Tin ở yêu thương

01/12/2017 - 08:00

PNO - Căn bệnh ung thư cổ tử cung hành hạ chị đã hai năm. Trong hai năm đó, cũng ba bốn lần tưởng chị không thể trụ vững.

Chị từng tuyệt vọng, đau đớn, nhưng chính tình yêu thương của chồng và các con đã kéo chị trở về sự sống, như một kỳ tích. 

Bị trời "thử sức"

Chị tên là Nguyễn Thị Thúy Phạn (sinh năm 1963, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM sau khi phẫu thuật cắt bỏ một thận giữa tháng 10/2017 để ngăn khối u ác tính tử cung di căn. 

Chồng chị, anh Nguyễn Văn Hoan, hơn chị hai tuổi. Anh thương và theo đuổi chị từ thuở học trò, chỉ chờ đủ tuổi là “cưới liền tay”. Chị nhỏ nhắn, xinh đẹp; anh cao gầy, phong độ. Bạn bè, gia đình hai bên đều khen họ xứng đôi, còn anh thì vô cùng hài lòng với cuộc hôn nhân bởi người vợ quá ngoan hiền, một lòng chăm chút, vun vén cho chồng, cho con. 

Tin o yeu thuong
Anh Hoan chăm vợ trên giường bệnh

Nhắc lại kỷ niệm, mắt anh sáng lên với nụ cười tươi: “Người ta nói “đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn” thiệt đúng. Hai đứa tôi lấy nhau từ hồi còn hai bàn tay trắng, vậy mà chưa bao giờ cô ấy than thở một lời, cứ lặng lẽ ngày ngày nhường cha con chúng tôi từng miếng thịt, chén canh, chỉ chừa phần mình cơm với mắm.

Có cái bánh ngon, trái ngọt, không bao giờ cô ấy ăn một mình mà chờ chồng con về. Vì sự nhẫn nại hy sinh của cô ấy, tôi cũng cố gắng làm ăn, công việc của tôi thuận lợi lắm, nhiều năm làm tôm trúng mùa, cất nên nhà cửa, mua được đầm riêng. Bốn đứa con, đứa nào cũng ngoan ngoãn, chí thú học hành”.

Những tưởng hạnh phúc viên mãn ấy kéo dài mãi mãi, thế nhưng cách đây hai năm, trong một lần nghe người bạn bị ung thư cổ tử cung vừa mới mất, chị sợ nên thử đi khám xem sao. Bất ngờ khi đi kiểm tra, bác sĩ cho biết chị mắc ung thư cổ tử cung.

Anh Hoan kể: “Cầm tờ kết quả mà con trai lớn cố tình giấu đi, tôi run cả hai tay. Tôi hỏi con: bây giờ làm cách nào hả con? Con nói: làm cách nào thì mình cũng cứu mẹ nha ba. Y học giờ tiến bộ lắm, mẹ bị ung thư cổ tử cung nhưng còn nhiều hy vọng. Con sẽ gửi mẹ cho các thầy cô, anh chị bác sĩ quen hồi trước”. Nghe con trai nói, tôi có thêm niềm tin. vậy là tôi khăn gói theo cô ấy trị bệnh suốt hai năm liền”.

Tin o yeu thuong

Lan tỏa yêu thương

Tôi đến thăm chị Phạn vào một buổi trưa cuối tuần ở phòng hậu phẫu khoa Ngoại 1. Chị đang nằm ngủ, còn anh Hoan ngồi trên dãy ghế đối diện ngay cửa ra vào phòng bệnh. Thấy tôi loay hoay tìm anh (do chưa biết mặt), các anh chị nuôi bệnh tại khoa chỉ liền: “Đó, ổng nè, bữa nào cũng giành ngồi đúng chỗ này để nhìn cho được vợ”. Anh Hoan gật đầu chào tôi rồi nhỏ nhẹ bắt tiếp lời mọi người: “Ừ, không ngồi chỗ này, sao quan sát được, sao biết lúc cô ấy vẫy tay, nhăn mặt mà đến kịp chứ?”.

Là một ngư dân, chỉ biết quanh năm tay lưới, thúng, thuyền… Vậy mà sau nhiều chuyến chăm vợ bệnh, anh Hoan thành “điều dưỡng” thứ thiệt luôn. Anh nói: “Hồi trước cầm cái tã loay hoay không biết xỏ làm sao, nhìn vết máu, lo cô ấy đau, tay tôi run bần bật. Nhưng giờ ngon lành rồi. Cho dù cô ấy ở bệnh viện hay ở nhà tôi xử lý được hết. Mấy đứa con cứ áy náy chuyện không phụ đỡ được ba mẹ. Tôi gạt hết, nói với các con là một mình ba chăm mẹ thôi vẫn ổn, cho các con yên tâm làm việc. Tình nghĩa vợ chồng, cô ấy vì tôi và các con hy sinh quá nhiều rồi, giờ coi như ông trời cho tôi cơ hội bù đắp lại. Nhưng tôi cũng xin ông ấy lần này nữa thôi nha, cô ấy yếu lắm, đừng thử thách chúng tôi thêm nữa”. 

Tin o yeu thuong

Sự thật thì anh Hoan nuôi vợ bệnh lần này khó khăn bởi chị Phan cứ mặc cảm về bệnh ung thư. Chị nói: “Nghe ung thư là tôi nghĩ ngay cái chết. Vì khủng hoảng, sợ hãi nên sinh ra cáu gắt. Mấy lần xạ trị xong về nhà, anh làm việc gì tôi cũng không vừa lòng, cau có, gây gổ, kiếm chuyện như để trút bớt nỗi đau, nỗi lo sợ chất chứa trong lòng. Anh mua cháo nhiều, tôi cũng la. Anh gọt trái cây ép ăn tôi cũng cằn nhằn. Có khi anh giận quá, bỏ đi chỗ khác, tôi nằm ngẫm nghĩ thấy thương, ứa nước mắt một mình, nhưng khi anh trở lại…thì lại đâu vào đó”.

Kể đến đây, chị Phạn chợt bật cười: “Giận vậy mà không dám bỏ đi xa đâu, chỉ cần tôi nhăn mặt là lập tức chạy tới liền. Có khi tôi đau, bứt rứt trong người, cằn nhằn ảnh xong, thấy mình vô lý quá, kéo tay xin lỗi thì ảnh đã cười hề hề. Hồi tôi mới phát bệnh này, tôi biết anh lo lắng lắm, nhưng chưa bao giờ anh tỏ ý lo âu trước mặt tôi. Anh luôn động viên, an ủi, tạo cho tôi một niềm tin, ngày mai sẽ khỏe”.

Giữa những đợt điều trị, anh thường chở vợ đi chơi đó đây, thăm thú bạn bè. Chị nói: “Nhờ anh ấy, tôi lạc quan hơn. Hai năm rồi, lớp bạn xưa họp mặt, anh đều tranh thủ đưa tôi tới chơi, rồi chờ để đón tôi về, y như hồi tôi lành lặn vậy”.

Nghe vợ kể, anh trợn mắt: “Bệnh ung thư thôi, có phải tàn tật gì đâu mà không lành lặn? Mà tàn tật thì cũng là một con người, nghĩ gì nhiều vậy?”, rồi anh lấy tay xoa mặt chị, đầy vẻ cưng chìu. 

Tin o yeu thuong

Chứng kiến hình ảnh ấy, những bệnh nhân chung phòng len lén cười. Ai nấy đều vui, ran giọng: “Giá chi ông chồng nào cũng biết chăm lo vợ như vầy”, “Anh làm chị em phụ nữ chúng tôi ghen tỵ quá”… Tôi hỏi anh Hoan: “Có bao giờ anh mệt mỏi và nản lòng không?”, anh mỉm cười: “Không, tôi tin vào y học và vào ý chí của vợ. Nhiều tai nạn đã qua khiến tôi thấy vợ mình có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ. Sức mạnh này từng lan tỏa qua tôi, cho tôi tin mọi điều kỳ diệu đều có thể xảy ra. Từ nghèo khó, chúng tôi có của, cùng nuôi, dạy dỗ các con nên người. Nên giờ là lúc tôi cần bày tỏ thái độ, gieo niềm tin lại cho cô ấy, giúp cô ấy trụ vững tinh thần”. 

Câu trả lời của anh khiến cả phòng hồi sức hậu phẫu khoa Ngoại 1 Bệnh viện Ung Bướu lặng cả đi. Tôi nghe rõ tiếng tích tắc của những chiếc máy đo nhịp tim, nghe luôn tiếng thở dài của người phụ nữ đơn thân nằm nơi góc phòng, nghe tiếng cánh tay kéo áo, quệt vội dòng nước mắt của một chị nuôi bệnh giường sát bên cạnh. Chị ấy khẽ khàng kéo áo tôi: “Tôi nuôi mẹ ở đây mấy tháng rồi, chuyện anh Hoan thương vợ, từ khoa nội sang khoa ngoại, tôi nghe hoài, nhìn hoài không chán. Tình yêu thương sâu sắc của hai anh chị xoa dịu nỗi đau của biết bao người”. 

Tin o yeu thuong

Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, Trần Thị Kim Liên - cho biết: “Hình ảnh anh Hoan chăm vợ hàng ngày rất dễ thương và cảm động. Bệnh nhân ung thư nào cũng cần rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình. Vì vậy, những tình cảm đẹp như vầy, chúng tôi rất trân trọng và mong nó lan tỏa nhiều hơn. Yêu thương xoa dịu và làm lành mọi nỗi đau, điều đó chính là sự thật trước mắt chúng ta đây”. 

Hạnh Chi

Tin o yeu thuong

Chuyên mục do Báo Phụ Nữ TP.HCM và Roche Việt Nam phối hợp thực hiện.Nhiễm dai dẳng HPV (vi rút gây u nhú ở người) là nguyên nhân chính gây nên 99% trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC). Trong đó, HPV type 16 và 18 gây nên 70% trường hợp UTCTC. 

Có đến 4 trong 5 phụ nữ bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.

UTCTC có thể ngăn ngừa nếu được phát hiện sớm. Để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo làm xét nghiệm HPV DNA như là xét nghiệm sàng lọc cơ bản ban đầu cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên. 

Hãy làm xét nghiệm HPV ngay hôm nay để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC của bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại các bệnh viện như: 
Từ Dũ, Hùng Vương, Phụ sản Mê Kông, Quốc tế Hạnh Phúc, Trung tâm Medic, Diag… để có phương pháp tầm soát tốt nhất.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI