Tiến sĩ âm nhạc Đinh Hoài Xuân: "Tôi còn nợ mình và nợ người"

10/05/2020 - 07:16

PNO - Ở tuổi còn khá trẻ, Đinh Hoài Xuân đã trở thành vị tiến sĩ âm nhạc đầu tiên của Việt Nam tại Rumani chuyên ngành cello-piano.

Khao khát đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng Việt Nam là điều mà Đinh Hoài Xuân luôn đau đáu. Chị là nhà sáng lập Cello Fundamento, đồng thời là đại sứ cuốn sách Beethoven - âm nhạc & cuộc đời phát hành tại Việt Nam thu hút rất nhiều độc giả. 

19 tuổi, phải lòng cây đàn cello

* Phóng viên: Dường như người chơi cello nào, nhất là một cô gái, cũng đầy mạnh mẽ…

- Tiến sĩ âm nhạc Đinh Hoài Xuân: Chị làm tôi nhớ một lần trong lúc chơi đàn cho giáo sư Razvan Suma người Rumani nghe, giáo sư đã trầm ngâm một lúc rồi nói: “Này cô gái trẻ, trước và sau khi nghe cô đàn, tôi có hai trạng thái cảm nhận về cô. Trước thì tôi nghĩ cô gái này mỏng manh dễ tổn thương và hay cười; còn sau khi nghe đàn, tôi nghĩ mình đã nhầm, bởi có một sự kiên định và quyết tâm hiếm thấy ở cô. Tôi cảm nhận được cô có một sức mạnh đối lập với vẻ ngoài”. Có lẽ bạn nói đúng, ít ra là với những cô gái chơi cello mà tôi biết. 

Từng ấy năm tháng lớn lên cùng âm vang dày ngân, trầm ấm của cello kèm theo sự rung cảm mãnh liệt qua mỗi âm thanh tiếng đàn, tôi thấy mình bị ảnh hưởng nhiều từ những âm thanh đó. Nơi tôi sinh ra là vùng đất nắng gió và cát trắng Quảng Bình; suốt tuổi thơ, lại nghe những giai điệu hò Huế và giọng nói ngọt lịm của người xứ Huế; trưởng thành ở Hà Nội và kết thúc chặng học ở Rumani, toàn bộ con đường đó, thật tâm, nếu dùng mỗi từ mạnh mẽ sẽ không đủ để diễn 
tả hết.  

* Quay trở lại khi còn nhỏ, để có thể lên tận Hà Nội học ôn thi vào nhạc viện, chị hẳn đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Lúc đó ở Huế thế nào?

- Tôi lớn lên ở một môi trường thiếu hụt trầm trọng mọi điều kiện để phát triển âm nhạc cổ điển, trong đó có chuyên ngành của mình. Học nhạc từ rất nhỏ nhưng phải đến 19 tuổi, lần đầu tiên tôi mới được nhìn thấy cây cello. Và ngay lúc ấy tôi tự nhủ, từ đây, sẽ chẳng có điều gì cản trở mình tới với cello nữa. Lúc đó, tôi bắt đầu chơi piano, dạy organ, dạy khiêu vũ... để kiếm tiền học cello.  Giáo sư Vũ Hương và nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Tiến Phúc từ Hà Nội vào dạy ở Huế đã khuyên tôi nên ra Hà Nội học để phát triển hơn.

Không có điều kiện, tôi phải lựa chọn mỗi tuần ra ôn cello một lần rồi vào lại Huế để tiếp tục vừa học vừa kiếm tiền từ việc dạy piano và organ... Trường Huế đã từng có bộ môn cello nhưng qua năm tháng lại bị mai một, thế nên con đường học hành thời đó thật gian nan và thiếu thốn. 

Với nghệ sĩ Mischa Maisky
Với nghệ sĩ Mischa Maisky

* Đường học hành có vẻ theo chị lâu nhỉ?

- Vâng, đúng vậy. Nhưng mỗi người đam mê lại có một kiểu “học” riêng. Với tôi, có rất nhiều điều để nói về sự học dài đằng đẵng, trọn 22 năm từ sơ cấp âm nhạc đến tiến sĩ. Mọi người hay trêu cung mệnh tôi có đường học tập hơi dài. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy mệt khi học nhiều, thậm chí còn thấy đó là cách rèn luyện bản thân rất tốt, từ nền nếp kỷ cương đến thói quen thường ngày.

Bố tôi là đại tá quân đội nên từ bé, chúng tôi đã được bố rèn cho cái nếp luôn thức dậy sớm và nghiêm túc trong học tập, làm việc. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen này, từ luyện đàn đến đọc sách và học nhiều điều trong cuộc sống. Nếu chẳng may hôm nào thức dậy muộn, y như rằng hôm đó tôi thấy bứt rứt về bản thân lắm. 

* Ký ức về việc đi học trên những chuyến xe, có chuyến chở cả lợn gà, có vẻ khó quên? 

- Vất vả không đếm xuể. Những chú gà, chú lợn bên cạnh cây đàn cello trên những chuyến xe đò đó đã đi vào giấc ngủ của tôi không biết bao lần. Nhưng có lẽ, quyết tâm là điều cao nhất và tôi tìm thấy hạnh phúc trong sự cố gắng ấy. Nếu để kể lại, có lẽ sẽ dài như một cuốn sách. 

* Để trở thành tiến sĩ đàn cello đầu tiên của Việt Nam, dĩ nhiên không phải dễ dàng, với chị cello là...

- Đến và ở lại với cello là con đường của bảy nốt nhạc với muôn vàn màu sắc, khó nhọc nhưng đẹp. Từ cello trong tiếng Nga là giống cái, tiếng Pháp là giống đực, còn trong tiếng Đức là giống trung. Trong tim tôi, cello là một người bạn tri kỷ vững chãi và vô cùng ấm áp. 

Giấc mơ không đến hai lần

* Khi học ở Rumani, chị có cảm thấy choáng ngợp không? Sự khác biệt rõ ràng mà chị cảm nhận được là gì?

- Tôi thấy mình thật may mắn khi được học ở đây. Có lần, tôi gặp Mischa Maisky, nghệ sĩ mà tôi luôn được nghe từ nhỏ, không ngờ có ngày mình được gặp, được nghe nghệ sĩ chơi đàn ở đây, được trò chuyện và giữ liên lạc về những buổi concert trong tương lai, điều đó như một giấc mơ đối với tôi.

Thời gian bốn năm học tập, nghiên cứu rèn luyện ở Bucharest, tôi không thể tin mình lại may mắn đến thế. Trước khi đi học, trong thời gian học và sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn còn ngập trong nợ nần, nhưng tôi biết cơ hội học tập của mình trong môi trường này sẽ không có lần hai, như một giấc mơ không thể đến hai lần, nên tôi đã phải gác lại tất cả để học và học. Tôi nghĩ rằng, học tập xong tôi sẽ lo vấn đề tài chính sau. 

* Đề tài làm tiến sĩ âm nhạc của chị có gì đặc biệt?

- Tên và nội dung của đề tài là “Cello in Vietnam, performing and popularizing” (Biểu diễn và phổ biến cello tại Việt Nam). Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong những việc như: sản xuất, ra mắt, phát hành album… Đến nay, đã có bảy lần tôi tổ chức họp báo, từ ra mắt album Khúc phiêu du một đời cho đến bốn buổi hòa nhạc quốc tế. Toàn bộ quá trình trên, tôi đưa vào luận án dưới dạng văn bản nghiên cứu có tính khoa học và thực tiễn.

Sau khi bảo vệ, hội đồng đã gợi ý tôi nên in luận án dưới dạng sách với 3-4 thứ tiếng khác nhau. Riêng Nicolae Brandus - giáo sư hướng dẫn luận án, người nhận tôi là nghiên cứu sinh (NCS) Việt Nam đầu tiên của ông, đã nói rằng: “Một cách tự hào nhất, tôi sẵn sàng nhận bất kỳ NCS nào là người Việt Nam tiếp theo, quả thật tôi rất ấn tượng về NCS Việt Nam với đức tính chăm chỉ và nhiệt huyết vươn lên như thế này”. 

Trong tim tiến sĩ âm nhạc Đinh Hoài Xuân, cello là một người bạn tri kỷ vững chãi và vô cùng ấm áp
Trong tim tiến sĩ âm nhạc Đinh Hoài Xuân, cello là một người bạn tri kỷ vững chãi và vô cùng ấm áp

* Khi học xong, chị có muốn trở về hay không?

- Theo quy định, NCS phải về để cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, một số NCS do điều kiện cá nhân, gia đình hoặc sức khỏe... có thể có những quyết định khác nhau. Với tôi, quê hương là nơi tuyệt diệu nhất trên trái đất này nên tôi chọn quay về. Và bởi tôi thấy quay về cũng là “duyên trời định”. 

* Dự án “Cello Fundamento” của chị đã đem lại điều gì?

- Đó là cả một câu chuyện, một con đường đầy mồ hôi và “xương máu”. Tôi chỉ xin tóm gọn vậy. 

* Điều gì khiến nhạc Trịnh Công Sơn có vẻ như chiếm đa số trong các album mà chị đã phát hành? 

- Trong thời gian chờ học bổng du học, tôi thực sự muốn làm điều đó và tôi nghĩ, tại sao mình không tiếp cận tới khán giả bằng cách phổ cập cello cho số đông qua con đường đơn giản nhất. Âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khá quen thuộc với công chúng, nhạc tính đồng cảm với tiếng trầm của cây cello, thế nên tôi đã cùng các đồng nghiệp thực hiện những ca khúc được chuyển soạn thành nhạc không lời như Tuổi đá buồn, Cát bụi, Một cõi đi về

Hơn nữa, tôi sống ở Huế, nên dường như các tình khúc của Trịnh Công Sơn - ông cũng là người Huế - đã ngấm vào tôi lúc nào không hay… 

* Nhắc đến Huế, điều đó giải thích vì sao trong các chương trình hòa nhạc của “Cello Fundamento”, trước khi kết thúc thường là một bài dân ca Việt Nam và đa số là dân ca Huế, đó là dụng ý của chị?

- Đúng vậy. Sau khi trình diễn tác phẩm của các thiên tài âm nhạc cổ điển trên thế giới, bài cuối bao giờ cũng là một tiết mục dân ca chuyển soạn cho các nghệ sĩ tham dự “Cello Fundamento” biểu diễn, vừa như một món quà đặc biệt dành tặng khán giả Việt Nam vừa giới thiệu ra bạn bè quốc tế. Đó chính là làn điệu dân ca Việt Nam mà phần lớn là dân ca Huế.  

* Là một nghệ sĩ dòng cổ điển hàn lâm, đây thực sự là niềm tự hào nhưng có khi nào chị cảm thấy chạnh lòng hoặc thấy mình lạc lõng giữa chốn thị trường?

- Có đấy, nhưng tôi hiểu đó là sự thiệt thòi chung cho tất cả các nghệ sĩ cổ điển ở Việt Nam chứ không riêng tôi. Để thay đổi được phần nào điều này, cần có thời gian và sự bứt phá. Dịp Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và nhiều bộ trưởng, thứ trưởng trong nước sang thăm Rumani, lúc đó tôi có trình bày và có vài đề xuất với Thủ tướng như việc đưa âm nhạc cổ điển đến trường học để học sinh có thêm cơ hội nghe và hiểu về các tác phẩm kinh điển bất hủ trên thế giới. 

Chỉ cần một tiết học, 45 phút mỗi tuần cho các em nghe nhạc, trẻ sẽ tự tin hơn và hòa đồng nhanh hơn về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra, âm nhạc cổ điển cũng có hiệu quả tích cực trong việc phát triển tâm tính của trẻ, giúp giảm phần nào bạo lực học đường.

Với tiến sĩ Đinh Hoài Xuân, quê hương là nơi tuyệt diệu nhất trên trái đất này nên chị chọn quay về và tiếp tục đồng hành cùng cello
Với tiến sĩ Đinh Hoài Xuân, quê hương là nơi tuyệt diệu nhất trên trái đất này nên chị chọn quay về và tiếp tục đồng hành cùng cello

* Cơm áo không đùa với khách thơ, sự lạc quan hẳn là khá quan trọng trong cuộc sống của chị?

- Sống lạc quan, đúng, cách sống đó đã từng góp sức lớn lao về tinh thần, cứu vớt tôi ra khỏi thời gian khủng hoảng kinh tế, giúp bản thân tránh được hành động tiêu cực lúc ấy. như lời chị nói, cơm áo không đùa với khách thơ, đến nay, tôi vẫn là người mang… nợ!

Sổ nợ của tôi ghi chi chít dày đặc ba cuốn kèm những hợp đồng vay vốn, tên, địa chỉ của những người cho vay, thời hạn trả, lãi suất... Tất cả được tôi lưu giữ một cách cẩn thận nhất, vừa làm kỷ niệm, vừa là bài học không được phép quên và vừa là minh chứng cho tuổi trẻ liều lĩnh dám nghĩ dám làm, đi lên bằng nỗ lực không ngừng của chính mình. 

Ngoài nợ tài chính, tôi thấy mình nợ chính bản thân những buổi công diễn ở vị trí solo với các dàn nhạc lớn có tên tuổi trên toàn cầu, đáp lại những năm tháng khổ luyện của mình đến với người yêu nhạc Việt Nam và thế giới. 

* Tôi còn biết, có những buổi biểu diễn công phu mà chỉ diễn một lần, để lại nhiều tiếc nuối.

- Đúng vậy, chuẩn bị kỹ lưỡng cả năm và ra mắt với khán giả chỉ trong vài giờ. Tiếc, nhưng đó là sự nối tiếp, như những mắt xích dẫn dắt mình tới những trải nghiệm âm nhạc thăng hoa khác nhau trên con đường dài đầy thú vị. Âm nhạc luôn mang tính sáng tạo và không lặp lại, khám phá, bền bỉ và cả thăng hoa, có lẽ chỉ trong những khoảnh khắc rất ngắn. Vậy nên, nếu phổ biến được nhạc cổ điển, điều đó sẽ tốt biết bao cho người yêu thích và hiểu được cách thưởng thức âm nhạc hàn lâm này giúp cho tâm hồn vơi bớt lo âu.

Đại sứ sách âm nhạc

* Ngoài âm nhạc, chị còn niềm đam mê nào khác?

-Trong dự án sách về cuộc đời Beethoven mà tôi được mời làm đại sứ, tôi vô cùng xúc động và đã viết những dòng giới thiệu về cuốn sách đó. Nghị lực phi thường vượt lên số phận, bước qua các rào cản cuộc đời để thăng hoa trong âm nhạc của Beethoven làm tôi không ngừng rung cảm. 

Thế nhưng nếu chị hỏi thì tôi thú thực, tôi còn đọc cả sách về triết học, về tâm lý học, và nói ra thì chị đừng cười, tôi quan tâm cả những sách liên quan đến tử vi, tướng số, sách về hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại, đạo trời việc người (có trong Kinh Dịch)... 

Mục đích cuộc đời tôi cũng như nhiều người, đơn giản thôi, đó là sống một cuộc sống bình dị tràn ngập tiếng cười, trong cuộc sống bình dị đó có “gương mặt đầy tròn” của niềm đam mê âm nhạc cổ điển.

Tiến sĩ âm nhạc Đinh Hoài Xuân

* Thế còn bản nhạc nào có ý nghĩa nhất với chị?

- Đó là Concerto viết cho cello và dàn nhạc giao hưởng của nhà soạn nhạc người Anh Edward Elgar. Tác phẩm có bốn chương và dài 33 phút. Đây là một câu chuyện đầy cảm động, đã được nhiều nghệ sĩ vĩ đại như Jacqueline du Pré, Steven Isserlis, Gautier capuçon, Sol Gabetta, Yo-Yo Ma và chính giáo sư của tôi, thầy Razvan Suma... trình diễn. Bản thân tôi cũng mê đắm với các cảm xúc tương phản trong bản này nên ngày nào cũng tập luyện. 

* Chị có phải là người lãng mạn? Người bạn đời của chị sẽ là người thế nào? 

- Không hẳn. Tôi nghĩ mình là người dung hòa cả hai yếu tố lãng mạn và thực tế, chỉ khác nhau ở thời điểm. Âm nhạc quả thực chiếm hết tâm trí tôi, trong cuộc sống, tình yêu, gia đình. Tôi nghĩ anh ấy sẽ là một người đàn ông giản dị và có phẩm chất, lối sống đẹp đẽ. 

* Hạnh phúc trong thực tại đối với chị là gì?

- Là giữ được thái độ và suy nghĩ tích cực trong mỗi khoảnh khắc mình còn được thở; biết ơn người bên cạnh mình và biết ơn cuộc đời. Còn nếu stress, tôi sẽ tìm cách ngửi một mùi hương yêu thích. Thực tại, tôi đang phải giải quyết một vài trách nhiệm còn dang dở để được chuyển giao giai đoạn. Điều khao khát của tôi là những đứa con về tinh thần lẫn thực tế. 

* Những kế hoạch sắp tới của chị?

- Là sẽ biểu diễn với tư cách một nghệ sĩ cello solo với dàn nhạc giao hưởng cổ điển mà tôi vô cùng yêu thích và mơ ước. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Codet Hà Nội (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI