Tranh Nguyễn Quang Thiều: Dấu vết châu thổ

04/01/2021 - 06:48

PNO - Tôi thật bất ngờ khi xem loạt tranh của chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chuẩn bị cho cuộc triển lãm có tên "Người thổi sáo" (khai mạc lúc 10 giờ ngày 7/1 tại Trung tâm Art Space, trường đại học Mỹ thuật Việt Nam số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội).

Tôi cũng từng xem nhiều tranh của anh vẽ trên bìa sách báo, minh họa trong vòng 5 năm trở lại đây. Anh Thiều cũng từng gửi thư cho tôi. Ở thi phẩm đầu tay Giọng nói mơ hồ (xuất bản 1999) của tôi, anh là một trong những người viết đề tựa. Tôi viết vậy để muốn kể một điều mình từng chứng thực: Nguyễn Quang Thiều là người có chữ viết tay xấu nhất mà tôi từng biết! 

Thật kỳ lạ! Nhìn những con chữ nguệch ngoạc, xấu xí và có vẻ dị dạng không giống ai, tôi đã nghĩ anh là người không có hoa tay. “Vậy sao anh ấy có thể vẽ đẹp được nhỉ?” - đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên câu hỏi ấy.

Triển lãm gồm 54 bức tranh được Nguyễn Quang Thiều  vẽ hầu hết trong ba năm gần đây
Triển lãm gồm 54 bức tranh được Nguyễn Quang Thiều vẽ hầu hết trong ba năm gần đây

Cho đến gần đây, khi có dịp nói chuyện, anh thổ lộ: “Tôi không phải là một họa sĩ, mà chỉ là kẻ bị sắc màu thống trị”, thì mới hóa giải trong tôi thắc mắc đó. Và thật vậy! “Thống trị” và “ám ảnh” vẫn là hai cấp độ hội họa khác nhau. Thống trị quan hệ theo trục tung, từ trên xuống. Có nghĩa là bị dẫn dắt, bị lệ thuộc, nô lệ màu sắc từ trong tiềm thức. Cái từ bên trong đi ra. Là kẻ được chọn mà không hề biết và vẽ những cái mình chưa hề chuẩn bị, hay chưa hề biết, cho đến khi đứng trước toan đã căng, palet đã sẵn, chỉ cây cọ với màu ngập lún, chảy tràn xuống.

Còn “ám ảnh” lại theo trục hoành, có nghĩa đi từ bên ngoài vào. Từ yêu thích, chuyển qua đam mê, vẽ theo tiếng gọi muốn chứng tỏ cái mình đang hiểu, cố hiểu, đang biết và cố biết. Nguyễn Quang Thiều bị “thống trị” có nghĩa là bị nô lệ màu sắc, bị vẽ trong nhịp điệu bí ẩn của tiềm thức. Với một vũ điệu mà anh không thể cưỡng lại. Nhưng ở góc độ này thì với vẽ, anh đã là người được chọn. 

Cái vòng tròn đầy “ma thuật” ấy đã cuốn Nguyễn Quang Thiều đi. Anh làm mọi thứ với niềm mê đắm: làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, viết tiểu luận, viết báo, dịch thuật, vẽ, chơi nhạc cụ dân tộc… Và điều tôi luôn lạ lùng là trái tim của anh đủ dung chứa một tình yêu nồng nàn cho những cánh đồng nghệ thuật rộng lớn.

Tôi bỗng nhớ lại một “nhịp điệu” trong nhịp lên đồng “châu thổ mới” đã làm nên thành công của thế giới thi ca Nguyễn Quang Thiều. Nếu ở thơ là những thi tứ chảy từ “con bống góa nằm xõa vây”, những ngón chân “tõe ra như chân gà mái”, “một cánh bướm như không có, mỏng hơn cả sự mơ hồ” làm mới lạ, tái tạo, hay “ảo hóa” kỳ diệu cánh đồng văn minh lúa nước hàng ngàn năm của ông cha, thì hội họa của anh lại cho thấy dấu vết hồng hoang của châu thổ.

Ngôn ngữ thơ làm mới sự vật, bản chất héo úa cũ kỹ; còn ngôn ngữ sắc màu lại làm thấu rõ hơn, lung linh hơn, giá trị hơn cho những điều quen thuộc. Như vậy, xem tranh Nguyễn Quang Thiều trong cái màu vàng chủ đạo, màu nâu rơi rớt, màu trắng sương bạc, những đường nét vụng dại, những gương mặt, hình thể âm thổ kỳ dị luôn phá đổ các tỷ lệ cân xứng, nó tạo cho tôi sự thôi miên thảng thốt về một miền miên viễn của quá khứ. Đó là ký ức thơ dại, là cánh đồng, là sự sống hay cái chết hòa quyện, là kiếp trước, là sự vong thân, là nhân bản… 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho tôi biết, khi đã bay vào thế giới của màu sắc, anh nhận ra mình không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa. Anh là họa sĩ vẽ không có phác thảo. Đứng trước toan và quết nhát màu đầu tiên, là cứ thế cuốn theo màu sắc ấy. Có thể những bức tranh chính là một văn bản khác của thơ ca Nguyễn Quang Thiều. Và “kẻ bị thống trị” chỉ là kẻ dùng tiếng sáo thức tỉnh hòa điệu cho màu sắc lấy từ tâm hồn ra. Tất cả đều là một giấc mơ tinh khôi.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI