Thông minh với điện thoại thông minh

29/11/2022 - 06:12

PNO - Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi. Để đảm bảo an toàn tài sản, không gì hơn là mỗi người trong chúng ta phải luôn thận trọng khi giao tiếp trên không gian mạng.

Bây giờ, gõ chuỗi ký tự “lừa đảo qua mạng” để tìm kiếm trên Google, trong vòng nửa giây, đã có trên 10 triệu kết quả, trong đó có rất nhiều thông tin cảnh báo từ các cơ quan chức năng. Thế nhưng, nạn nhân của những vụ lừa đảo qua mạng vẫn không giảm mà còn tăng lên do ngày càng phát sinh nhiều chiêu trò mới đánh vào lòng tin những ai thiếu cảnh giác.

Cách đây vài ngày, một phụ nữ đến Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Kạn chuyển 25 triệu đồng mình tích góp cho một người ở nước ngoài để được nhận quà, may mà nhân viên ngân hàng phát hiện, ngăn cản. Điều đáng nói, hành vi lừa đảo này đã được cảnh báo liên tục và từ rất lâu nhưng đến nay nhiều người vẫn mắc bẫy.

Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng chiếm tỉ lệ ít trong cơ cấu tội phạm hình sự nhưng số tiền chiếm đoạt lại lớn, lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Tội phạm chủ yếu đánh vào lòng tham và thường nhắm đến những người có nhu cầu việc làm, cần tiền nhưng ít hiểu biết về công nghệ lẫn xã hội. 

Các chiêu thức lừa đảo qua mạng đã được cơ quan công an cảnh báo thường xuyên như: mạo danh các nhà mạng, cơ quan nhà nước để yêu cầu chuyển tiền; đánh cắp (hack) tài khoản mạng xã hội rồi dùng tài khoản đó để nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản nhờ mua card điện thoại hoặc chuyển tiền; thông báo trúng thưởng một dịch vụ nào đó rồi yêu cầu gửi khoản tiền để xác minh, chứng thực… 

Các hình thức lừa gạt phổ biến trong thời gian gần đây là đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok), sau đó yêu cầu ứng viên thanh toán đơn hàng khoảng vài trăm ngàn đồng cho một món hàng nào đó rồi nhận tiền đơn hàng và tiền thưởng (hoa hồng) nhưng sau đó gài nạn nhân, buộc họ chuyển số tiền lớn hơn và báo trục trặc, yêu cầu chuyển tiền tiếp để khắc phục lỗi rồi chiếm đoạt toàn bộ tiền nhận được.

Chiêu thức tinh vi hơn là lừa lấy cắp tài khoản ngân hàng, lừa “hợp tác đầu tư”, lôi kéo đông người tham gia đầu tư, kinh doanh với cam kết chia lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tiền. Một chiêu thức táo tợn khác là cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của nạn nhân rồi giả danh là người thu hồi nợ, yêu cầu người nhận trả lại số tiền kia như một khoản vay với lãi suất “cắt cổ”.

Hầu hết trong các vụ việc này, khi người bị hại báo cáo cho cơ quan công an hay ngân hàng thì đã muộn; kẻ xấu đã xóa được dấu vết, rất khó điều tra. Thêm nữa, các đối tượng lừa đảo có thể không ở trong nước mà ở nước ngoài và thủ tục pháp lý để giải quyết vụ việc cũng không đơn giản.

Thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi. Để đảm bảo an toàn tài sản, không gì hơn là mỗi người trong chúng ta phải luôn thận trọng khi giao tiếp trên không gian mạng: không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào các thông tin trên mạng xã hội; không nên công khai các thông tin cá nhân như số tài khoản, số điện thoại, số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân lên mạng xã hội; không nên nhấp chuột (click) vào các đường liên kết (link) lạ. 

1 trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người bị lừa đảo qua mạng là do thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách, thiếu kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ, kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng. Theo đó, chỉ cần lưu ý những cảnh báo của chính quyền, của báo chí, mỗi người đã có thể nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo.

Hiện cả nước có hơn 93,5 triệu thuê bao sử dụng smartphone (điện thoại thông minh). Trong đời sống hôm nay, chiếc điện thoại di động không chỉ là công cụ để liên lạc, xem thông tin, học tập, giải trí mà còn là công cụ tài chính. Vì thế, người sử dụng điện thoại thông minh cũng phải thông minh, tức là phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để nhận biết được đúng sai, phòng tránh được những cạm bẫy giăng đầy trên mạng. 

Phan Văn Tú

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI