Vẫn là nỗi buồn mang tên “trùng tu di tích”

09/06/2023 - 07:16

PNO - Dư luận nhiều lần lên tiếng nhưng những sai phạm trong việc trùng tu di tích vẫn cứ tái diễn.

Nỗi buồn của công chúng, các nhà nghiên cứu văn hóa… lại dài ra khi mới đây, hàng loạt tượng phật trong chùa Thổ Hà (di tích quốc gia, tọa lạc tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị sơn vàng chóe trong quá trình trùng tu, gây xôn xao dư luận. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang kết luận việc sơn tượng này thực hiện không đúng quy định. Sở đang chờ hồ sơ từ địa phương, sau đó thẩm định, đánh giá và đưa ra phương án phục hồi trong thời gian tới. Năm 2021, trong quá trình trùng tu chùa Thổ Hà, đơn vị thi công cũng làm vỡ bia đá có tuổi đời 342 năm (tính đến năm 2021).

Tượng phật trong chùa Thổ Hà (di tích quốc gia) trước (ảnh trái) và sau khi được sơn vàng chóe gây xôn xao dư luận
Tượng phật trong chùa Thổ Hà trước (ảnh trái) và sau khi được sơn vàng chóe gây xôn xao dư luận

Sau khi trùng tu, tháp chăm Khương Mỹ (di tích quốc gia, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cũng không còn các chi tiết chạm khắc, soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp ở các tường gạch mới; trong khi các phần tường cũ còn các chi tiết này. Đơn vị thi công cho biết trong phương án tu bổ không có hạng mục hoàn thiện chi tiết hoa văn. Nhưng phê duyệt dự án lại có phần tu bổ các chi tiết chạm khắc: soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp (theo thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, tháng 12/2022). Chưa kể, nhiều mảng gạch vừa được trùng tu lại bị loang lổ vì muối hóa.

Hàng loạt vụ việc khác có thể nhắc như: bê tông hóa đình Lương Xá (Hà Nội), thay mới phần lớn kết cấu gỗ đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh), sơn toàn bộ đình Trung Thượng và đình Trùng Hạ (Ninh Bình) làm biến dạng đình, phá dỡ bậc đá cổ đình Chèm (Hà Nội), phá dỡ và xây mới tường gạch chùa Kim Liên (Hà Nội)… 

Ở hầu hết các vụ việc, khi chuyện đã rồi, cơ quan quản lý mới vào cuộc xử lý. Điều này cho thấy công tác quản lý vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt với các di tích nằm ở xa trung tâm các tỉnh, thành phố. Chưa kể, trình độ, nhận thức về việc tu bổ, tôn tạo di tích ở mỗi nơi lại khác nhau. Có thể thấy đây là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều sai phạm thời gian qua. Nguồn nhân lực chuyên môn phục vụ cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích vẫn còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu đúng mức để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Quá nhiều sự vụ xảy ra nhưng hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý đến nơi đến chốn, dẫu luật đã có quy định cụ thể. Rõ ràng việc quản lý, bảo vệ di tích bằng luật chưa hiệu quả. Việc cộng gộp của những yếu tố này khiến cho sai phạm cứ tiếp diễn. Có những sai phạm dẫn đến hậu quả không thể khắc phục, sửa chữa.

Trước thực trạng này, các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định cần nhất vẫn là cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả của cơ quan quản lý, chính quyền. Chỉ khi cơ chế này chặt chẽ thì mới tạo ra được một lá chắn bảo vệ tốt cho di tích, hạn chế các thiệt hại đau lòng cho di tích vì lỗi chủ quan của con người. 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI