"Tôi làm phù thuỷ để biến tất cả thành hoàng tử, công chúa"

20/03/2024 - 18:36

PNO - NTK Minh Hạnh dành toàn bộ thời gian trong sự nghiệp của mình để tôn vinh chiếc áo dài, giới thiệu áo dài với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Chị góp công lớn với ngành thời trang TPHCM.

TƯ Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen cho nhà thiết kế Minh Hạnh vì những thành tích xuất sắc thực hiện các hoạt động trong chuỗi sự kiện “Áo dài - Di sản Văn hóa Việt Nam
Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen cho NTK Minh Hạnh vì những thành tích xuất sắc trong chuỗi sự kiện Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam. Ảnh: phunuvietnam.vn

Năm COVID-19 thứ hai…

Tôi đang thực hiện loạt tranh áp phích cổ động phòng chống COVID-19 thì nhận được cú điện thoại từ nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh - Giám đốc công ty Việt Mode, đề nghị được sử dụng tranh của tôi vào bộ sưu tập áo dài thời trang chống dịch COVID-19.

Chuyện gì đây? Hóa ra là trong khi nhiều hoạt động văn hóa xã hội, nhất là các lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo, theo quy định giãn cách, cách ly… đều phải lắng xuống, ngưng lại, đóng băng; những tưởng lĩnh vực biểu diễn thời trang nghệ thuật phải "trùm mền" chờ ngày hoạt động trở lại. Nhưng không, NTK Minh Hạnh không chịu ngồi im, dù chỉ một ngày.

Chị tìm tòi vận dụng mọi khả năng mình có để có thể biến nguy thành cơ. Mọi ngành nghề đều sát cánh cùng ngành y tham gia chống dịch, thì ngành thiết kế thời trang cũng không thể đứng bên lề. Chị Minh Hạnh nghĩ ngay đến những bộ thiết kế, sưu tập thời trang áo dài nghệ thuật với chủ đề "Những thiên thần áo trắng".

Bộ sưu tập Những thiên thần áo trắng  lấy cảm hứng từ hình ảnh những y, bác sĩ hết lòng vì cuộc chiến chống dịch Covid 19
Bộ sưu tập Những thiên thần áo trắng lấy cảm hứng từ hình ảnh những y, bác sĩ hết lòng vì cuộc chiến chống dịch COVID-19

Chất liệu sáng tạo chính là từ thực tế bi thương trong đại dịch COVID-19, nhưng bên cạnh đó là rất nhiều thành công đáng ca ngợi của các lực lượng chống dịch, những chất liệu đó được chắt lọc bằng những bài hát, bản nhạc, tranh vẽ, những câu chuyện ghi dấu ấn của thời kỳ đặc biệt nhất.

Tôi gọi điện, NTK Minh Hạnh trả lời nhỏ nhẹ nhưng rắn rỏi như mọi khi: "Sau khi chồng tôi mất (chồng chị Minh Hạnh là nhà báo - nhà văn Lê Văn Nghĩa) và khi đại dịch hoành hành, tôi phải lấy công việc làm động lực sống và phấn đấu, cố gắng làm những việc có thể để góp sức vào công cuộc chống dịch. Còn trong nghề thiết kế thời trang, tôi nguyện làm "bà phù thủy" để mong được biến tất cả mọi người thành hoàng tử, công chúa!".

Dự kiến "vùng lên" từ tâm dịch đầu tiên là cuộc trình diễn thời trang áo dài để tôn vinh và tri ân "những thiên thần áo trắng" tổ chức tại Đại học Y Hà Nội; sau đó 20 bộ sưu tập thời trang chủ đề chống COVID-19 sẽ được triển lãm ở Bảo tàng Phụ Nữ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội. Nhưng một đợt dịch bất ngờ đã làm cuộc trình diễn quy mô này hoãn lại.

Không chịu thua, NTK Minh Hạnh đổi hướng. Chương trình của chị sẽ lên sóng Đài truyền hình VTV với bộ sưu tập tranh áp phích bộ đội tham gia chống dịch của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Mẫu áo dài trong chương trình Những thiên thần áo trắng được các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ những câu chuyện của các y, bác sĩ - lực lượng tuyến đầu chống dịch
Mẫu áo dài trong chương trình Những thiên thần áo trắng được các NTK lấy cảm hứng từ những câu chuyện của các y, bác sĩ - lực lượng tuyến đầu chống dịch

Tôi đã đến dự một ngày thu hình chương trình thời trang nói trên. Sân khấu được thiết kế như một khu vườn thượng uyển, với hồ nước, vườn hoa, thảm cỏ, cây cối và cả những cái lồng chim xinh xắn.

NTK Minh Hạnh cho biết: "Tất cả đều là thật, tôi không chấp nhận đồ giả trên sân khấu. Cây lớn tôi cũng mua về. Không vận chuyển bằng thang máy được thì dùng cần cẩu cẩu lên. Để huy động bộ đội "thứ thiệt" tham gia hoạt cảnh, chúng tôi cũng đi mời các chiến sĩ từ các đơn vị quân đội chứ không dùng diễn viên.

Một lần khác, chương trình thời trang tôn vinh các y bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch có tên là Mạch sống tại quân y viện 175, NTK Minh Hạnh cũng mời các y bác sĩ trực tiếp tham gia trình diễn cùng đội ngũ nghệ sĩ. Ban đầu chị định chọn sân máy bay trực thăng làm sàn diễn, sau lại chọn chính các lối đi trong quân y viện.

Những ý tưởng của chị luôn táo bạo, bất ngờ và không đụng hàng. Như chương trình áo dài thời trang Kim cương đen tổ chức ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), phông nền là những cảnh hùng vĩ của biển đảo vịnh Hạ Long với cảnh những cánh tay xe cẩu khổng lồ. Những người công nhân tham gia sự kiện trong bộ đồng phục thợ lò đã thực sự vươn tới vẻ đẹp của thiên thần. Hay như chương trình ở TP Huế diễn ngay tại Đại Nội vào đêm rằm, chị khéo léo tạo ra một hậu cảnh tiên bồng với trăng rằm tròn vành vạnh trôi qua nền trời phía sau sàn diễn.

Các chương trình thời trang tơ lụa, thổ cẩm, vải gai, vải jean; các chuyến đi Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… thi nhau ra đời, tiếp nối xuất hiện, khiến tên tuổi NTK Minh Hạnh ngày càng nổi bật trong giới thời trang.

Nhiều người mẫu cho biết họ rất muốn tham gia các chương trình của NTK Minh Hạnh, tuy cát-sê không thật cao, nhưng độ khó nghệ thuật của chương trình và sự sáng tạo pha trộn chút quyết đoán của NTK Minh Hạnh giúp họ thành công hơn, tự hào hơn. Điều đó có thể thấy ngay trên sân khấu, NTK Minh Hạnh với bộ trang phục trắng đen bất hủ, lúc nào cũng khản tiếng điều hành từng việc nhỏ nhất.

Là một NTK, nhưng NTK Minh Hạnh cũng là nhà ngoại giao khôn khéo, là nhà tổ chức sản xuất tài ba. Chị chăm chút đầu tư vào các chuyến đi thăm dò thị trường, chọn cảnh, tìm mẫu, thương thuyết với các lãnh đạo địa phương để được phép tổ chức chương trình, đôi khi còn nhắm đến hướng đầu tư dài hơi cho nguyên liệu sản xuất chứ không chờ đợi những gì có sẵn hoặc chợt đến.

Chị Thanh Hằng - thư ký của Công ty Viet Mode - nói vui: "Tụi em lén gọi cô là "bà phù thủy (!). Phù thủy ở đây là nói về sự biến hóa, sáng tạo, quyết đoán. Nhưng cũng có nghĩa là rất thẳng tính, không nhượng bộ. Vì thế các nhân viên và người mẫu đều vừa sợ vừa thích được làm việc với "bà phù thủy".

Cuộc đời không ít gian nan và nỗi đam mê sáng tạo chính là ngôi trường đã đào tạo ra “bà phù thủy” đặc biệt này. Chị Minh Hạnh tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định rồi làm họa sĩ trình bày ở Báo Tuổi trẻ, Báo Công nhân giải phóng (nay là Báo Người lao động) và Báo Phụ nữ TPHCM. Về báo Phụ Nữ TPHCM, chị Minh Hạnh bắt đầu dựng trang báo thời trang.

Vải thiết kế thời trang thời ấy là vải bao cấp, người mẫu là nhân viên của báo. Chị Minh Hạnh còn có nghề cắt may, chị thực hiện bản vẽ kỹ thuật và chụp hình đưa lên. Có thể coi đó là những trang báo thời trang đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1990, chị Minh Hạnh nhận được học bổng của khóa thiết kế tại Indonesia. Kết thúc khóa học, Công ty Legamex mời chị về làm Giám đốc Trung tâm thời trang Việt Nam đầu tiên là Legafashion vào năm 1992. Khoảng 2 năm sau, Viện Mẫu thời trang Việt Nam ra đời, lãnh đạo ngành dệt may mời chị về làm việc.

Trong những thành công ấn tượng nhất của NTK Minh Hạnh phải kể đến 2 chiếc áo dài đoạt giải thưởng New Designer Award tại cuộc thi thiết kế Makuhari Grand Prix tổ chức ở Nhật Bản, năm 1997. Tại đây, chị đã được Ban Tổ chức mời giới thiệu đến công chúng Nhật Bản 100 mẫu thiết kế trong bộ sưu tập áo dài Việt Nam Truyền thống và tương lai tại đền Kiyomizu - Dera. Tiếp đến, năm 1999, NTK Minh Hạnh là đại diện duy nhất của châu Á được mời đến tham dự cuộc trình diễn thời trang quốc tế Big Q.

Năm 2006, NTK Minh Hạnh được Chính phủ Pháp tấn phong danh hiệu “Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương”. Chị đã có những hoạt động thiết thực nhằm thắt chặt mối quan hệ trong lĩnh vực thời trang giữa Việt Nam và Pháp qua chương trình ký kết với Viện Mẫu thời trang Pháp. Chị cũng tạo được ấn tượng sâu sắc với bộ sưu tập Đêm trắng tại Pháp trong khoảng thời gian này.

Nhà thiết kế Minh Hạnh (áo trắng) và người mẫu chào khán giả trong buổi giới thiệu bộ sưu tập được làm từ hoa lá giữa Vườn quốc gia Cát Tiên
NTK Minh Hạnh (áo trắng) và người mẫu chào khán giả trong buổi giới thiệu bộ sưu tập được làm từ hoa lá giữa Vườn quốc gia Cát Tiên (ảnh nhân vật cung cấp)

NTK Minh Hạnh dành toàn bộ thời gian trong sự nghiệp thời trang của mình để tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam, giới thiệu với nhiều nền văn hóa trên thế giới. Theo NTK Minh Hạnh, vẻ đẹp truyền thống và bí ẩn của tà áo dài là “một ngôn ngữ không cần phiên dịch”. Chị góp công lớn với ngành thời trang TPHCM.

Trên sàn diễn catwalk, Minh Hạnh là NTK Việt Nam sáng giá nhất, thu được nhiều thành công nhất, được nhiều Đài TH nổi tiếng trên thế giới phỏng vấn. Chị tôn tạo và lan tỏa giá trị của áo dài Việt Nam ra khỏi biên giới quốc gia. Nhà tạo mẫu Minh Hạnh đã được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ của Ý và giải thưởng Fukuoka của Nhật Bản vì đã góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng văn hóa châu Á trong kỷ nguyên kết nối toàn cầu.

Tôi còn được biết, khi ngành hàng không Việt Nam có chủ trương thiết kế lại trang phục của đội ngũ tiếp viên sao cho hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc, họ đã "chọn mặt gửi vàng" cho một công ty thời trang nổi tiếng nước ngoài. Cuối cùng, người mà công ty nước ngoài này “chọn mặt gửi vàng“ thiết kế thời trang cho tiếp viên hàng không Việt Nam lại chính là một phụ nữ Việt: NTK Minh Hạnh.

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.


Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

Huỳnh Dũng Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hồng Hằng 28-03-2024 11:55:56

    Bài viết đã ghi lại bao quát hoạt động Mỹ thuật gần như của một đời người ở giai đoạn thăng hoa cống hiến cao nhất cả về giá trị và nghệ thuật được ghi nhận ở cả trong và ngoài nước. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn nắm chắc sự việc đến từng chi tiết nên các bài viết luôn rất thật. Sự kiện, con người luôn sống động thuyết phục thu hút tạo lòng tin ở người đọc. Thương cảm ơn tác giả Huỳnh Dũng Nhân và nhân vật NTK Minh Hạnh!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI