Trần Ly Ly: “Làm nghệ thuật phải cực đoan!”

25/05/2013 - 02:04

PNO - PNCN - Thừa nhận mình nổi tiếng hơn khi làm giám khảo truyền hình thực tế (THTT), nhưng biên đạo múa và cũng là Hiệu phó Trường Múa TP.HCM Trần Ly Ly cho rằng, điều đó chẳng tạo nên sự khác biệt nào trong cuộc sống của chị so với...

Tự nhận mình cô độc và hoang mang, cái cô độc thường chỉ có ở những biên đạo, Trần Ly Ly vẫn chỉ xuất hiện trước mắt người khác trong vẻ ngoài tỉnh táo, có phần lạnh lùng và thẳng thắn. Ngay từ bé, bố và mẹ chị, vốn là hiệu trưởng trường Cao đẳng múa Việt Nam và nghệ sĩ ba-lê của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Việt Nam, không hề muốn chị trở thành một nghệ sĩ múa. Sự khổ luyện của múa có vẻ không dành cho một người có sức khỏe kém như chị. Nhưng chị vẫn chọn múa, như số phận đã định thế. 10 tuổi Trần Ly Ly vào trường múa, để rồi tập luyện từ 7g sáng đến 17g mỗi ngày. Nhưng, cái sắc lạnh của Trần Ly Ly chỉ định hình khi chị bắt đầu với múa đương đại, khi chị sang Pháp thực tập và làm việc tại Pháp trong đoàn múa Régine Chopinot. Những năm du học ở Úc sau đó càng làm chị gắn bó hơn với múa đương đại, và mang đến những trải nghiệm, những va chạm lẫn nỗi cô đơn. Không ai trả lời được vì sao Trần Ly Ly lại quay về Việt Nam, dù chị nhận được không ít lời mời làm việc ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Chỉ có chị là biết lý do, biết được “giá trị” của nỗi cô đơn của những năm dài trong cái lạnh của xứ người.

Chị trở thành giảng viên dạy múa đương đại tại Cao đẳng múa Việt Nam trong hoàn cảnh múa đương đại vẫn còn quá xa lạ tại Việt Nam. Vở Một ngày và Cuộc sống trong chiếc hộp mà chị sáng tác, dù được giới chuyên môn nước ngoài đánh giá cao, được chọn trình diễn cho Tổng thống Đức xem, nhưng vẫn là một cái gì đó “kỳ quái” đối với khán giả Việt Nam. Một lần nữa, chị lại hoang mang về những gì mình đã chọn, nhất là khi nhiều người bạn của chị, sau khi quay về, đã chọn cách ra đi. Hà Nội với chị cũng trở nên cũ kỹ tự lúc nào. Chị vào Nam, giảng dạy tại Trường múa TP.HCM và biên đạo nhiều vở ngắn cho các đoàn múa chuyên nghiệp.

Tran Ly Ly: “Lam nghe thuat phai cuc doan!”

* Chị biết đấy, với THTT, dù nắm trong tay quyền “sinh sát” đối với thí sinh, nhưng giám khảo thật ra cũng là thí sinh của dư luận mà thôi…

- Tôi biết chứ. Giám khảo như làm dâu trăm họ ấy mà. Điều dư luận muốn thì vô cùng lắm, người này muốn thế này, người kia muốn thế kia, trong khi đó Trần Ly Ly thì chỉ có một, nên tốt hơn hết Trần Ly Ly hãy cứ là Trần Ly Ly. Tôi không thường xem những nhận xét về mình, tôi không muốn bị phân tâm bởi những điều đó, nhưng tôi tiếp nhận ý kiến của mọi người. Điều tôi muốn nói là tôi không thể và cũng không muốn biến thành một người khác để làm hài lòng tất cả. Tôi đồng ý ngồi đó để nói về chuyên môn, và tôi vẫn đang làm như thế.

* Chính xác hơn là chị ngồi đó, nhận xét về chuyên môn trong vẻ “khó đăm đăm”…

- Tôi “đăm đăm” lắm sao? Trước khi ngồi ghế nóng THTT, tôi cũng làm giám khảo nhiều cuộc thi về múa. Nhưng nếu như ở các cuộc thi kia tôi có thời gian để cân nhắc, thậm chí sai thì tôi có thể làm lại, còn THTT kiểu này thì đã sai là không thể sửa chữa. Chính vì thế, trong khoảng thời gian ngắn ngủi dành cho mỗi nhận xét ấy, tôi muốn mình nói một cách chính xác nhất, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Ừ thì tôi cũng có thể đùa chỗ này một tí chỗ nọ một tí, nhưng tôi ghét đùa nhạt. Với tôi, đã đùa thì phải duyên, đùa thô, đùa nhạt, khó chịu lắm. Tuy nhiên, khoảng thời gian ấy quá ngắn, và tôi phải ưu tiên cho nhận xét về chuyên môn hơn.

Thật ra làm giám khảo THTT không dễ chút nào. Tôi biết nhiều người từng rất choáng khi va phải những vấn đề quanh ghế nóng, dù họ là người rất tài ba. Không chỉ chuyên sâu, bạn phải có một khả năng tổng hợp, nhìn được một cách toàn diện. Để ngồi đó và nói được, người ta phải từng đổ mồ hôi, nước mắt, từng trải qua những trải nghiệm không ngọt ngào.

* Trong tất cả những ý kiến nhận xét mà chị tiếp nhận, có ý kiến nào từng làm chị tổn thương?

- Có chứ. Dư luận thì đủ chiều, còn mình là con người mà, làm sao không tổn thương cho được. Cái chính là phải có bản lĩnh để vượt qua điều ấy. Bản lĩnh ấy có từ trải nghiệm, từ va chạm, từ những tổn thương khác. Quan trọng nhất, sau tất cả những điều đó, còn lại là cái gì. Tôi cho rằng mọi kết quả đều có nguyên nhân dẫn đến của nó. Nguyên nhân này thì kết quả sẽ thế này, và ngược lại. Dĩ nhiên, cũng có khi bạn bị hiểu nhầm, theo kiểu tai bay vạ gió, thế thì tránh làm sao được ngoài cách nhìn nhận lại mình. Với tôi, dư luận nói gì về tôi không quan trọng bằng việc tôi có cảm thấy mình xứng đáng hay không, lời nói của tôi có giá trị hay không. Tôi tự tin để khẳng định rằng cho đến lúc này, tôi vẫn chưa cho điểm sai. Không chính xác 100%, dĩ nhiên, nhưng sai số ở một mức không làm sai lệch bản chất.

Tran Ly Ly: “Lam nghe thuat phai cuc doan!”

* Cũng là về chuyên môn đó thôi, nhưng nhận định của chị và Khánh Thy đôi khi lại “chỏi” nhau. Nếu xem đó là một sự va chạm, thì ngoài va chạm đó, chị có gặp phải va chạm nào khác, với nhà sản xuất chẳng hạn?

- Điều đó cũng bình thường thôi, bởi có thể người này chú trọng hơn về kỹ thuật, người kia đề cao cảm xúc. Tôi thấy hay nhưng Khánh Thy thấy không hay, cũng rất bình thường. Trong một bài nhảy, nhiều khi bước chân của người nhảy rất tốt, rất kỹ thuật, nhưng về cảm xúc thì rất chán hoặc ngược lại. Tôi thường nhận xét thiên về kỹ thuật hơn. Sự khác nhau, nếu có, giữa tôi và Khánh Thy, thì càng làm chương trình thú vị chứ sao. Mà, nói thế nhưng tôi thấy số điểm của Khánh Thy cũng tương đồng tôi chứ có khác đâu. Còn va chạm với nhà sản xuất thì tôi có nghe người này người kia nói, nhưng chẳng thấy ai va gì tôi cả. Hay tại tôi “đăm đăm”, tại tôi cực đoan quá nên chả ai thèm va tôi nhỉ? (cười)

* Chị nói mình cực đoan, vậy sự cực đoan đó có phải là điều cố hữu của những người làm công việc thiên về sáng tạo?

- Làm nghệ thuật là phải cực đoan. Chính sự cực đoan đó bắt người ta phải làm việc, làm việc và làm việc. Người đó sẽ tự bắt mình phải vươn đến top, phải là top, không được dừng lại, không bao giờ thỏa hiệp. Học trò của tôi, nhiều người tập luyện cho đến nôn thốc nôn tháo ra, xong rồi lại vào tập tiếp. Nếu không có sự cực đoan, bạn sẽ không chịu đựng được điều đó. Đâu phải ngẫu nhiên mà nhiều học trò của tôi hiện nay đứng trong hàng top của múa. Cũng như, cũng là một hình thái khác của cực đoan, tôi không bao giờ đặt nặng thành tích, phải huy chương này giải thưởng nọ lên học trò của mình hay tác phẩm của mình, nhưng với tôi, đã ra mắt, đã biểu diễn là phải để lại một điều gì đó, phải gây xôn xao. Tôi mất trung bình sáu tháng cho một tác phẩm mới, ở đó, ngoài mang lại những cảm xúc mới mẻ, còn có sự kỹ lưỡng đến từng mi-li-mét cả về âm thanh, ánh sáng. Sự chỉn chu tuyệt đối đó cũng là cực đoan. Tóm lại, người càng cực đoan, càng biết mình muốn gì, phải làm gì.

* Khổ luyện đối với múa là điều không phải bàn cãi. Sự khổ luyện đó, cho đến bây giờ, khi THTT về múa cũng đã có, các sự kiện cũng cần múa nhiều hơn, liệu múa đã được đền đáp đủ để người nghệ sĩ tự sống được với nghề?

- Với tôi thì sống được, nhưng đó là vì ngoài biên đạo ra tôi còn giảng dạy, còn làm giám khảo. Còn lại, những diễn viên múa kiếm tiền đơn thuần bằng biểu diễn thì khó khăn lắm. Hầu hết đều phải biểu diễn cho đám cưới, múa minh họa… Như thế thì cũng vui, nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Như tôi, dù nhiều người khác có thể kiếm được nhiều tiền từ event, nhưng tôi thì không thể. Không ai có thể đứng hai chân hai hướng, bạn chạy theo event với yếu tố nhanh, đơn giản và đơn thuần giải trí thì bạn sẽ không thể nào có những tác phẩm nghệ thuật ở đỉnh cao được. Bạn bị xao nhãng. Mà nghệ thuật có bao gồm giải trí chứ nghệ thuật không phải chỉ là giải trí. Ngoài giải trí, nghệ thuật phải có ẩn ý, có khơi gợi, có chiêm nghiệm và hình thành cảm xúc…

Tran Ly Ly: “Lam nghe thuat phai cuc doan!”

* Mọi khó khăn, bất cập đó chỉ bởi rằng múa không phải là loại hình của đại chúng, không phải là loại hình dễ cảm thụ. Mà nếu mổ xẻ về nguyên nhân của những nguyên nhân đó, có phải chúng ta sẽ lại nhắc đến một điều đã cũ?

- Rất cũ nữa là đằng khác. Để cảm thụ một loại hình nghệ thuật nào đó, phải biết, phải hiểu về nó. Mà muốn biết thì phải học. Khán giả Việt gần như không có điều kiện để học. Ở nước mình, nghệ thuật không nằm trong chương trình giáo dục như ở các nước khác. Ở nước ngoài, học sinh bắt buộc phải chọn một bộ môn nghệ thuật nào đó. Mà con chọn cũng có nghĩa là bố mẹ chọn. Bố mẹ phải tìm hiểu, để đồng hành với con. Điều đó như một vòng quay khép kín vậy. Khi đã cảm thụ ở một độ nhất định, nếu họ không được thưởng thức, họ sẽ có cảm giác như bị đói. Khi tôi còn học ở nước ngoài, nếu một tháng mà chưa được xem một vở diễn nào, chúng tôi đã thấy đói thật sự. Thế là phải tìm kiếm xem đang có chương trình nào, thậm chí phải dốc tiền dành dụm, di chuyển đến thành phố khác để xem.

* Vậy thì, cuối cùng, chị có chạnh lòng không khi dành bao nhiêu năm cuộc đời mình cho múa nhưng chỉ đến khi ngồi vào chiếc ghế nóng của THTT, chị mới được nhiều người biết đến?

- Không, tôi không chạnh lòng đâu. Tôi nghĩ nổi tiếng hay không cũng là số phận. Có nhiều người rõ ràng tài giỏi hơn, nhưng không nổi tiếng bằng người dở hơn. Tôi cũng không thuộc týp người cần sự nổi tiếng. Tôi tự cho rằng mình thuộc về những gì ở phía sau, thuộc đội ngũ những người tạo ra sự rực rỡ mà mọi người thấy trên sân khấu. Ở phía sau đó, tôi gặp gỡ những người tài giỏi khác, ở loại hình khác. Tôi thích như thế và chỉ muốn mình như thế.

* Cám ơn chị.

Võ Hà
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI