Tranh luận có nên xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

25/08/2023 - 16:13

PNO - Việc xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 25/8.

 

Một khu nhà lưu trú công nhân tại TPHCM
Một khu nhà lưu trú công nhân tại TPHCM

Nhu cầu cao, thiết thực!

Chiều 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Nội dung xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp nhận được nhiều quan tâm, ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, có nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo vì giúp giải quyết được nhiều vướng mắc trong trình tự, thủ tục đầu tư, tạo sự thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo phương án này thì phải bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn môi trường, tỉ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.

Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp mà cần giao địa phương bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm việc cả trong và ngoài khu công nghiệp.

Đóng góp ý kiến về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần tính toán thật kỹ về quy định phải xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Bởi theo ông, hiện nay các chính sách về nhà ở đã quy định các loại hình như nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở thương mại.

Nếu quy định phải có nhà lưu trú trong khu công nghiệp thì liệu có xảy ra tình trạng “hết đời cha đến đời con nằm mãi ở trong khu công nghiệp”? Ông đề xuất trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân ở. “Ví dụ Thái Nguyên có khu công nghiệp thì buộc Thái nguyên và nhà đầu tư phải đánh giá lượng công nhân là bao nhiêu, đề nghị địa phương giao đất để xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà thu nhập thấp cho công nhân ở...” - ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thì nhấn mạnh sự cần thiết có nhà lưu trú của công nhân trong khu công nghiệp. Theo bà, hình thức này trên thực tế đã tồn tại và được nhiều nơi vận dụng. Nhiều nơi gọi đây là ký túc xá của công nhân. Loại hình này có nhu cầu cao, thiết thực. Bà chia sẻ: “Người lao động trong các khu công nghiệp vì chủ yếu họ là người lao động ngoại tỉnh. Họ cần có một chỗ ở gần khu công nghiệp và chi phí thấp, để có tích lũy cao nhất”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, xây nhà lưu trú trong khu công nghiệp phải bổ sung thêm các tiêu chí, điều kiện xây dựng như quy mô, diện tích, có hàng rào, phân biệt riêng với khu sản xuất…

Băn khoăn Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không nên ôm việc hành chính vào mà tập trung vào nhiệm vụ, chức năng của mình

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không nên "ôm" việc hành chính vào mà tập trung vào nhiệm vụ, chức năng của mình

Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân cũng nhận được 2 luồng ý kiến. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành, một số cũng lo ngại đây là vấn đề mới, chưa đủ độ “chín” để đưa vào luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thẳng thắn cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động không nên “ôm” việc này.  Ông đề nghị nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị xã hội có nên làm hành chính không và nên giao cho các đơn vị hành chính như UBND các cấp tham gia. 

Theo ông, Tổng Liên đoàn Lao động làm đúng chức năng, giám sát, phản biện xã hội trong bối cảnh lực lượng không đủ mạnh. “Đại diện cho người lao động không có nghĩa bất cứ cái gì ta cũng làm” - ông nhấn mạnh và cảnh báo nguy cơ có thể không hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị nhắc thêm, cần đánh giá tác động, tính toán tác động toàn diện của nội dung này.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lại cho rằng, trên thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã là chủ đầu tư của một số nhà ở xã hội. Nếu để tổ chức chính trị - xã hội này làm chủ đầu tư cũng phù hợp vì đây là tổ chức bảo vệ, chăm lo cho người lao động. Theo bà, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên có dự án cụ thể rõ ràng hơn để thuyết phục về đề xuất của mình.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI