Trầu không đắt hàng, nông dân "mỏi tay" hái lá dịp rằm tháng Giêng

04/02/2023 - 17:48

PNO - Nhiều hộ dân trồng trầu không ở Nghệ An trở nên khá giả nhờ loại cây “đếm lá thu tiền” mỗi ngày, đặc biệt là vào các dịp lễ, hội.

Sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hoa (trú xóm 5, xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An) hối thúc các nhân công đến vườn thu hoạch lá trầu không để kịp giao cho khách trước rằm tháng Giêng. Bà cho biết, bà bỏ mối lá trầu không cho thương lái, tiểu thương ở các chợ quanh năm, song dịp tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng mới là cao điểm bán loại lá này.

Người dân trồng trầu không hái lá mỏi tay để cung ứng ra thị trường dịp Rằm tháng Giêng - Ảnh: Phan Ngọc
Người dân trồng trầu không hái lá để cung ứng ra thị trường dịp Rằm tháng Giêng - Ảnh: Phan Ngọc

Cây trầu không được trồng ở đất Nghi Ân từ bao giờ chẳng ai rõ. Mọi người chỉ nhớ rằng, từ xưa, hầu như nhà nào cũng trồng dăm gốc trầu để lấy lá ăn và thờ cúng vào dịp lễ, tết. Gần đây, người ăn trầu ngày một ít, song cây trầu không lại giúp nhiều gia đình ở đây trở nên khấm khá.

Chỉ tay vào những gốc trầu không xanh mơn mởn trong khu nhà lưới, bà Hoa cho hay, một lá trầu không từ lúc chớm nở tới lúc thu hoạch kéo dài chừng 1 tháng. Lúc thu hoạch, người trồng sẽ chọn hái những lá to, dày, đẹp, mặt nhẵn bóng không tì vết để phục vụ nhu cầu cúng bái. Những lá nhỏ, xấu hơn được nhập để ăn trầu hoặc bán cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu.

“Hiện mỗi lá trầu không có giá 1.500 đồng” - bà Hoa nói và cho hay, trung bình mỗi tháng vườn trầu không cho gia đình thu nhập chừng 20 triệu đồng. Riêng từ tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bà “đút túi” gần 100 triệu, dịp rằm tháng Giêng này cũng đã được hơn 30 triệu đồng.

Cẩn thận kiểm tra một vòng các gốc trầu không trong vườn, ông Nguyễn Hồng Thái (54 tuổi, trú xã Nghi Ân) cho hay, tuy trầu không đem lại lợi ích kinh tế cho người trồng, nhưng không phải ai cũng thành công với loại cây này. Vườn trầu của ông Thái có diện tích hơn 1.500m2, có tuổi đời hàng chục năm, hiện là vườn trầu lớn nhất xã Nghi Ân.

Những lá trầu không được tuyển chọn kỹ lưỡng khi thu hoạch - Ảnh: Phan Ngọc
Những lá trầu không được tuyển chọn kỹ lưỡng khi thu hoạch - Ảnh: Phan Ngọc

Theo ông Thái, cây trầu khá khó trồng nên cần chăm sóc vô cùng cẩn thận, ngay cả trong quá trình thu hoạch. Nhiệt độ lý tưởng để cây sinh trưởng, phát triển là 20 - 30 độ C. Đặc biệt, trầu không dễ nhiễm nấm, đồng thời không chịu được hạn, lạnh và ngập úng. “Có thời điểm sâu bệnh ăn hết lá, không còn lá để thu hoạch” - ông Thái nói và cho biết, mỗi gia đình trồng trầu ở đây đều có bí quyết riêng trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trầu không.

Trung bình, mỗi năm vườn trầu của gia đình ông Thái cho thu nhập chừng 300 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Ông cho biết, ngoài phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh, lá trầu không ở đây còn được xuất khẩu sang Đài Loan. “Lá trầu không xuất khẩu sẽ có giá cao hơn nhiều. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thị trường xuất khẩu bị ngưng cho đến nay vẫn chưa nối lại được” - ông Thái nói.

Ông Nguyễn Duy Thọ - Chủ tịch Hội nông dân xã Nghi Ân - cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 50 hộ trồng trầu. Cây trầu không không chỉ giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định mà còn trở nên khấm khá. Hiện nhiều hộ dân cũng đã đầu tư làm nhà lưới, hệ thống tưới hiện đại để trồng loại cây này.

Việc thu hoạch lá trầu không cũng phải cẩn thận, tránh làm gãy cành cây - Ảnh: Phan Ngọc
Khi thu hoạch lá trầu không cần phải cẩn thận để không làm gãy cành cây - Ảnh: Phan Ngọc
Ông Thái tỉ mỉ kiểm tra những gốc cây trầu không sau khi thu hoạch để bón phân - Ảnh: Phan Ngọc
Ông Thái tỉ mỉ kiểm tra những gốc trầu không sau khi thu hoạch để bón phân - Ảnh: Phan Ngọc
Những gốc cây trầu không có tuổi đời hơn 30 năm, bám chặt quanh trụ bê tông - Ảnh: Phan Ngọc
Những gốc trầu không có tuổi đời hơn 30 năm, bám chặt quanh trụ bê tông - Ảnh: Phan Ngọc
Lá trầu được phân loại thành từng nhóm để phục vụ từng nhu cầu của người dân - Ảnh: Phan Ngọc
Lá trầu được phân loại để đưa ra thị trường - Ảnh: Phan Ngọc

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI