Từ vụ bí thư xã giết cháu để trục lợi bảo hiểm: có nên cấp phép thám tử bảo hiểm?

13/05/2020 - 07:08

PNO - Vụ một bí thư xã tại Lâm Đồng giết người theo điều tra ban đầu với mục đích “mượn xác” để trục lợi bảo hiểm nhân thọ lên đến hàng chục tỷ đồng không phải là trường hợp đầu tiên, nhiều vụ việc man rợ trước đó cũng từng bị phanh phui. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần phải phát triển nghề thám tử bảo hiểm để ngăn chặn tình trạng này.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm cần thiết để phát triển nghề thám tử bảo hiểm, bởi vấn đề trục lợi bảo hiểm đang ngày càng trở thành vấn đề lớn tại Việt Nam, với hành vi trục lợi ngày càng tinh vi, man rợ. 

Hiện trường giả mà bí thư xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng dựng lên sau khi giết người cháu của mình - Ảnh minh họa
Hiện trường giả mà bí thư xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng dựng lên sau khi giết người cháu của mình - Ảnh minh họa

Ông Dũng dẫn chứng, tháng 5/2016, cả nước xôn xao khi một người phụ nữ tại Hà Nội thuê người chặt tay chân, tạo hiện trường giả bị tai nạn tàu hỏa cán để đòi tiền bảo hiểm 3,5 tỷ đồng. Hay năm 2019, có vụ một khách hàng nữ mua liên tục chín hợp đồng bảo hiểm khác nhau, và sau đó một tháng thì bị “tai nạn” dao chặt cụt ngón tay; hoặc một người đàn ông trong khoảng thời gian ngắn mua 15 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sau đó một thời gian khiếu nại đòi quyền lợi bảo hiểm ung thư và được chi trả tới gần 10 tỷ đồng…

Cũng chính vì vậy, hằng năm các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả hàng ngàn tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm, trong đó không ai có thể biết được số tiền khách hàng trục lợi là bao nhiêu, chỉ biết đó là một con số không hề nhỏ. Chẳng hạn năm 2019, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả hơn 24.000 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm, nếu cộng cả chi trả quyền lợi bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, thì tổng số tiền chi trả là khoảng 30.000 tỷ đồng. 

Theo một nghiên cứu, từ năm 2007-2013, có khoảng 52.860 vụ trục lợi với số tiền trên 530 tỷ đồng trong bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam. Đó là những vụ doanh nghiệp bảo hiểm điều tra phát hiện được bằng chứng và từ chối trả quyền lợi bảo hiểm, hoặc khách hàng sau khi biết bị phát hiện tự rút yêu cầu đòi quyền lợi bảo hiểm. Một khảo sát khác ước tính có từ 4-6% hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm có dấu hiệu trục lợi của khách hàng, tuy nhiên doanh nghiệp không có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả, nên vẫn thực hiện việc chi trả cho khách hàng. 

Lý do các doanh nghiệp bảo hiểm không tìm được bằng chứng khách hàng trục lợi bảo hiểm là do họ thiếu đội ngũ nhân viên, không thể kiểm tra tất cả các vụ chi trả quyền lợi, không có nghiệp vụ điều tra, vướng về mặt cơ chế, không thể tiếp cận thông tin nhiều chỗ để điều tra.

Nếu Nhà nước cho phép phát triển một nghề phụ trợ là nghề thám tử bảo hiểm, thì sẽ có những quy định về mặt pháp luật, kèm theo chức năng, quyền hạn của những người làm công tác thám tử. Họ sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn những nguồn thông tin mà công an không điều tra. Ví dụ, các vụ có tính hình sự cao như vụ chết người tại Lâm Đồng thì có công an điều tra, nhưng các vụ tự làm tổn thương thân thể như chặt tay chân thì đội ngũ thám tử này có thể vào cuộc. 

Theo ông Ngô Trung Dũng, tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, nghề thám tử bảo hiểm rất phát triển và có thu nhập tốt, bởi trục lợi bảo hiểm diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, đã từng xảy ra những vụ vợ giết chồng, chồng giết vợ, vợ chồng giết con, giả vờ mất tích, “mượn xác”… như vụ ở Lâm Đồng vừa qua. Những cảnh sát điều tra, bác sĩ sau khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác có thể làm rất hiệu quả công việc này.

Để mang lại sự phát triển lành mạnh cho bảo hiểm - một ngành nghề kinh tế quan trọng tại bất kỳ quốc gia nào, thì hy vọng trong tương lai không xa, Nhà nước Việt Nam sẽ cho phép loại nghề nghiệp này xuất hiện. Bởi thời gian qua, để điều tra một số vụ việc, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tự bỏ tiền mướn thám tử tư bên ngoài.

Trong khi đó đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một văn bản pháp luật chính thức nào quy định rõ ràng về ngành nghề thám tử tư, hành lang pháp lý chưa có, pháp luật lại nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đời tư cá nhân, khiến người theo nghề gặp nhiều hạn chế trong quá trình điều tra. 

“Nếu thám tử bảo hiểm được phát triển tại Việt Nam thì phải có nghiên cứu, văn bản pháp luật chính thức quy định rõ ràng về ngành nghề này, có đầy đủ hành lang pháp lý. Riêng về doanh nghiệp phát triển loại hình này cũng cần phải có quy định yêu cầu tổ chức, về vốn, tiêu chuẩn quản trị điều hành, vai trò của các bên giữa người thám tử bảo hiểm và doanh nghiệp…” - ông Ngô Trung Dũng nói. 

Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI