Trẻ bị di chứng suốt đời vì viêm não Nhật Bản

29/07/2022 - 06:25

PNO - Bệnh viêm não Nhật Bản thường tấn công trẻ nhỏ trong mùa nắng nóng. Dù đã có vắc xin nhưng do không tiêm hoặc không tiêm đủ liều, không ít em mắc bệnh đã phải chịu di chứng suốt đời.

Trẻ co giật, hôn mê kéo dài

Ngồi bên giường bệnh, xoa bóp tay cho con cả tiếng đồng hồ, chị Trần Thị Chi (37 tuổi, ở tỉnh Trà Vinh) nước mắt ngắn dài: “Con trai tôi chỉ mới 14 tuổi, đang tập trung cho những ngày thi cuối kỳ. Tự dưng cháu bị sốt và đau đầu không dứt. Nghĩ con học căng thẳng, tôi mua thuốc cho con uống vẫn không khỏi. Hôm sau, thấy con quá đau nhức, tôi đưa đến bệnh viện ở tỉnh khám. Bác sĩ kêu phải chuyển đi TPHCM gấp”.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy đang khám cho em K., hiện em đã mất tri giác, vận động  - ẢNH: PHẠM AN
Bác sĩ Dư Tuấn Quy đang khám cho em K., hiện em đã mất tri giác, vận động - Ảnh: Phạm An

Trên đường chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), con trai chị - N.V.K. - lên cơn co giật, hôn mê. Mặc dù Khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận nhưng K. bị viêm não Nhật Bản, hôn mê sâu và đến quá muộn nên em bị di chứng về thần kinh. 

Hơn một tháng, các bác sĩ tích cực điều trị, tuy giành lại được mạng sống cho K. nhưng em mất tri giác, nằm bất động trên giường bệnh. Nghe nói đến viêm não Nhật Bản, chị Chi càng thấy hối hận bởi chị không nhớ rõ K. đã tiêm đủ liều nhắc lại chưa, chỉ biết con trai đã từng tiêm... một lần bởi sổ tiêm ngừa đã bị mất từ lâu. 

Ngồi ở Phòng Cấp cứu, chị Mai Thị Quyên (33 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu) xót xa nhìn con trai: “Lúc con sốt, cứ lo con bị COVID-19 chứ không nghĩ viêm não Nhật Bản...”. Bên cạnh chị, em P.T.T. (12 tuổi, con trai chị Quyên) không trả lời được, nhưng khóe mắt ứa nước. Tuy bị yếu liệt, không cử động được, nhưng T. nghe và hiểu hết những gì đang diễn ra với em.

Chỉ sau hai ngày sốt, T. quỵ xuống, không đi được, cả nhà nhanh chóng đưa em đến Bệnh viện Nhi Cần Thơ, sau đó chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ cả hai bệnh viện đều dốc sức cứu T. vậy mà vẫn không kịp. Di chứng thần kinh do viêm não Nhật Bản đã cướp đi tương lai của cậu bé.

Lần nào nghe mẹ gọi tên, nước mắt T. cũng chảy, chị Quyên liên tục lấy khăn lau cho con, dỗ dành con phải cố gắng. “Cháu biết hết, chỉ là không thể đáp lại mình thôi”, chị nói. Suốt ba tháng qua, vợ chồng chị vẫn thay phiên ngược xuôi từ Bạc Liêu lên TPHCM chăm con với hy vọng một ngày nhìn thấy con ngồi dậy.

Theo các bác sĩ, viêm não Nhật Bản đã có vắc xin, vậy mà vẫn còn nhiều trẻ mắc bệnh này. Đa số phụ huynh khi được hỏi đều không nhớ liệu trình tiêm ngừa của con. Thêm vào đó, phần lớn bệnh nhi được phát hiện trễ. Nếu được phát hiện sớm, kết quả điều trị khả quan hơn. Điển hình ngoài hai bệnh nhi trên, các bệnh nhi khác đang dần hồi phục, có trẻ đã được xuất viện.

Rất cần cho trẻ tiêm đủ vắc xin 

Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết: Viêm não Nhật Bản là bệnh có từ rất lâu, do virus gây ra, thường tấn công trẻ nhỏ dưới 15 tuổi khi thời tiết vào mùa nắng nóng. Dịch COVID-19 vừa qua không chỉ làm gián đoạn việc tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm ở trẻ mà đến nay vẫn làm nhiều cha mẹ lo ngại nơi đông đúc, nên không hoặc kéo dài ý định đưa trẻ đi tiêm vắc xin, dẫn đến tỷ lệ tiêm ngừa viêm não Nhật Bản thấp, rất đáng lo.

Triệu chứng của viêm não Nhật Bản đôi khi gây nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác như sốt cao, đau đầu, kèm theo nôn ói... nên khi trẻ mắc bệnh, thường bị đưa đến cơ sở y tế muộn. Phần lớn gia đình tự mua thuốc điều trị cho con, đến khi trẻ co giật, li bì, thậm chí hôn mê mới đưa đi cấp cứu. 

Còn các trẻ khác tùy thuộc tình trạng ở mỗi cháu, khả năng phục hồi sẽ khác nhau. Trẻ cần được nâng đỡ dinh dưỡng và tập vật lý trị liệu, tập ngồi, tập đi, tập nói. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì rất lớn từ cha mẹ bởi trẻ phải tập ngồi, tập đi từng bước, tập nói lại từ đầu như một đứa bé 1-2 tuổi, mặc dù bệnh nhi đã 14, 15 tuổi.

“Khi đã rơi vào co giật, hôn mê thì bệnh đã chuyển nặng, nguy cơ trẻ bị di chứng tâm thần và vận động rất cao. Gần đây, bệnh viện tiếp nhận đến bốn trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản, trong đó hai bệnh nhi kể trên đối mặt với di chứng rất nặng”, bác sĩ Quy nói.

Theo thống kê tại bệnh viện, phần lớn bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản nặng chưa tiêm hoặc tiêm ngừa chưa đủ mũi vắc xin theo liệu trình nên rất khó khăn trong điều trị dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề. Khả năng trẻ không còn nhận thức, không đi đứng được, thậm chí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày phải phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, người thân.

Bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý các triệu chứng như trẻ sốt cao, đau đầu, kèm theo buồn nôn, nôn ói… nên nghĩ đến bệnh lý viêm não để trẻ được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Quan trọng là phải tiêm đầy đủ vắc xin ngừa bệnh cho trẻ. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong tháng 6/2022, cả nước ghi nhận 49 trường hợp mắc viêm não virus, ba ca tử vong. Tính chung sáu tháng đầu năm 2022, cả nước có 110 trường hợp bị viêm não virus (ba người tử vong), tám ca viêm màng não do não mô cầu.

Phạm An - An Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI