cháu bị tay chân miệng. Bệnh tiến triển nhanh quá nên con tôi bị nặng, vẫn còn truyền dịch”.

Trái ngược với hai trường hợp trên, thấy thời tiết chuyển mùa, chị Phan Thị Hồng (ở tỉnh Tây Ninh) rất kỹ trong phòng ngừa bệnh cho bé N.K.H. (3 tuổi).

Hàng ngày, chị cho con uống nhiều nước cam tươi. Cháu H. đi học về được mẹ tắm gội ngay. Các vật dụng cá nhân, đồ chơi của con, chị đều lau rửa thường xuyên. Nhưng con gái của chị vẫn “dính” tay chân miệng. 

Chị Hồng kể: “Trước nhập viện hai ngày, bé H. bị sốt, quấy khóc suốt ngày. Mặc dù đã cho con uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không giảm”.

Sau đó, chị đưa bé đến phòng khám quen, BS chẩn đoán sốt do viêm họng. Không yên tâm, chị đưa con đến BV khám lại, BS phát hiện bé bị tay chân miệng.

Không như các bệnh nhi khác, bé H. nhập viện một ngày các nốt ban đỏ mới xuất hiện, chỉ nửa ngày đã “phủ kín” bàn tay, chân dù trước đó bé không có biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, do bé được phát hiện bệnh sớm nên sau điều trị vài ngày tình trạng của bé đã ổn định. Sắp được xuất viện về nhà.

Nguy cơ gặp biến chứng nếu phát hiện chậm

BS Dư Tấn Quy, Phó khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết từ giữa tháng Chín, trẻ mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại BV bắt đầu tăng lên. Tại khoa đã tiếp nhận hơn 50 trẻ bị tay chân miệng nhập viện điều trị, nên phải bố trí thêm giường bệnh. 

Trong đó, có bé bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác, tuy các thuốc điều trị đa số cũng có tác dụng hạ sốt nhưng vô tình bị kéo dài thời gian. Đưa đến BV trễ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Như trường hợp của bé N., đã sốt cao, run tay, chân, dù được hạ sốt vẫn đi lại chậm chạp, run tay chân không giảm. 

“Đây là dấu hiệu biến chứng của tay chân miệng nên bé N. được chuyển đến phòng cấp cứu điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Hiện bé vẫn còn tiếp tục theo dõi huyết áp, nhịp thở và các dấu hiệu giật mình”, BS Quy nói.

BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, cũng cho biết số trẻ mắc tay chân miệng đến khám bệnh đang tăng lên, có khoảng 30 bệnh nhi nhập viện điều trị. Phụ huynh lưu ý các triệu chứng khi con mình đột nhiên quấy khóc, “sợ” ăn, bởi có thể bên trong miệng bị các vết loét.

Còn BS Lư Lan Vi, Trưởng khoa Nhiễm C BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho hay khoảng hai tuần qua bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng. Hiện tại, có 19 ca trẻ đang nhập viện điều trị, nhưng có nhiều biểu hiện khác nhau như có trẻ bị nổi mụn nước dày đặc, bóng nước to, có trẻ lại không có dấu hiệu rõ ràng. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan khi con em mình bị sốt, có vết loét bên trong miệng, đặc biệt là những trường hợp lớp học của trẻ hoặc trẻ xung quanh mắc tay chân miệng.

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh hay có biểu hiện sốt, loét miệng hoặc nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, mông… cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất điều trị. Cách ly trẻ với các trẻ khác trong lớp, xung quanh nhà. Cha mẹ cho trẻ nghỉ học, đồng thời báo với nhà trường, trung tâm phòng tránh bệnh tật tại địa phương để có biện pháp khử khuẩn và phòng ngừa. 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính tới ngày 28/9, thành phố ghi nhận 555 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có 86 ca nội trú và 469 ca ngoại trú, tăng 50,2% so với trung bình của tháng trước. Số bệnh tích lũy là 5.697 ca, gồm 994 ca nội trú và 4.703 ca ngoại trú, giảm 57,6% so với cùng kỳ năm 2019. 

TP.HCM số ca bệnh tay chân miệng trong tuần tăng tại 22/24 quận, huyện; tăng mức độ cảnh báo ở các quận 9, 12, Tân Phú và H.Bình Chánh.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI