Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh: “Hơn cả nghĩa vụ, là phẩm cách của nghệ thuật”

04/05/2020 - 07:30

PNO - ''Dù COVID-19 có qua đi, cũng hãy tiếp tục để tâm, lắng nghe đời sống bên trong, đến thế giới nội tâm của chính mình''.

“Không biết kết cục của họ sẽ ra sao, bao nhiêu người sẽ phải “tái cơ cấu ngành” vì đại dịch; nhưng chắc chắn một điều, Titanic có chìm, cũng phải chìm trong tiếng nhạc. Nghệ sĩ có nghĩa vụ mộng tưởng và trong những thời khắc bí bách, ngột ngạt này, điều tuyệt vời nhất lại là việc chúng ta đang nhận ra mình giàu có”, nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh nói về những bạn bè đồng nghiệp của chị, những người đang ngày đêm biểu diễn miễn phí tại hàng loạt bệnh viện ở Thụy Sĩ, chơi nhạc cho hàng xóm ở London, hay livestream từ Royal Opera House… cho cả thế giới trong những ngày COVID-19.

Phóng viên: Chào nghệ sĩ Trang Trịnh, nghĩa vụ mộng tưởng mà chị nói rốt cuộc là một thứ nghĩa vụ thế nào?

Nghệ sĩ Trang Trịnh: Là nghĩa vụ mà người nghệ sĩ mang trên vai, dù cho mọi thứ có trở nên khó khăn hay tồi tệ thế nào, thì nghĩa vụ của họ vẫn là mộng tưởng. Cụm từ “nghĩa vụ mộng tưởng” này, tôi đọc được trong một cuốn sách nào đó, có nói rằng, tất cả những thứ đẹp đẽ trên thế giới đều được tạo ra từ những người mơ mộng.

Tôi nhớ một cảnh trong bộ phim Titanic nổi tiếng, những nghệ sĩ vẫn chơi nhạc khi con tàu đang chìm, vì họ cảm thấy, nghĩa vụ của mình lúc đó là làm đẹp cho cuộc sống, kể cả khi cái chết đang rình rập. Giống như chim sinh ra để bay, hoa sinh ra để nở, người nghệ sĩ đã biết nghĩa vụ ấy của mình từ những ngày theo thầy học nghề mấy chục năm nay. 

Vì thế, Titanic có chìm, nhất định cũng phải chìm trong tiếng nhạc là vì thế. Dịch bệnh có càn quét thế nào, thì âm nhạc cũng vang lên ở bất kỳ đâu trên thế giới là vì thế. Một ban-công, một mái nhà, một cửa sổ, hay thậm chí là một khán phòng không một bóng người… 

* Nhưng nghệ sĩ cũng phải sống đã rồi mới mộng tưởng được…

-Văn hóa - nghệ thuật là lĩnh vực bị ảnh hưởng rất lớn trong đại dịch lần này. Thậm chí, ngành nghề của họ còn không xuất hiện trong các bản phân tích dự báo… Thế nhưng, họ vẫn sống trong cái mộng tưởng đó, họ lao đi “cứu” thế giới bằng cách riêng của mình.

Hàng loạt thư viện âm nhạc online, ballet, digital concert hall, bảo tàng… mở cửa miễn phí. Các nghệ sĩ lao lên mạng xã hội, từ những nghệ sĩ gạo cội đến nghệ sĩ trẻ chưa ra trường. Họ chơi nhạc và nói về âm nhạc cứ như thể họ hiểu - mà có lẽ họ thực sự hiểu - rằng sự sung túc mà họ có được sau rất nhiều năm đầu tư và phấn đấu - cần được chia sẻ. Họ xem đó là vũ khí tinh thần của mình, và điều đó cũng giúp bản thân họ đối mặt với nghịch cảnh trong thế giới thực.

Tất nhiên, mọi thứ đang trong một giai đoạn hết sức khó khăn; cũng không thể đưa ra những đòi hỏi hỗ trợ nghệ sĩ. Tôi chỉ mong khi dịch tan, mọi người không quên rằng, trong lúc khó khăn nhất, các bạn đã tìm đến nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là một thứ xa xỉ, hay có tính trang trí, mà thực sự là một điều cần thiết và quan trọng trong cuộc sống này. Dù COVID-19 có qua đi, cũng hãy tiếp tục để tâm, lắng nghe đời sống bên trong, đến thế giới nội tâm của chính mình. 

* Phải chăng, hơn cả nghĩa vụ, là phẩm cách của nghệ sĩ, của nghệ thuật?

- Tôi nghĩ, nghệ sĩ không chỉ là danh xưng xã hội đặt cho họ. Một con người được gọi là nghệ sĩ khi họ dám mang trên mình trọng trách. Nếu một người hỏi tôi sự khác biệt giữa một nghệ sĩ và một thợ nhạc, tôi sẽ không ngại mà nói rằng: thật ra, một người trở thành nghệ sĩ khi họ dám bị tổn thương bởi danh xưng ấy.

Nghĩa là, họ là những người dám “lột trần” bản thân mình, thể hiện tất cả cảm xúc, tâm hồn của mình trong nghệ thuật; mà không quan tâm tới việc nó có đẹp hay không, có bị đánh giá hay không… Họ dám chịu tổn thương vì họ tin, điều đó mang lại ý nghĩa cho bản thân họ và cả những người khác nữa. 

Với tôi, nghệ thuật không chỉ dừng lại ở thánh đường đó, ở thứ nghệ thuật đó, mà còn ở việc, mình có vui sướng, hạnh phúc với thứ nghệ thuật đó hay không. Tôi nghĩ, hễ là nghệ sĩ, thì nghệ thuật chính là hành trình của bản thân mình đến với người khác, với thế giới, với cuộc đời.

“Nghệ sĩ gạt phăng sự cầu toàn thường ngày, đó là cấm khán giả livestream và quay lại các bài biểu diễn. Giờ đây, họ cũng tự livestream, lúng túng và vụng về, vò đầu bứt tai khi nghe lại những nốt sai của chính mình, và hân hoan với từng cái “like”, “thả tim”, bình luận tương tác của khán giả. Họ lại ăn dây đàn và uống phím trắng, sống bằng đam mê, mặc cho việc họ đã tiên đoán rằng cha mẹ sẽ cắt phăng ngay đầu tiên giờ học “ngoại khóa” cảm thụ âm nhạc sau khi dịch tan, và khán giả sẽ còn lâu mới lại bỏ tiền đi xem hòa nhạc. Nền kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nên công nghiệp “phụ trợ” của họ chắc cũng sẽ còn lâu mới được hưởng bất kỳ sự giải cứu nào.

Nhưng hôm nay, họ vẫn cứ làm công việc mộng mơ và lý tưởng của mở cửa sổ (hay livestream) chơi nhạc cho hàng xóm, chọc cười đứa bé đang buồn vì bị nhốt trong nhà, chơi cả danh sách nhạc tiền chiến cho cụ bà bên khung cửa sắt, những người hàng xóm có thể đã gọi cảnh sát báo họ phá rối sự yên tĩnh mấy tháng trước đây. Tự nhiên họ thấy mình giàu có khủng khiếp, và trèo lên mái nhà thổi sáo cho cả khu dân cư, lẫn con mèo cách đó vài xóm.

Nghệ sĩ Trang Trịnh

Vì thế, trong những ngày giãn cách xã hội này, nghệ sĩ càng trân quý cơ hội được chơi nhạc, được kết nối, chia sẻ cảm xúc với khán giả. Tôi cho rằng, âm nhạc nói riêng hay nghệ thuật nói chung, đi xa hơn một bản nhạc đẹp, nó còn chạm vào cõi lòng của con người, bộc lộ những điều tích cực, những đổi thay và gợi niềm hy vọng ngay cả lúc thế giới đang vỡ vụn, nát tan. Đó là sức mạnh, là phẩm cách của nghệ thuật.

* Âm nhạc có nói rằng “chúng ta sẽ vượt qua”… 

- Thực ra, trải nghiệm cảm xúc xã hội khi sống trong cảnh “lockdown” cũng không lấy gì làm thoải mái. Tôi biết, trong những ngày dịch bệnh, có những phụ nữ bị bạo hành, có những đứa trẻ bị ảnh hưởng khi ở nhà. Nhưng âm nhạc thú vị ở chỗ, nó tạo ra một thế giới tinh thần, một mái nhà khác mà ta có thể bước vào đó an trú; không hẳn là trốn thực tại, mà có thể chữa lành vết thương ta đang phải đối mặt. Âm nhạc có sức mạnh đó. Cũng giống như chơi nhạc, sáng tạo âm nhạc và thực hành âm nhạc cũng mang lại niềm vui, gia tăng trải nghiệm tích cực cho mọi người thay vì những tiêu cực trong thời gian bí bách này.

* Cảm ơn chị. 

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI