Trẻ lớp Một không mang bài tập về nhà được không?

09/10/2020 - 07:47

PNO - Sau hơn một tháng học chương trình mới, học sinh lớp Một còn vật vã hơn chương trình lúc chưa cải cách. Thậm chí, với nhiều cải cách trong sách giáo khoa, phụ huynh cũng không biết đường mà hỗ trợ con học.

Rất khó nói “không” với bài về nhà

Kỳ vọng lớn nhất khi áp dụng chương trình mới là giảm áp lực cho người học. Với việc học hai buổi/ngày, học sinh sẽ giải quyết mọi bài vở trên lớp, không phải mang về nhà. Thế nhưng, thực tế không như vậy. 

a
Cách dạy đánh vần như dạy cho người đã biết chữ - Ảnh Gia Tuệ

Khi được hỏi cô giáo có cho bé mang bài về nhà không? Chị Minh Trâm, phụ huynh lớp Một, chia sẻ: “Hầu như ngày nào cũng có. Toán thì ôn. Tập viết thì cô cho về viết các mẫu chữ mỗi ngày từ 8-10 dòng, tức là phụ huynh phải viết mẫu vào ô đầu sau đó con sẽ viết theo. Còn tiếng Việt cũng phải tập đọc nhiều lần… Tất cả những cái này đều là bài tập về nhà chứ còn gì nữa”.

Nói xong, chị đưa tôi xem tin nhắn của cô giáo gửi: “Phụ huynh cho bé luyện viết vở nháp như sau: 2 dòng qu, 2 dòng quả lê, 2 dòng r, 2 lần rổ cá. Đọc nhiều lần bài 24 trong sách giáo khoa tiếng Việt. Soạn sách giáo khoa cho thứ Tư gồm: sách giáo khoa tiếng Việt, toán, hoạt động trải nghiệm và sách tiếng Anh…”.

Ở một trường tiểu học khác, cô cũng nhờ cha mẹ hợp tác cho trẻ học tại nhà như sau: luyện viết vở 2 dòng s, 2 dòng sẻ, 2 dòng x, 2 dòng xe ca. Đồng thời phải xem kỹ bài dấu ; < : > = trong sách toán. Đọc nhiều lần bài đọc trong sách giáo khoa tiếng Việt. Sở dĩ học sinh mới lớp Một vẫn phải ôm bài về nhà ôn tập là vì chương trình được đánh giá có nhiều thay đổi theo hướng nặng và cồng kềnh hơn, đặt nhiều yêu cầu vào bài học hơn.

Do đó, giáo viên khó lòng giải quyết mọi yêu cầu và kèm cặp riêng theo năng lực riêng của từng em như hướng dẫn mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Việc thiết kế kế hoạch giảng dạy cho từng đối tượng học sinh trong lớp học đông đúc gần như là không thể, cho nên nhờ phụ huynh kèm bé học thêm ở nhà là giải pháp bù đắp những thiếu hụt trên lớp. 

Giáo viên một trường tiểu học giảng dạy sách Kết nối tri thức và cuộc sống cho biết, sách mới có nhiều hình ảnh phong phú, hấp dẫn giúp các em hứng thú với việc học. Nhưng phải thừa nhận chương trình mới nặng hơn trước. Như môn tiếng Việt, chỉ ba bài đầu là mỗi ngày học một âm, còn từ bài thứ tư trở đi các em học hai âm cộng thêm các dấu thanh. Trong khi trước đây, các dấu thanh học riêng; đưa tiếng và từ vào các bài học cũng nhiều hơn trước.

“Đó là chưa kể, sang học kỳ II, các bài tập đọc tương đối dài, gần ngang các bài tập đọc của lớp Hai. Môn toán cũng vậy, giáo viên rất áp lực. Trong khi học sinh mới ở mẫu giáo lên về nguyên tắc là chưa được học chữ trước”, cô giáo này cho biết. 

Cha mẹ muốn dạy con cũng khó 

Một giáo viên tại Q.3 đang dạy học sinh theo bộ sách Chân trời sáng tạo thừa nhận gặp không ít khó khăn với chương trình mới. Cụ thể, lấy ví dụ một bài học ngoài âm thường, giáo viên còn phải dạy thêm âm hoa, trong khi ở chương trình cũ những kiến thức này sẽ dạy sau. Tính ra một tiết học các em phải nhớ bốn âm. Bên cạnh đó, môn toán các em phải làm nhiều bài tập hơn, để các em học sinh mới lên lớp Một hiểu được yêu cầu bài đã khó, thầy cô phải lặp đi lặp lại nhiều lần…

Bài học vỡ lòng có nhiều phương ngữ gây khó khăn cho trẻ và cả phụ huynh
Bài học vỡ lòng có nhiều xa lạ gây khó khăn cho trẻ và cả phụ huynh

Chưa kể, theo phản ánh của nhiều phụ huynh trong bộ sách Cánh diều có quá nhiều phương ngữ. Phụ huynh một trường tiểu học ở Q.8 than: “Sách giáo khoa lẽ ra phải dùng từ toàn dân, dễ hiểu và phổ thông, nhưng sách lại có rất nhiều từ mà đến tôi cũng không biết nên không thể nào giải thích để con hiểu. Những bài học trong tháng đầu tiên đã đầy từ phương ngữ: bễ, chả mê, chả sợ, sâm cầm, gà nhép, cá quả, cốc, tết nơ, đe, bễ, nhá dưa, ngựa tía…

Bộ sách này còn có nhiều bài học không phù hợp. Thí dụ như bài Hai con ngựa trong sách Tiếng Việt tập 1 dạy cho học trò thói khôn lỏi. Cụ thể, bác nông dân có hai con ngựa, ngựa tía biếng nhác, ngựa ô làm lụng vất vả. Ngựa tía thắc mắc với ngựa ô: “Chị làm hùng hục như thế để làm gì?”. Ngựa ô trả lời không làm thì ông chủ mắng. Ngựa tía bày: “Chủ mà giục em, em sẽ trốn”…

Phụ huynh N.T.T., ở Q.6 kể, chương trình mới dạy chữ O không tròn vo như trước nữa. Kèm theo đó là cách dạy đánh vần rất ngộ. Trong phần dạy thanh huyền, để đánh vần từ “cà” phải trải qua năm bước: cờ-a-ca-huyền-cà. Bài học đang dạy dấu huyền, nghĩa là học trò lúc này chưa biết gì về dấu huyền nhưng ngay cái vần đầu tiên đã là “cờ” có dấu huyền rồi. Cách này là dạy cho người đã biết chữ, chứ không dựa trên nguyên tắc người học không biết gì.

“Tôi chẳng hiểu đổi mới, cải cách kiểu gì mà ngày càng khó hiểu (dạy). Chương trình phổ thông phải là toàn dân, mọi người đều có thể học - hiểu, người trước dạy được cho người sau. Như ngày xưa, anh chị chỉ cần nhìn vào sách có thể dạy cho chúng ta, các quy tắc đánh vần, tính toán phải cố định và thống nhất. Còn bây giờ, tôi, giảng viên đại học, nhìn vào cũng không biết dạy con sao cho đúng”, anh N.T.T. than. 

Thanh Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hoàng mạnh hảo 11-10-2020 14:47:50

    Ông bà mình có câu " Văn ôn , võ luyện". Các em đi học thì ngoài ở trường về nhà cũng phải tập thói quen tự giác học hành. Học là niềm vui. Mỗi tối tập viết, tập đánh vần khoảng 30 đến 45 phút là điều cần làm. Chừng đó thời gian cũng đủ cho các em viết khoảng 4 dòng và ôn lại bài tiếng Việt đã học ngày hôm đó ở trường. Hiện tại môn Toán cũng chưa có gì phức tạp. Tiếng Anh hoc cũng nhẹ nhàng và vui mà. Phụ huynh chịu khó 1 chút là con theo học được mà. Trừ trường hợp cô giáo cho bài tập nhiều quá thì mới đuối thôi. " Mẫu giáo vui chơi đã hết rồi. Bây giờ di học nhé con tôi ".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI