Thu lợi cao nhờ mô hình “con tôm ôm cây lúa”

11/04/2023 - 05:45

PNO - Nhiều nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng mô hình “con tôm ôm cây lúa”, tức 1 vụ lúa, 2 vụ tôm, thu được lợi nhuận cao trên diện tích ruộng cố định.

Lợi nhuận 100 triệu đồng/ha/năm 
Những ngày này, nông dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang khẩn trương xuống giống vụ tôm. Bà Nguyễn Thị Hường - ở xã Lương Nghĩa - cho hay: “Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, tụi tôi vệ sinh đồng ruộng, làm ao, chờ khi nước mặn về đạt nồng độ phù hợp là xuống giống hơn 1,6ha tôm sú trên ruộng lúa. Năm ngoái, vào khoảng này, độ mặn chỉ khoảng 3‰, còn năm nay từ 10‰ trở lên, thích hợp để xuống giống tôm. Sau 3-4 tháng chăm sóc, chỉ cần giá tôm sú đạt 120.000-150.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe”.

Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng tôm, lúa hơn 3ha của mình, ông Nguyễn Văn Tùng - ở xã Lương Nghĩa - kể, ông vừa thả giống cách nay vài ngày khi nồng độ mặn đạt mức lý tưởng cho tôm phát triển. Khu vực nuôi tôm này nằm ngoài đê bao ngăn mặn của huyện Long Mỹ. Trước đây, do bị nhiễm phèn, mặn, nông dân chỉ gieo sạ 1 vụ lúa trong năm, sau đó bỏ đất hoang, chỉ một số ít hộ đợi mưa xuống gieo sạ thêm 1 vụ lúa nhưng hiệu quả thấp, có khi thua lỗ. Từ mùa khô năm 2016, nước mặn xuất hiện ở đây với nồng độ cao nên bà con chuyển từ trồng vụ lúa thứ hai sang nuôi tôm sú. 

Thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa ở tỉnh Kiên Giang - ẢNH: H.L.
Thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa ở tỉnh Kiên Giang - Ảnh: H.L.

Theo ông Lê Hồng Việt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ - lợi nhuận  nuôi tôm từ 60-70 triệu đồng/ha/năm, chưa kể có thêm 10-20 triệu đồng tiền bán tép tự nhiên và các loại cá đồng, tính ra cao hơn nhiều so với trồng lúa: “Mọi năm, diện tích nuôi tôm ngoài đê bao ngăn mặn khoảng 80ha; năm nay, điều kiện thuận lợi nên bà con mở rộng lên khoảng 100ha. Mô hình 1 vụ lúa 2 vụ tôm giúp người dân thích ứng với điều kiện hạn mặn và có nguồn thu nhập tốt”.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cũng đang trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm. Ông Lê Văn Mưa - Giám đốc HTX - kể, trước đây, một số nông dân trồng mía nhưng hiệu quả rất thấp, chuyên canh lúa cũng khó giàu. Năm 2018, HTX Trí Lực ra đời, được các ngành chức năng hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, gắn kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp. 

Theo đó, HTX nuôi tôm, trồng lúa trên 700ha ruộng theo quy trình sinh thái, được các đơn vị hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư nông nghiệp, nông dân được hướng dẫn cách cải tiến hệ thống quản lý nguồn nước, sử dụng phân, thuốc phù hợp và ghi chép đầy đủ theo quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP và cao hơn, sao cho cả tôm và lúa đều đạt chứng nhận, tiêu thụ dễ dàng.
Hiện  nay, HTX Trí Lực có 252 hộ thành viên, có 565ha tôm đạt chứng nhận quốc tế ASC, năng suất tôm sú đạt 341 kg/ha, năng suất lúa đạt 5.518 kg/ha, lợi nhuận bình quân từ tôm và lúa đạt 100 triệu đồng/ha/năm. 

Nhiều lợi ích khi kết hợp tôm với lúa

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực tế ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang cho thấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa. 

Cụ thể, năm 2022, các tỉnh vùng này nuôi gần 190.000ha tôm trên ruộng lúa, đạt sản lượng khoảng 100.000 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng và trên 20.000 tấn tôm càng xanh, nông dân thu lợi nhuận bình quân 60-70 triệu đồng/ha/năm. Theo kế hoạch, trong năm 2023, diện tích nuôi tôm kết hợp trồng lúa tăng lên hơn 200.000ha. 

Theo Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, đây là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi (tôm) và cây trồng (lúa) trong hệ sinh thái đồng ruộng. Chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư của vật nuôi sẽ là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng, còn rơm rạ từ cây lúa sẽ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho con tôm. Nhờ đó, chi phí làm đất, dùng phân, thuốc giảm, tạo ra sản phẩm an toàn hơn. 

Tiến sĩ Nguyễn Công Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu - cho rằng, việc luân canh giữa tôm và lúa còn giúp cân bằng môi trường sinh thái, tạo điều kiện sống an toàn, hạn chế bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa cũng gặp một số khó khăn, như hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa chủ động được nguồn tôm giống, độ mặn chưa ổn định làm giảm năng suất tôm. 

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, mô hình kết hợp tôm với lúa cần được ưu tiên phát triển nhằm thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng. Việc nuôi trồng kết hợp này ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là quảng canh truyền thống, nguồn thức ăn cho tôm chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, năng suất tôm từ 200-300 kg/ha/vụ, năng suất lúa khoảng 3,5-4 tấn/ha/vụ. Nếu nuôi tôm, trồng lúa quảng canh cải tiến, có bổ sung thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi, năng suất tôm đạt 400-600 kg/ha/vụ, năng suất lúa đạt 5-6 tấn/ha/vụ. 

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI