TPHCM: Nhiều phương án đảm bảo bầu cử an toàn trong dịch bệnh

03/05/2021 - 06:03

PNO - Ngày 3/5, tại các điểm bầu cử, TPHCM hoàn thành niêm yết danh sách thông tin tiểu sử và chương trình hành động của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch, phương án để công tác bầu cử diễn ra an toàn.

Nhiều kịch bản ứng phó 

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Cao Thanh Bình - Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM - cho hay, ngày 2/2/2021, Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 (Ủy ban Bầu cử TPHCM) đã ban hành Kế hoạch số 05 về công tác tổ chức bầu cử, trong đó chỉ đạo xây dựng phương án, kịch bản tổ chức bầu cử trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Người dân TP.HCM dễ dàng tra cứu thông tin về bầu cử - Ảnh: Đ.M.
Người dân TPHCM dễ dàng tra cứu thông tin về bầu cử - Ảnh: Đ.M

Cụ thể, Ủy ban Bầu cử TPHCM giao tiểu ban hậu cần xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với từng tình huống dịch bệnh trong quá trình chuẩn bị công tác bầu cử nói chung, ngày bầu cử (23/5) nói riêng. “Các kịch bản này đã được trình bày trước Ủy ban Bầu cử TPHCM và được các thành viên của Ủy ban Bầu cử góp ý. Các kế hoạch ứng phó đã được triển khai sâu rộng, chặt chẽ đến các sở, ban, ngành, Ủy ban Bầu cử TP. Thủ Đức và năm huyện, ban chỉ đạo bầu cử của 16 quận” - ông Bình cho hay.

Theo ông Bình, trên cơ sở đó, ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hoặc TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, công tác bầu cử vẫn đảm bảo an toàn, bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bầu cử. “Chúng tôi đã có phương án cụ thể để cử tri ở các khu vực cách ly tập trung như các bệnh viện dã chiến, khu vực bị phong tỏa tham gia bầu cử, bao gồm việc sát khuẩn, khử trùng, chuẩn bị phiếu bầu, thùng phiếu đưa vào các khu vực này cũng như việc kiểm tra, kiểm soát việc bỏ phiếu của cử tri, niêm phong thùng phiếu” - ông Bình thông tin. Ông Bình cho hay, tới đây, các ứng cử viên sẽ vận động bầu cử bằng hình thức tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú. Cử tri cần tuân thủ chặt chẽ việc phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và yêu cầu của chính quyền địa phương.

Dựa vào kịch bản, kế hoạch của Ủy ban Bầu cử TPHCM, hiện các địa phương cũng đã chủ động xây dựng những phương án dự phòng. Ông Nguyễn An Minh - Chánh văn phòng Quận ủy Q.3 - cho biết, mỗi phường ở Q.3 đều có phương án ứng phó dịch bệnh, kể cả trong tình huống xảy ra ca nhiễm ngay tại khu vực bầu cử trong ngày bầu cử. Ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND Q.12 - cũng cho hay, quận đã lập thêm ba tổ bầu cử dự phòng nhằm ứng phó linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh.

Địa bàn TP.Thủ Đức rộng, tổng số cử tri dự kiến hơn 700.000 người thực hiện bầu cử ba cấp (bầu đại biểu Quốc hội, HĐND TPHCM và HĐND TP. Thủ Đức). TP. Thủ Đức có 360 điểm bỏ phiếu, trong đó có tám điểm bầu cử riêng dành cho sinh viên ký túc xá, khu nhà chung cư, nhà tạm giam, tạm giữ. Theo bà Thái Mỹ Diện - Phó Chủ tịch HĐND TP. Thủ Đức, Phó chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP. Thủ Đức - tất cả các điểm tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên cũng như các điểm bỏ phiếu đều được trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, đảm bảo khoảng cách an toàn cho cử tri.

Bầu cử “thông minh”

Cổng thông tin danh sách cử tri trên trang web http://quan3tphcm.gov.vn của Q.3 là nơi cử tri có thể tra cứu thông tin cử tri, khu vực bỏ phiếu và danh sách ứng cử viên qua điện thoại thông minh. Ông Nguyễn An Minh cho hay, toàn quận có hơn 120.000 cử tri, lượng cử tri truy cập cổng thông tin chiếm hơn 1/4 tổng số cử tri: “Qua thống kê, có trên 400 lượt cử tri truy cập để điều chỉnh thông tin cử tri. Nhiều cử tri điều chỉnh thông tin cho cả gia đình, một số cử tri lớn tuổi cũng sử dụng phần mềm này”. 

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP.HCM, cùng đoàn giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử của TP.HCM - Ảnh: D.T.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM, cùng đoàn giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử của TPHCM - Ảnh: D.T

Đánh giá về ứng dụng này, ông Nguyễn Thế Anh - cử tri Q.3 - nhận xét: “Ứng dụng này rất tiện lợi, hiệu quả, góp phần đem lại an toàn cho người dân. Trong kỳ bầu cử trước, tôi phải ra UBND phường xem danh sách cử tri, nếu thấy thông tin bản thân và gia đình sai sót thì yêu cầu UBND phường chỉnh sửa, rất mất công”.

Ông Minh cho hay, sau khi Ủy ban Bầu cử TPHCM trao danh sách thông tin, tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên, cùng với việc niêm yết công khai tại các điểm bỏ phiếu, Ban Chỉ đạo bầu cử Q.3 cũng sẽ đăng thông tin trên cổng điện tử này để cử tri tiện theo dõi, thậm chí mạn đàm về ứng cử viên.

UBND Q.12 cũng ra mắt cổng thông tin về bầu cử tại địa chỉ https://baucu.quan12.gov.vn. Không chỉ tiện tra cứu, điều chỉnh thông tin cử tri, nắm thông tin người ứng cử, cổng thông tin này còn giúp người dân dễ dàng góp ý, phản ánh về công tác bầu cử, tìm hiểu Luật Bầu cử và tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử. Ông Lê Trương Hải Hiếu cho biết, toàn quận có hơn 342.000 cử tri tham gia bầu cử tại 168 điểm bỏ phiếu. Qua tra cứu từ cổng thông tin, cử tri còn dễ dàng nắm bắt các điểm bỏ phiếu một cách thuận tiện qua sơ đồ bằng hình ảnh 3D.

Bà Thái Mỹ Diện cũng cho biết, TP.Thủ Đức cũng ứng dụng bản đồ chỉ dẫn cho 360 điểm bỏ phiếu để giúp cử tri dễ dàng tìm kiếm điểm bỏ phiếu của mình. Danh sách, tiểu sử cùng chương trình hành động của các ứng cử viên cũng sẽ được đăng công khai trên trang web của UBND TP.Thủ Đức.

Trong khi đó, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đang phối hợp cùng Sở Nội vụ TPHCM chạy thử phần mềm dùng chung cho tất cả điểm bỏ phiếu ở TPHCM. Ông Võ Minh Thành - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho biết: “Có rất nhiều việc phải làm liên quan đến công tác bầu cử, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành để bảo đảm tiến độ. Phần mềm sẽ giúp giảm thiểu thời gian cho rất nhiều việc”. 

Ông Thành đơn cử, thay vì phải viết tay thẻ cử tri như trước đây, phần mềm sẽ hỗ trợ in đồng loạt. Ngay trong ngày bầu cử, thông qua phần mềm, lãnh đạo ủy ban bầu cử các cấp sẽ kiểm soát, nắm bắt được tiến độ tại từng điểm bỏ phiếu và kịp thời chỉ đạo công tác bầu cử. “Kết thúc ngày bầu cử, phần mềm cũng tự động xuất báo cáo về cho Ủy ban Bầu cử TPHCM và Ủy ban Bầu cử TPHCM cũng nhanh chóng xem được kết quả kiểm phiếu từ các địa phương” - ông Thành nói thêm. Ông cho biết, trong tháng Tư vừa qua, có gần 1.600 người làm công tác bầu cử ở các cấp đã được tập huấn sử dụng phần mềm này. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI