Tìm cách hồi sinh không gian công cộng ở TP.HCM

04/12/2020 - 06:40

PNO - Không gian công cộng (KGCC) là thước đo của đô thị hiện đại, sáng tạo, cũng là một phần dấu ấn, “hồn cốt” của thành phố. Nhưng việc phát triển KGCC nhiều năm qua vẫn chưa thực sự đột phá, hiệu quả.

Câu chuyện hồi sinh và phát triển KGCC được thảo luận tại tọa đàm Không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM: Thực trạng, nhu cầu và giải pháp (do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM và Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức, vào sáng 3/12) mở ra nhiều phương hướng, giải pháp đáng kỳ vọng.

Dấu ấn văn hóa từ đường phố, vỉa hè 

Phó giáo sư - tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM, phác họa bức tranh âm nhạc đường phố: “Buổi sáng cuối tuần, trên con đường trước sảnh trung tâm mua sắm, bên kia đường trước quảng trường, khán giả không kể quốc tịch, thành phần, tầng lớp, trong tâm trạng thảnh thơi, tự do, cùng lắng nghe, hòa vào thế giới của âm thanh. Con đường âm nhạc chính là nơi vang lên những sắc màu âm nhạc rất riêng của thành phố”. 

Từ năm 2006, Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM cùng Nhạc viện TP.HCM đã tổ chức thành công chương trình biểu diễn âm nhạc miễn phí, định kỳ hằng tuần trước Nhà hát TP.HCM. Âm nhạc đường phố cũng đã xuất hiện ngày một nhiều hơn với các chương trình, sự kiện ở đường đi bộ Nguyễn Huệ, các công viên…

Đường sách Nguyễn Văn Bình - một không gian công cộng thú vị ở TP.HCM
Đường sách Nguyễn Văn Bình - một không gian công cộng thú vị ở TP.HCM

Nhưng Con đường âm nhạc (được đề xuất dự kiến ở đường Hàn Thuyên) là KGCC đang được mong chờ, để tạo nên “bức tranh về cuộc sống thanh bình của thành phố, về sự truyền tiếp thế hệ, sinh hoạt âm nhạc lành mạnh cho thanh thiếu niên”.

Đường sách TP.HCM được thành hình bắt đầu bằng câu hỏi “tại sao không?” của tiến sĩ Quách Thu Nguyệt 5 năm về trước. Ngày 9/1/2021, Đường sách sẽ chính thức kỷ niệm 5 năm hoạt động - chặng đường đậm dấu ấn của một KGCC ý nghĩa, từng được bình chọn là Top 10 sự kiện nổi bật của năm 2016. Câu hỏi ấy hôm nay, một lần nữa được bật lên dành cho Con đường âm nhạc, Con đường di sản Đờn ca tài tử Nam Bộ

Từ ý tưởng đến hiện thực sẽ không quá xa nếu nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía lãnh đạo lẫn tâm huyết của giới chuyên môn. “Tại sao không, nếu như một ngày nào đó quảng trường Nguyễn Huệ sẽ trở thành một sân đình khổng lồ với những chiếu chèo, sân khấu hát bội, đờn ca tài tử… Ban ngày hay ban đêm, trên quảng trường có những họa sĩ vẽ chân dung cho khách, nghệ sĩ xiếc hay ảo thuật, biểu diễn âm nhạc thính phòng hoặc truyền thống, những buổi khiêu vũ vào những buổi tối đẹp trời” - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, nêu ý tưởng. Dấu ấn văn hóa từ những KGCC cũng chính là giá trị, là một phần hồn cốt của đô thị hiện đại. 

Thiếu công trình điêu khắc làm điểm nhấn

Chúng ta có rất ít công trình có chất lượng, được đặt ở những quảng trường, vườn hoa công cộng trung tâm thành phố để làm “điểm nhấn” biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của đô thị. Các công viên văn hóa cộng đồng của thành phố đang thiếu bóng dáng các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc, hội họa có chất lượng nghệ thuật. Hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng phù hợp để bài trí các tác phẩm điêu khắc công cộng vừa và nhỏ. Đáng tiếc, ở đây vẫn chưa thấy có một bóng dáng của tác phẩm điêu khắc nào.

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM:

“Hãy làm cho KGCC của thành phố trở thành nỗi nhớ của người đi xa” - tiến sĩ Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhắc nhớ câu chuyện bản sắc. Xây dựng KGCC không thể bỏ quên những giá trị văn hóa, di sản của thành phố.

“Điều khiến những người con xa xứ nhớ về thành phố này còn có hè phố, những quán cóc ven đường, những khu hẻm chật chội nhưng lại đầy sinh hoạt náo nhiệt mỗi ngày. Khách du lịch đến đây có chung nhận xét điều làm họ thích thú, ấn tượng chính là các dãy nhà phố nhấp nhô, những quán cà phê, quán phở/hủ tíu bình dân mà khách có thể ngồi ra cả lề đường. Tất cả điều đó cho thấy chính các sinh hoạt của cư dân tại không gian mặt phố, con hẻm mới là cái hồn văn hóa của TP.HCM” - kiến trúc sư Trần Khánh Trung, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nhìn nhận. 

Ngõ hẻm, vỉa hè hiện được xem là KGCC không chính quy/không gian xen kẽ chưa được đầu tư xây dựng, nhưng những không gian này lại góp phần không nhỏ làm nên nét đặc trưng, dấu ấn văn hóa của thành phố. Câu chuyện “hẻm phố, hồn phố” chạm đến vấn đề bản sắc cần các nhà quản lý văn hóa lưu tâm, nhưng trước nhất phải tháo gỡ được những thực trạng của hẻm hiện nay là đang bị chiếm dụng, vệ sinh, an toàn trật tự… “Phải làm sao để mọi KGCC đều là không gian văn hóa” là kỳ vọng của tiến sĩ Võ Kim Cương, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM.

Hồi sinh KGCC - Bài học từ các nước

Tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Thị Hồ Vi, giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ câu chuyện của thành phố Lodz (Ba Lan) - một sự hồi sinh KGCC kỳ diệu của một thành phố từng phải đối mặt với sự sụp đổ của ngành công nghiệp, dân số giảm, kinh tế sa sút và diện tích bị thu hẹp. Chính quyền thành phố Lodz đã hồi sinh không gian đô thị bằng Lễ hội Ánh sáng (Light Move Festival) tổ chức lần đầu vào năm 2011. Sau 5 năm tổ chức, Lễ hội Ánh sáng (miễn phí) ngày càng thu hút đông đảo khách tham gia. 

“Lễ hội đã làm sống lại các KGCC trong khu vực và nâng cao hình ảnh thành phố, hồi sinh các khu vực xuống cấp và cải tạo KGCC cho người dân. Ở đây cho thấy mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả giữa sự kiện văn hóa và KGCC: sự kiện có thể trở thành chiến lược, phục hồi phát triển đô thị và vị thế của thành phố. KGCC không chỉ là địa điểm cho sự kiện, mà sự kiện giúp tạo ra nhiều sự kiện, định hình lại giá trị của KGCC” - tiến sĩ - kiến trúc sư Lê Thị Hồ Vi đánh giá.

Chưa có nhiều hoạt động văn hóa tại các công viên truyền thống
Chưa có nhiều hoạt động văn hóa tại các công viên truyền thống

Ở góc độ khác, tiến sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch chung (Sở Quy hoạch Kiến trúc), đề xuất kiến tạo các chuỗi KGCC gắn liền với di sản sông rạch, đồng thời nhấn mạnh cải tạo kênh rạch, kết hợp không gian kênh rạch với không gian đi bộ. Lấy trường hợp sông Aarhus (Pháp) từng bị lấp và chuyển đổi thành đường giao thông cơ giới, bờ sông trở thành nơi tụ họp ngoài trời được yêu thích nhất trong thành phố. Mùa hè, chính quyền Paris đóng cửa các con đường dọc sông Seine, biến nơi này thành “bãi biển nhân tạo” phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. 

Cần chú ý không gian công cộng cho người thu nhập thấp

Từng có 15 năm thuộc thành phần những người dân nhập cư, thu nhập không ổn định, tôi hiểu nỗi nhọc nhằn trong đời sống của cộng đồng có thu nhập thấp. Với họ, vé vào cửa Đầm Sen, Suối Tiên, Bảo tàng tranh 3D, Snow Town Sài Gòn, Zone 87… là cả một sự lưỡng lự. Các cấp lãnh đạo nên chăng xem xét, đầu tư dành cho họ nhiều KGCC phù hợp như tận dụng các khoảng trống nhỏ rải rác khắp thành phố, gần kề các khu dân cư có nhiều nhà thuê trọ, có lượng dân cư thu nhập thấp đông đảo xây dựng thành sân chơi khu phố, phường xã…

Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương

Những kinh nghiệm phát triển KGCC ở các nước được chọn làm bài học kinh nghiệm, còn có thể thấy được qua diện mạo của công viên Central Park (New York, Mỹ), tổ hợp KGCC mặt nước trên sông Cheonggyecheon (Seoul, Hàn Quốc), đô thị xe đạp ở Copenhagen (Đan Mạch), phố đi bộ ở Brighton (Anh)…

Tại TP.HCM, KGCC tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa phổ biến có thể kể đến: đường đi bộ Nguyễn Huệ, Đường sách TP.HCM, công viên Lê Văn Tám, công viên 23/9, phố đi bộ Bùi Viện, cầu Ánh Sao… Bên cạnh đó còn có Thảo Cầm Viên, công viên văn hóa Đầm Sen, làng du lịch Bình Quới, hồ Con Rùa, các công viên truyền thống… Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều KGCC bị bỏ quên, lãng phí, chưa được đầu tư khai thác.

Nhiều nơi chỉ mới hoạt động sôi nổi vào ban đêm hoặc các dịp lễ, tết. Chưa kể, những không gian hiện hữu và không gian tiềm năng, nhất là diện tích mặt nước, ven bờ, kênh, rạch… đang bị lãng phí bởi sự quản lý chưa hiệu quả và áp lực cao từ việc lấn chiếm, gây ô nhiễm môi trường. 

“Thành phố đang thiếu cây xanh, không gian sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, không gian giao tiếp vỉa hè; đường đi bộ Nguyễn Huệ cần có thêm những sự kiện văn hóa, nghệ thuật phong phú, giàu bản sắc; tượng đài cần được quy hoạch lại, tác phẩm điêu khắc/mỹ thuật cần được sắp đặt hài hòa với kiến trúc, cảnh quan… Việc tạo dựng và phát triển KGCC cần được lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia lẫn người dân” - bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, gửi gắm thay lời đúc kết. 

Lục Diệp

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI