TPHCM muốn hàng bình ổn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP

24/09/2020 - 06:30

PNO - Nhờ hợp tác thương mại với các tỉnh, thành... TPHCM đã thiết lập được chuỗi liên kết hàng bình ổn ổn định, đây là nền tảng để thành phố đặt mục tiêu nâng chuẩn chất lượng nguồn hàng.

Trong báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM thành giai đoạn 2016–2020, Sở Công thương TPHCM đặt mục tiêu giai đoạn 2020 – 2025 sẽ tập trung, ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng, miền.

Người tiêu dùng mua rau củ quả trong chương trình bình ổn thị trường
Người tiêu dùng mua rau củ quả trong chương trình bình ổn thị trường

Cơ sở để TPHCM đặt mục tiêu này là hiện tại các doanh nghiệp bình ổn thị trường (BOTT) của thành phố đều có vùng nguyên liệu ổn định tại các tỉnh, thành. Hiện, có 28 doanh nghiệp BOTT thành phố đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm.

Phần lớn các DN BOTT thành phố đều đã xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành. Chẳng hạn, Saigon Coop có hệ thống kho bãi, logistics, siêu thị phủ khắp cả nước, là đầu mối liên kết, thu mua tại chỗ các mặt hàng nông sản, với những mặt hàng có sản lượng lớn được thu mua, cung cấp cho thị trường cả nước; Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản đã liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ bình quân 31.000 tấn heo hơi/năm, 1.241 tấn bò hơi/năm; Sagrifood cung cấp bình quân mỗi năm 80.000 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó 80% tại 15 tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ, chủ yếu tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; Ba Huân có nhà máy chế biến thực phẩm, xử lý trứng tại Long An, Bình Dương, Hà Nội… hệ thống trang trại chăn nuôi, liên kết phủ khắp các tỉnh, thành…

Ngoài ra, 3 chợ đầu mối của thành phố tiếp tục là đầu mối tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương để tiêu thụ tại thành phố và lưu thông đi các tỉnh, thành khác; góp phần điều phối lưu thông hàng hóa, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, góp phần điều hòa, cân đối cung cầu tại khu vực phía Nam.

Từ ngày 24 – 27/9/2020 tới đây, Hội nghị Tổng kết Chương trình Hợp tác thương mại giai đoạn 2016 – 2020 và Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TPHCM và các Tỉnh, thành năm 2020 sẽ diễn ra tại TPHCM. Hiện đã có 531 DN đăng ký tham gia, trong đó, có 409 DN của 34 tỉnh, thành đăng ký tham gia với 232 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa; 122 DN thành phố đăng ký tham gia với 224 gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI