Trần Ðặng Ðăng Khoa và cơn mưa rào tuổi trẻ

30/06/2020 - 23:33

PNO - Hơn 1.000 ngày, đi bằng xe máy qua 65 quốc gia. Tuổi trẻ của Trần Đặng Đăng Khoa được đánh dấu bằng một hành trình đáng nhớ mà anh đã đúc kết, rằng khi có ước mơ, hãy làm đến cùng, đừng để hối tiếc.

Khi tuổi trẻ chỉ có một lần

Ngày 1/6/2017, Trần Đặng Đăng Khoa lên đường từ cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, bắt đầu cho chuyến đi từ Việt Nam đến Paris (Pháp) bằng xe máy, đánh dấu một chặng hành trình đặc biệt trong cuộc đời. Khi đến Pháp, nhiều điều thôi thúc Khoa phải bước tiếp. Ngày 16/6 vừa qua, Khoa trở về Việt Nam sau hành trình vòng quanh thế giới, dừng chân ở 65 quốc gia chỉ bằng chiếc xe máy đã mua cách đây 10 năm.

Với đại đa số, đây là chuyến hành trình không tưởng nhưng với Khoa, mọi thứ đều nhẹ nhàng, chỉ bởi niềm đam mê. “Chuyến đi này sẽ bắt đầu, chỉ sớm hoặc muộn mà thôi. Đó là ước mơ của tôi từ nhỏ. Tôi dành mọi sự tập trung để hoàn thành và không điều gì có thể tác động khiến tôi thay đổi”, Khoa nói chắc nịch, rằng tuổi trẻ của anh sẽ không được đánh dấu bằng một lựa chọn nào khác.

Lớn lên ở Gò Công, Tiền Giang, trước khi có một mái nhà ổn định, suốt 16 năm ròng, gia đình Khoa phải chuyển nhà đến rất nhiều nơi. Đây cũng có thể xem như một dự báo cho cuộc đời dịch chuyển không ngừng của Khoa. Trên bức tường trống hoác, cha anh mang về một tấm bản đồ và treo lên. Đó cũng là khu vực giường ngủ, nơi anh từng bị phạt quỳ gối, bị ăn đòn cho những trò nghịch ngợm trẻ con. Nhìn riết thành quen, chẳng biết tự bao giờ, Khoa lại thấy yêu tấm bản đồ ấy, bởi nó đã mở ra hành trình vòng quanh thế giới đầu tiên trong cuộc đời anh, dẫu rằng chỉ là tưởng tượng.

30 tuổi, anh đặt chân đến Campuchia, biến giấc mơ thơ bé ngày nào thành hiện thực. Ngày thứ 53, Khoa có mặt tại Iran, vượt qua một sa mạc rộng lớn để đi từ cửa khẩu đến thủ đô. Ban ngày, nắng gió như tát vào mặt từng cơn. 19 giờ, mặt trời vẫn còn nhưng cái lạnh lại kéo đến đột ngột.

Ngày thứ 100 của hành trình, anh ở Batumi, Georgia. Ngày thứ 200, anh tới Santiago, Chile. Cột mốc 300 ngày rời Việt Nam, Khoa có mặt ở Lima, Peru. Trong những dòng nhật ký, Khoa cũng chẳng nghĩ thời gian trôi nhanh như thế.

Đoạn đường nguy hiểm nhất - con đường tử thần North Yungas ở Bolivia, những ngày lạc lối trong dãy Andes xuyên suốt Nam Mỹ, con đường Eyre Highway nối thành phố Port Augusta đến thị trấn Norseman dài vô tận với cảnh vật khô cằn xung quanh của xứ sở chuột túi… càng khiến anh cảm nhận được sự cô độc, nhỏ bé của con người giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Nhưng trong hơn 1.000 ngày này, anh cũng chứng kiến được vô vàn khung cảnh đẹp đẽ, như cực quang ở Greenland với ánh sáng huyền ảo không thể diễn tả bằng lời; những cánh rừng nhuộm vàng khi thu sang ở gần Montreal, Canada mà ai cũng ao ước được nhìn thấy một lần trong đời; khung cảnh ở vườn quốc gia Yosemite, vùng núi Sierra Nevada, California, Mỹ ngỡ sẽ chỉ tồn tại trong truyện cổ tích; những hàng cây bao báp khổng lồ mà anh phải ngồi xe buýt suốt 14 tiếng và đi xe lam thêm 2 tiếng từ thủ đô của Madagascar để được nhìn thấy tận mắt… châu Phi cũng là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến phiêu lưu dài.

Anh nói: “Tôi không có dự định ngày kết thúc cho chuyến đi này; chỉ nghĩ khi nào cảm thấy muốn về, sẽ về. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tôi buộc phải dừng lại chuyến hành trình. Có một chút buồn nhưng không hối tiếc bởi tôi đã làm được điều bản thân mong muốn”.

Điều thú vị nhưng cũng đầy rủi ro của Khoa trong chuyến đi này là ngày mai anh chẳng biết mình sẽ ở đâu, ăn gì, gặp ai... Ngay từ lúc bắt đầu, anh từng có nhiều đêm lo lắng đến mất ngủ, có lúc muốn tạm gác lại ước mơ này nhưng tất cả đã được dẹp bỏ bởi sự thôi thúc không ngừng từ bên trong: “Không bây giờ thì bao giờ?”.

Sau hành trình định mệnh

Nhìn lại hành trình ba năm của Khoa, có người cho rằng đó là sự điên rồ hay phung phí tuổi trẻ. Nhưng Khoa hiểu điều mình làm hơn ai hết: “Ngần ấy thời gian, tôi học được nhiều thứ từ thiên nhiên đến văn hóa, con người, chính trị khi đi qua nhiều vùng đất. Con đường học có thể khác nhau nhưng kiến thức có được chưa bao giờ là thừa. Chuyến đi đặc biệt này giúp tôi xây dựng được uy tín với cộng đồng, đó là một điều quý giá không dễ dàng có được”.

Ngoài chiếc xe cũ, giấy tờ, vật dụng cần thiết, điều quan trọng nhất anh mang theo là niềm đam mê, khát khao chinh phục ước mơ.

“Ai rồi cũng sẽ già và trở về cát bụi, duy điều chúng ta làm được sẽ còn ở lại. Chuyến hành trình này kết thúc nhưng dư âm sẽ còn mãi. Tôi có thêm nhiều mối quan hệ, nhận được nhiều cơ hội để bắt đầu một chương mới của cuộc đời thuận lợi hơn”, Khoa chia sẻ.

Từng có lúc anh muốn bỏ cuộc vì sự khắc nghiệt của thời tiết, xe cộ hư hỏng nặng, gặp người xấu, cảm giác cô đơn choáng ngợp hay phải chờ đợi visa đến nản lòng… “Những lúc đó, tôi luôn nghĩ về lý do mình bắt đầu. Nếu tôi bỏ cuộc, tôi sẽ không có lại tuổi trẻ để hoàn thành ước mơ này”, anh nói. 

“Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, khả năng sinh tồn của con người luôn được thử thách ở mức cao nhất. Trên đường đi, tôi được nhiều người cho lời khuyên trong những tình huống khác nhau, nhưng cuối cùng tôi vẫn tự ra quyết định vì hơn hết tôi hiểu bản thân mình, hiểu chuyến đi của mình, chẳng hạn như việc có chạy nhanh hơn để vượt chiếc xe trước mặt, dừng ở đâu trước trong hành trình… Tôi về Việt Nam vẫn toàn vẹn đều nhờ những sự phán đoán đúng đắn”, anh chia sẻ.

Khoa trưởng thành sau những trải nghiệm. Anh nhìn đời bằng nhiều lăng kính hơn, rằng sau mỗi việc đều có nguyên nhân. Có những việc từng khiến anh cảm thấy không hài lòng, nay đều trở nên nhẹ nhàng khi đã tìm được lời giải.

Cách xử sự của con người ở từng vùng đất, từng nền văn hóa đều khác biệt. Vì thế, cần đặt bản thân vào hoàn cảnh đó để tìm lời giải thỏa đáng. Ở đời không có điều gì là tốt nhất và tệ nhất, cái được và chưa được luôn tồn tại song hành.

Chuyến đi cũng giúp anh có thêm niềm tin về cuộc sống, từ việc cho đi và nhận lại, không toan tính. “Có người thấy tôi chở đồ cồng kềnh, họ gọi vào cho chai nước. Có người hỗ trợ tôi can xăng giữa đường hoặc sửa xe giúp. Cũng có người cho ăn nhờ, ngủ nhờ và tiếp tục giới thiệu bạn bè của họ tại những vùng đất tôi sắp đặt chân đến. Cũng có bạn bè gửi phụ tùng từ Việt Nam sang để hỗ trợ tôi. Đáp lại, tôi dành sự hỗ trợ cho những chương trình từ thiện tại Việt Nam cũng như giúp đỡ bất kỳ ai trên đường đi. Tôi tin cơ bản xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều người tốt…”, Khoa chia sẻ.

Sau cột mốc này, đã đến lúc Khoa lên kế hoạch cho tương lai dài hơi hơn: đi làm trở lại, hợp tác với một số đối tác, đồng thời ra sách để sử dụng lợi nhuận thu được hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Khoa cũng nghĩ đến việc lập gia đình. “Đây sẽ là một chặng hành trình mới đầy thử thách không kém. Có lẽ tôi không còn nhiều thời gian cho những chuyến hành trình như vừa qua nhưng tôi cố gắng từ nay đến cuối đời có thể đặt chân đến 100 quốc gia”, anh nói.

Hành trình 1.111 ngày của Trần Đặng Đăng Khoa đã tạo sức lan tỏa với không ít người trẻ cho việc sống với đam mê. Tuy nhiên, Khoa cho rằng không phải cuộc đời nào cũng cần sự điên rồ, mạo hiểm như thế bởi mỗi cá nhân đều sinh ra để khác biệt. Hơn hết, mỗi người chỉ cần sống trọn vẹn với ước mơ và làm đến cùng để biến ước mơ đó thành hiện thực, đã là một thành quả lớn.

Thành Lâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI