Tôi từng nghĩ gia đình tan tác là hết

10/12/2020 - 21:00

PNO - Thấy con khóc, ấp úng nói không thành lời, tôi cũng khóc theo. Kể từ giây phút đó, tôi thề sẽ làm lại cuộc đời, có trách nhiệm với con.

Hai năm trước, tôi rót bao nhiêu tiền của vào để kinh doanh nhà hàng. Vợ tôi ra sức cản, cô ấy liệt kê hàng tá lý do để tôi suy nghĩ lại, nhưng tôi không nghe. Ban đầu, việc kinh doanh thuận lợi, có lãi khiến tôi tự mãn vô cùng, nhưng từ năm 2020, tôi bắt đầu thấm đòn, biết thế nào là “thương trường khốc liệt”.

COVID-19 đã đánh cho những người kinh doanh nhà hàng, quán ăn như chúng tôi lao đao không gỡ nổi. Chưa kể, luật giao thông phạt nặng người sử dụng đồ uống có cồn đã khiến người ta thích tụ họp ở nhà hơn. Việc kinh doanh rơi vào thua lỗ, có tháng tôi chạy vạy khắp nơi vay mượn, cố gắng duy trì nhà hàng, nhưng sau đó cũng đành đứt ruột trả mặt bằng để cắt lỗ.

Tài chính eo hẹp khiến vợ chồng tôi lục đục. Đứng trước sự thất bại, tính tự ái trong người tôi nổi lên. Ai nói gì cũng khiến tôi nhạy cảm, cho rằng họ bóng gió mình. Vợ tôi vì áp lực kinh tế, cũng không ngừng trách móc tôi ngày trước không nghe lời cô ấy.

Tôi nuôi con gái nhỏ sau ly hôn - Ảnh minh họa

Tôi nuôi con gái nhỏ sau ly hôn - Ảnh minh họa

Sau những mâu thuẫn kéo dài, lại thêm việc phải bán nhà trả nợ, chúng tôi đi đến bước đường cuối: ly hôn. Con gái lớn do vợ tôi mang về quê chăm sóc, con gái nhỏ mới 3 tuổi do tôi nuôi dưỡng. Chí ít thì tôi còn một căn nhà của cha mẹ ở Sài Gòn, có thể đưa con về cho ông bà nội phụ chăm sóc. Còn vợ tôi mất mẹ ruột từ nhỏ, nếu đem cả đứa nhỏ 3 tuổi về, cô ấy khó mà tập trung đi làm. Đứa nhỏ ở Sài Gòn thì vẫn tiện cho những việc khám bệnh, chăm sóc, gửi mẫu giáo hơn.

Thế là từ một gia đình yên ấm, chúng tôi chia thành hai ngả, vợ về Phú Yên, còn tôi gom đồ về nhà cha mẹ. Những ngày đầu ly hôn, tôi chán chường, tuyệt vọng. Càng nghĩ nhiều về chuyện làm ăn, chuyện gia đình, tôi càng mệt mỏi. Ban ngày tôi ở trong nhà chơi game, xem đá banh, tối đến là tôi say xỉn, bù khú. Tôi mặc kệ cho bà nội chăm con nhỏ. Những lúc nhìn con gái giống mẹ, tôi càng khó chịu, càng cảm thấy giá mà hai đứa chúng tôi chưa có con thì chẳng phải lo lắng, mệt mỏi thế này. 

Một hôm, sau khi nhậu về, tôi mò lên phòng ngủ. Phòng tối om, tôi vừa vào cửa đã vấp phải vật gì đó bể tan tành, mảnh vỡ làm chân tôi xước máu. Tôi cáu bẳn, bật đèn lên, ngay dưới chân là bát cháo đổ tung tóe. Tôi biết, nếu là mẹ thì không thể để cháo ngay dưới sàn thế này. Chỉ có thể là con tôi, không với tới chiếc bàn cao nên đành để dưới đất.

Bát cháo con gái để dưới sàn nhà đã khiến tôi tỉnh ngộ - Ảnh minh họa

Bát cháo con gái để dưới sàn nhà đã khiến tôi tỉnh ngộ - Ảnh minh họa

Máu nóng dồn lên đỉnh đầu, tôi qua phòng bà nội. Con bé vẫn chưa ngủ, ngơ ngác nhìn cha. Tôi quát lớn: “Tại sao cháo không ăn hết, đem bỏ cửa phòng hả?”.

Vừa nói tôi vừa đét vào mông con mấy cái. Bà nội xót cháu, vừa cản vừa la mắng tôi. Con bé thì cứ khóc, không nói thành lời: “Con thấy ba… ra ngoài từ chiều… Sợ ba đói, con… chừa cháo… của con… cho ba ăn…”.

Tôi lặng người, không ngờ câu trả lời cùng những tiếng nấc ấy làm tôi khóc theo con. Từ ngày ly hôn, tôi chẳng để ý việc con mình ăn uống thế nào. Còn con, bé đã quan sát cha, chừa đồ ăn bí mật trong phòng, thấy cha cau có là không dám đòi hỏi những cái ôm ấp như ngày gia đình còn êm ấm.

Sau hôm đó, tôi thề với lòng phải thay đổi, sống có trách nhiệm. Tôi gửi đơn xin việc, chấp nhận làm thuê thay vì ngồi chờ làm chủ, mỗi tháng tôi mang được món tiền nhỏ về nuôi con. Tôi từng nghĩ gia đình tan tác là hết, nhà hàng phá sản là hết. Nhưng không, tôi vẫn còn con gái hết sức quan tâm, coi tôi là cả thế giới.

Con đã cho tôi thấy, trong những ngày khốn đốn nhất cuộc đời, không phải tôi nuôi dưỡng con, mà là con đã chăm sóc tôi, khiến tôi tỉnh ngộ.

Hoàng Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI