TPHCM đề xuất chế tài người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng

19/10/2021 - 15:56

PNO - UBND thành phố cũng đề xuất tăng thêm hơn 50% diện tích quảng cáo trên phương tiện giao thông.

Theo đánh giá của UBND TPHCM về tổng kết thi hành Luật Quảng cáo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2021, số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực quảng cáo khá lớn, hoạt động quảng cáo diễn ra thường xuyên, liên tục. Bên cạnh sự đóng góp tích cực, vẫn có nhiều đơn vị vi phạm quy định về quảng cáo.

Tình hình đăng ký quảng cáo trên các kênh của Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đang có chiều hướng chậm lại và giảm dần vì có quá nhiều kênh cạnh tranh (gần 300 kênh). Các kênh Youtube, Facebook hiện đã chiếm hơn 46% ngân sách quảng cáo của khách hàng.

Các kênh truyền hình nước ngoài đang có lợi thế là không bị hạn chế mật độ chèn quảng cáo vào giữa chương trình. Trong khi đó, với truyền hình truyền thống, các quy định cứng nhắc về số lần và thời lượng được chèn quảng cáo đang gây khó khăn không cần thiết cho việc khai thác quảng cáo.

Đặc thù địa bàn rộng lớn, nhu cầu quảng cáo nhiều nên số lượng biển hiệu, bảng quảng cáo của thành phố tăng hàng năm. Nhưng nhân lực ít, kèm thêm yếu tố kiêm nhiệm, nên không thể bảo đảm thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Công tác cưỡng chế, tháo gỡ đối với các bảng quảng cáo có kích thước lớn không đúng quy định gặp khó khăn do các bước quy trình nhiêu khê, lực lượng cưỡng chế phải bảo đảm chuyên môn theo quy định.

Việc quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời với nhiều hình thức khác nhau, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên môn am hiểu pháp luật, được đào tạo bài bản. Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, khen thưởng, bồi dưỡng... nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích cho hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

 

Đối với hình thức quảng cáo trên hạ tầng internet như Facebook, YouTube, TikTok ngày càng nhiều, nhưng hiện chưa có quy định cụ thể. UBND thành phố đề xuất cần siết chặt quy định quảng cáo đối với loại hình này. Các hình thức giới hạn trên Youtube, Facebook phải công bằng với phát thanh, truyền hình truyền thống. Báo hình, báo nói được linh động hơn trong tỷ lệ và số lần được phép quảng cáo.

Theo UBND thành phố, cần có quy định về trách nhiệm và chế tài xử phạt người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.

Với những người nổi tiếng quảng cáo trên trang cá nhân thì Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử có thể xử lý nếu họ truyền tải thông tin sai sự thật. Cách xử lý gồm phạt hành chính, buộc đóng kênh và gỡ thông tin.

UBND TPHCM cũng đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Cụ thể, tại Điều 28, loại hình quảng cáo trên màn hình chuyên dụng ngày càng phổ biến nhưng luật không quy định phải thông báo nội dung quảng cáo, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm nội dung phát hình.

Do đó, thành phố đề xuất bổ sung các quy định về việc thẩm định kỹ thuật và thông báo nội dung quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền quản lý tại địa phương đối với hình thức quảng cáo này.

Tại Điều 31 về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, UBDN thành phố đề xuất thống nhất quy định về diện tích bảng quảng cáo ngoài trời trên 40m2 mới phải xin giấy phép công trình quảng cáo. Trong thực tế, việc xây dựng bảng với diện tích 20m2 là quá nhỏ, việc xin giấy phép xây dựng phức tạp gây hạn chế cho các doanh nghiệp.

Tại Điều 32 liên quan quảng cáo trên phương tiện giao thông. Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đã khai thác tốt loại hình quảng cáo này, thu hút và tạo hình ảnh đối với khách du lịch. Do vậy, UBND thành phố đề xuất tăng thêm hơn 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo trên phương tiện giao thông. Bởi việc tăng diện tích được phép quảng cáo này không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI