TPHCM cải thiện môi trường đầu tư - một yêu cầu cấp thiết

18/03/2021 - 06:12

PNO - Trong đại dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp ở TPHCM vẫn luôn nỗ lực để vượt qua khó khăn, thích ứng, tồn tại và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư sẽ có rất nhiều nhà đầu tư xếp hàng để được vào TPHCM

Xoay xở để tồn tại

Đối mặt với những khó khăn rất lớn do đại dịch, Công ty TNHH sản xuất - thương mại Mebipha (chuyên sản xuất thuốc thú y, thuốc thủy sản, trụ sở tại TPHCM) vẫn bảo toàn được toàn bộ nhân sự của mình, dần hồi phục và phát triển. Bà Lâm Thúy Ái - Phó tổng giám đốc công ty - cho biết: “Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, thị trường gần như đóng băng, ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng chúng tôi kiên quyết phải giữ được vốn quý nhất của doanh nghiệp (DN), đó là nhân lực”. 

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Nhà máy Vật liệu sinh học (MEDEP JSC) ở Khu công nghệ cao TP.HCM ẢNH: QUỐC NGỌC
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Thiết bị y tế và Nhà máy Vật liệu sinh học (MEDEP JSC) ở Khu công nghệ cao TP.HCM ẢNH: Quốc Ngọc

Công ty đã cắt giảm thời gian làm việc, thay đổi vị trí nhân sự nội bộ và chia ca luân phiên. May mắn là, sau một thời gian ngắn ngưng trệ, ngành chăn nuôi trong nước vẫn duy trì sản xuất và phát triển, giúp sản phẩm của công ty có đầu ra. “Mặc dù thu nhập nhân viên có giảm nhưng cuối cùng, không ai bị mất việc” - bà Lâm Thúy Ái nói. 

Không chỉ giữ ổn định được hoạt động chính của công ty, giữa năm 2020, bà Lâm Thúy Ái còn đầu tư xây dựng trang thương mại điện tử mang tên Sản Vật Phương Nam, là dự án kết nối nông dân, ngư dân với người tiêu dùng nhằm mang các nông sản độc đáo đến trực tiếp với mỗi gia đình, đến tận tay du khách. Bà Thúy Ái bộc bạch: “Việt Nam nổi tiếng với rất nhiều sản vật nhưng chúng lại chưa đến được bữa ăn của người Việt một cách dễ dàng. Những sản vật đó trở nên xa lạ và hiếm hoi với đời sống ẩm thực, được rất ít du khách biết đến để thưởng thức hay mua về làm quà. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu mua sắm thông qua kênh online lại bùng nổ. Đó là lý do Sản Vật Phương Nam ra đời”. 

Nhận giấy phép hoạt động đúng cao điểm dịch COVID-19, đại diện Công ty TNHH Docosan Việt Nam - DN khởi nghiệp (startup) về dịch vụ chăm sóc sức khỏe - gặp rất nhiều khó khăn khi giới thiệu về dịch vụ trực tuyến kết nối người bệnh với các phòng khám tư nhân vì các nơi này phải tạm đóng cửa. Khi dịch bệnh được khống chế, các phòng khám mở cửa lại, họ rất cần được kết nối với bệnh nhân càng nhanh càng tốt, còn bệnh nhân thì ngại tiếp xúc gần khi phải đi khám. Đó là một điều thuận lợi để mô hình dịch vụ đặt lịch khám bệnh trực tuyến này có thể “sống” được.

Cuối tháng 1/2021, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã đầu tư thêm 475 triệu USD vào Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (IPV) thuộc giai đoạn 1 của nhà máy lắp ráp và kiểm định chip có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu. Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó của tập đoàn này để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Theo ông Kim Huat Ooi - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc IPV - công ty này là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất của Intel trên toàn thế giới. Cơ sở tại TPHCM sẽ tiếp tục đa dạng hóa và cải thiện các hoạt động để có thể tiếp nhận các công nghệ phức tạp hơn và các sản phẩm mới, cho phép Intel tận dụng những cơ hội mới của thị trường.

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý SHTP - đánh giá trong tình hình khó khăn do dịch bệnh, việc tăng vốn của Intel có ý nghĩa rất lớn đối với TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Điều này cũng nói lên sự tin tưởng của DN vào đội ngũ nhân lực trong nước cũng như môi trường đầu tư ổn định của Việt Nam. 

Đối mặt khó khăn về vốn, thủ tục

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH An Hạ - chia sẻ hơn chục năm trước, TP.HCM có

Mục tiêu thu hút vốn FDI 5,4 tỷ USD

Ngày 1/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, xác định chủ đề hoạt động của TPHCM năm 2021 là Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Chính quyền TPHCM cũng xác định, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 với những kế hoạch cụ thể: đánh giá kết quả thu hút đầu tư, rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong thực tế hoạt động của DN để kịp thời giải quyết, hỗ trợ NĐT. UBND TPHCM dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị lớn về cải thiện môi trường đầu tư vào cuối tuần này.
Mục tiêu của chính quyền TPHCM trong năm nay là vừa tập trung kiểm soát tốt dịch COVID-19, vừa triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng thêm 1 tỷ USD so với năm 2020, từ 4,4 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD.

chủ trương xóa bỏ các lò giết mổ thủ công để hình thành các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm khép kín, hiện đại, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hưởng ứng chủ trương này, An Hạ và một số DN như Công ty Thực phẩm Lộc An, hợp tác xã Tân Hiệp Hóc Môn… đã bắt tay đầu tư vào các khu đất được chọn triển khai dự án.

Giữa tháng 7/2017, UBND TPHCM có quyết định chấp thuận cho An Hạ thực hiện dự án nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á. Công ty đã xin phép các cơ quan chức năng thực hiện trước những công trình phụ (san lấp mặt bằng khu đất, xây dựng hàng rào, cổng nhà máy, xây dựng và lắp đặt xong hệ thống xử lý nước thải). Từ tháng 4/2018, công ty đã nhập máy móc trị giá hơn 50 tỷ đồng để chuẩn bị cho việc đưa nhà máy vào hoạt động cuối năm 2018. Tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc của công ty là hơn 100 tỷ đồng. 
Thế nhưng, dù đã liên hệ khắp nơi, công ty vẫn chưa nhận được quyết định cho thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do vướng 387,1m2 đất công (gồm 179,8m2 mương với chiều ngang chỉ hơn 1m và 207,3m2 đường bờ với chiều ngang hơn 2m) nằm giữa khuôn viên khu đất làm dự án (gần 3ha) nên cơ quan chức năng và UBND TP.HCM không giải quyết thủ tục giao đất cho An Hạ. “Máy móc vẫn để nguyên trong kho và thời hạn bảo hành đã hết” - bà Thắm kể. 

Sau nhiều lần gửi đơn kêu cứu, ngày 14/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có văn bản trình UBND TPHCM xem xét, quyết định cho công ty thuê đất để xây dựng nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ nhưng lại theo hình thức “trả tiền thuê đất hằng năm”. Trên cơ sở đó, UBND TPHCM có quyết định cho công ty thuê đất với hình thức đóng tiền thuê đất hằng năm.

Chế biến lương thực, thực phẩm là một trong những ngành trọng điểm thu hút đầu tư của TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Chế biến lương thực, thực phẩm là một trong những ngành trọng điểm thu hút đầu tư của TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

“Việc không cho DN đóng tiền thuê đất một lần khiến chúng tôi bị động, rơi vào bờ vực phá sản vì không thể đem dự án thế chấp ngân hàng, lấy vốn để xây dựng nhà máy. Tôi đã nhiều lần có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TPHCM xin tháo gỡ vướng mắc nhưng chưa có kết quả trong khi theo quyết định của UBND thành phố, ngày 31/12/2021, nhà máy phải hoàn thành và đi vào hoạt động. 

“DN chúng tôi luôn tiên phong thực hiện các chủ trương của TPHCM như đưa thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP đến tay người tiêu dùng, đưa thịt heo về đúng giá, nhưng chúng tôi đang rất buồn, ngày càng kiệt quệ vì từ năm 2018 đến nay, phải đóng “lãi mẹ lãi con” với số tiền hơn 1 tỷ đồng trong khi dự án vẫn đắp chiếu” - bà Thắm bộc bạch.

Bà Lâm Thúy Ái cũng cho biết, dù DN vẫn trụ vững trong đại dịch nhưng vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn. Dự án khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao của Mebipha tại H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đang bị chậm tiến độ khoảng sáu tháng, đội vốn lên 10-15%. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển tăng, việc nhập khẩu thiết bị ách tắc, các loại chi phí khác cũng tăng. Mebipha may mắn trụ được nhưng nhiều DN khác phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất. Điều cấp thiết nhất mà các DN cần lúc này là nguồn vốn để duy trì hoạt động. Khoanh nợ, giảm lãi suất, cấp vốn lãi suất thấp là những giải pháp đã được Chính phủ đề ra, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn ì ạch.

Hồ sơ vẫn “chuyển qua chuyển lại”

Vụ việc của Công ty An Hạ không phải là trường hợp hiếm xảy ra. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng hiện còn nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. 

Mebipha nỗ lực duy trì sản xuất trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 - Ảnh: Đinh Đang
Mebipha nỗ lực duy trì sản xuất trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 - Ảnh: Đinh Đang

Chẳng hạn, từ năm 2014 đến nay, chủ đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị không được đảm bảo quyền được đầu tư kinh doanh đối với các lô đất trong dự án được quy hoạch để thực hiện các công trình giáo dục y tế, thể dục thể thao, công viên phục vụ vui chơi giải trí có kinh doanh (không bao gồm công viên công cộng). Chủ đầu tư dự án là người bỏ vốn thực hiện việc giải phóng mặt bằng để có quỹ đất dự án và cũng là người bỏ vốn đầu tư xây dựng toàn bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án thì lẽ ra phải có quyền ưu tiên lựa chọn đầu tư kinh doanh tất cả các sản phẩm được tạo ra từ dự án, hoặc chủ đầu tư quyết định không đầu tư kinh doanh mà tự nguyện bàn giao các phần đất này cho địa phương quản lý. 

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TPHCM - cho rằng những năm qua, việc thu hút đầu tư của TP.HCM tương đối tốt ở một số mặt như thủ tục đối với dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã được Ban Quản lý Các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza) hỗ trợ, giải thích kỹ lưỡng các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, môi trường đầu tư vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Điển hình, hiện quỹ đất ở các khu công nghiệp của TP.HCM đã hết. Vừa qua, UBND TPHCM có hướng nghiên cứu chuyển đổi một phần đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, nhiều DN muốn tiếp cận nguồn đất nhưng vẫn chưa thấy chủ trương này được triển khai cụ thể. Thêm vào đó, thủ tục xét duyệt, cấp giấy phép xây dựng còn chậm. Hepza có chức năng tiếp nhận hồ sơ thủ tục rồi chuyển qua Sở Xây dựng, sau đó, sở lại chuyển vòng lại Hepza, khiến có DN làm thủ tục hai năm vẫn chưa xong. 

Một số điểm bất hợp lý trong Luật Đất đai cũng đang gây trở ngại lớn cho các DN. Chẳng hạn, DN bỏ tiền giá cao để mua đất của nông dân, muốn chuyển thành đất công nghiệp, xây dựng thì phải được Nhà nước cho phép và tiếp tục đóng thêm một khoản tiền rất lớn để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục chuyển đổi mục đích cũng rất nhiêu khê và tốn nhiều thời gian. Ở một số lĩnh vực như dệt may, nhuộm, giày da, các DN đang bế tắc trong việc đầu tư xử lý nước thải theo quy định do vốn đầu tư rất lớn. Họ mong muốn Nhà nước đầu tư việc xử lý nước thải, các DN sẽ sử dụng và trả tiền cho Nhà nước. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, những năm qua, TP.HCM chưa có sự tiến bộ rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính. TP.HCM đặt ra mục tiêu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh lọt vào top 5. Tuy nhiên, năm 2019, TP.HCM chỉ đứng trong nhóm từ 13-15, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường cạnh tranh của TP.HCM vẫn ở mức trung bình. 

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng sau nhiều năm, dự án nhà máy giết mổ gia súc hiện đại của Công ty TNHH An Hạ vẫn ngổn ngang - Ảnh: Đ.Thư
Đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng sau nhiều năm, dự án nhà máy giết mổ gia súc hiện đại của Công ty TNHH An Hạ vẫn ngổn ngang - Ảnh: Đ.Thư

Cải thiện môi trường đầu tư, rất nhiều nhà đầu tư sẽ xếp hàng để được vào TPHCM

Đó là điều mà nhiều chuyên gia, đại diện các nhà đầu tư nhấn mạnh khi nói với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về giải pháp để TPHCM trở thành một điểm đến thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Chuyên gia tài chính Nguyễn Nam Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tanzanite International - khẳng định nếu cải thiện mạnh mẽ, quyết liệt môi trường đầu tư, rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) sẽ xếp hàng để được vào TPHCM. Theo ông, thủ tục cấp giấy phép đầu tư phải về một cửa và có thời hạn cụ thể, nhất định, không thể để NĐT phải miệt mài ôm hồ sơ đi từ cơ quan này sang cơ quan khác. Ông nói: “Phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ trong việc gây chậm trễ, không thể nói trách nhiệm chung chung của sở này hay phòng nọ. Đang có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, lãnh đạo thành phố quyết tâm rất cao nhưng các cơ quan bên dưới lại rất chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục cho NĐT. Đừng để những việc này khiến TP.HCM giảm đi các lợi thế lớn mà không phải nơi nào cũng có được”. 

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - thông tin: “Chế biến thực phẩm được coi là một trong bốn ngành trọng điểm của TP.HCM, chiếm gần 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp xấp xỉ 14% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và sản phẩm chế biến lương thực của TPHCM giai đoạn 2020-2030 cũng nhấn mạnh, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao là vấn đề sống còn của ngành này. “Rất hy vọng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” sẽ bị dẹp bỏ khi chính quyền TP.HCM đã đề ra trọng tâm hoạt động năm 2021 là xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Những quyết sách quan trọng sẽ tạo sức bật hỗ trợ DN phát triển. Tôi tin rằng, sự đồng hành của chính quyền với DN là nền tảng quan trọng đề thành phố cất cánh”. 
Theo ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - lâu nay, TPHCM đã là điểm đến đầu tư phổ biến nhất của các DN châu Âu khi muốn gia nhập thị trường Việt Nam. Đặc biệt, các khu vực lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng thu hút rất nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Lợi thế địa lý khiến TPHCM được các DN nước ngoài lựa chọn khi muốn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Hơn thế nữa, các yếu tố như mật độ dân số cao, cơ sở hạ tầng tốt và các mạch nối giao thông được thiết lập tốt biến TPHCM trở thành một thỏi nam châm thu hút đầu tư từ các DN quốc tế. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi TPHCM được coi là đầu tàu kinh tế của Việt Nam và thực tế là địa phương đóng góp hơn 20% GDP cả nước.

Cũng theo ông Nicolas Audier, chính quyền TPHCM đã tạo dựng một môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn cho các NĐT quốc tế, chẳng hạn các chính sách rút ngắn thời gian đăng ký đầu tư và thủ tục thành lập DN. Trong khi đó, các chính sách định hướng tương lai như xây dựng thành phố thông minh, số hóa và chính phủ điện tử sẽ giúp TPHCM thu hút thêm nhiều DN nước ngoài tiềm năng trong tương lai.

Khi đại dịch COVID-19 toàn cầu được kiểm soát tốt hơn, TPHCM nên tận dụng khoảng thời gian quý giá mười năm tới để tiếp tục thu hút vốn FDI từ châu Âu, bởi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực giúp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng tiếp cận với làn sóng đầu tư mới từ châu Âu. Để khai thác toàn bộ lợi ích của EVFTA, chính quyền TPHCM cần phát huy những thành tích cải cách tích cực gần đây, tự do hóa thị trường hơn nữa, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng ở quy mô lớn hơn. 

10/11 dự án chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài

Sáu năm trước, UBND TP.HCM đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đưa 11 dự án vào danh mục các dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Trong số đó, đáng chú ý có dự án xây dựng nhà ga hành khách xe buýt tại khu vực Chợ Lớn, ba dự án đường trên cao tuyến số 1, 2, 3, hai tuyến tàu điện một ray (monorail) số 2 và số 3, tuyến xe điện mặt đất số 1, tuyến đường sắt đô thị (metro) số 6, khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại Tây Bắc Củ Chi, khu đô thị Đại học Quốc tế (H.Hóc Môn), các bệnh viện trong cụm y tế Tân Kiên (H.Bình Chánh). Tuy nhiên, đến nay, có tới 10/11 dự án chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Hiện chỉ có một dự án (khu đô thị Đại học Quốc tế) thu hút được sự đầu tư của nước ngoài nhưng vẫn chưa triển khai xây dựng.

Nhóm phóng viên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI