Thủ tướng muốn nghe 'lời tâm huyết' của công nhân kỹ thuật cao

05/05/2019 - 09:45

PNO - Sáng 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại lần đầu tiên với công nhân kỹ thuật cao tại TP. HCM, về vấn đề “Công nhân lao động kỹ thuật cao – một động lực phát triển đất nước”.

Đây là lần thứ tư Thủ tướng trực tiếp đối thoại với công nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân nói chung và hôm nay là công nhân kỹ thuật bậc cao.

Thu tuong muon nghe 'loi tam huyet' cua cong nhan ky thuat cao
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan triển lãm công nghệ cao

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: "Đảng, nhà nước, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc gặp gỡ lần này, một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động. Công đoàn Việt Nam, người lao động đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển đất nước nhanh, bền vững., đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, các công nhân lao động mạnh dạn trao đổi thông tin để “chúng tôi nghe được tiếng nói từ người lao động trực tiếp có tay nghề cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thời gian qua để hình thành cơ chế, chính sách pháp luật”.

Theo Thủ tướng, phát triển đất nước không chỉ dựa vào vốn, lao động giá rẻ mà cần dựa vào năng suất lao động, khoa học công nghệ, mà lực lượng lao động kỹ thuật cao chiếm thành phần chủ đạo. Vậy, “Điều kiện sống, làm việc, môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng, tay nghề của các bạn như thế nào? Những tâm tư, nguyện vọng của các bạn ra sao?”, Thủ tướng bày tỏ.

Thu tuong muon nghe 'loi tam huyet' cua cong nhan ky thuat cao
 

Cuộc đối thoại xoay quanh 5 nhóm vấn đề chính: Những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; những chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân, người lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân; cần làm gì để những lao động bình thường trở thành công nhân kỹ thuật cao; tâm tư nguyện vọng của những công nhân có kỹ thuật cao để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước.

Anh Đinh Đăng Toàn, Công ty CP Quốc tế Phong phú, chia sẻ: "Có một số ngành nghề đặc trưng mà ngành giáo dục chưa đáp ứng nên phải thuê kỹ thuật viên nước ngoài, tốn nhiều tiền trả lương. Nhân lực Việt Nam chỉ tự thân tại chỗ học hỏi kinh nghiệm là chính chứ không được đào tạo bài bản. Ngành Giáo dục phải xem xét, hoàn thiện quy trình đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều  công nhân phải bỏ tiền túi ra để thực hiện sáng kiến cải tiến nhưng chính sách khen thưởng chưa phù hợp, điều này không tạo động lực cống hiến cho công nhân"- anh Toàn, bày tỏ.

Thu tuong muon nghe 'loi tam huyet' cua cong nhan ky thuat cao
Công nhân trao đổi tại buổi gặp gỡ

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết Bộ đang hoàn thiện đề án đổi mới nâng cao chất lượng nghề nghiệp theo hướng dự báo tốt về nhu cầu thị trường, giảm lý thuyết và tăng thực hành, trung đào tạo mới và đào tạo lại cho những người như CN có nhu cầu. Hiện nay chúng ta đang xây dựng tiêu chuẩn đầu ra cho 160 ngành nghề lĩnh vực. Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, Chính phủ cho nhập 34 bộ giáo trình từ Úc và Đức, CN theo học giáo trình này sẽ được công nhận trình độ quốc tế. Trên cơ sở liên thông đào tạo và liên thông chứng chỉ, người lao động có thể làm việc không những trong nước mà còn quốc tế"- ông Dung thông tin.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia (ĐHQG) TP HCM, hiện các trường ĐH và ĐHQG TP.HCM đang đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và đáp ứng như cầu 4.0, gắn đào tạo với sát với thực tiễn. Trong 3-5 năm tới đổi mới này sẽ bắt đầu có phát huy hiệu quả. Ông Đạt cũng cho rằng liên kết nhà trường và DN còn khá lỏng lẻo. Các giảng viên rất muốn đưa nghiên cứu của mình ra thị trường để thương mại hóa nhưng còn gặp nhiều khó khăn.

7 nhóm đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam gởi đến Thủ tướng Chính phủ

1. Nhóm kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành Than, của thuyền viên ngành Hàng hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành Dầu khí.

2. Nhóm kiến nghị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành Hàng hải, của công nhân mỏ ngành Than.

3. Nhóm kiến nghị về chế độ lương các ngành Hàng Hải, Hàng không, ngành Thép, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.

4. Nhóm kiến nghị về điều kiện làm việc của công nhân mỏ, của các y, bác sỹ, công nhân ngành thép, ngành Hàng không.

5. Nhóm kiến nghị về nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao.

6. Nhóm kiến nghị về chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao.

7. Nhóm kiến nghị về chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao.

Mai Phan- Ảnh Quang Hiếu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI