Thong dong “nhặt” những nụ cười

29/03/2021 - 14:07

PNO - "Hạnh phúc đâu phải cần thật nhiều tiền, giàu sang mà trong chính mọi hoàn cảnh của cuộc đời, được cười vui mới là hạnh phúc"

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong nhận mình là người “ăn may” của thời cuộc. May vì còn sức để rong ruổi khắp chặng đường dài, may vì được gặp gỡ, chụp lấy những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời một ai đó, để khi nhìn lại, thấy đời mình cũng hạnh phúc lắm thay.

Giữa Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM, 50 bức ảnh đen trắng được trưng bày san sát nhau. Không một dòng chú thích người trong ảnh là ai, ở đâu, làm công việc gì, bao nhiêu tuổi… Chỉ một điểm chung duy nhất: họ đều cười và nụ cười ấy trông thật hồn nhiên, yêu đời. 

Nụ cười cô bé ôm đôi chân khuyết tật của người cha
Nụ cười cô bé ôm đôi chân khuyết tật của người cha

“Triển lãm Cười (từ 27-31/3) và cuốn sách cùng tên là thành quả sau hơn 10 năm tôi đi nhiều nơi, chụp từng khoảnh khắc. Sở dĩ tôi không chú thích bất kỳ thông tin nào về nhân vật, là bởi tôi muốn họ bình đẳng với nhau. Tất cả chúng ta đều có quyền cười vui, hạnh phúc với cuộc sống của mình, không hẳn sang giàu mới vui, hay ở đô thị lớn mới hạnh phúc” - nhiếp ảnh gia Thế Phong chia sẻ. 

Anh cho biết, mỗi nhân vật đều được chụp trong tích tắc, nhưng câu chuyện trước và sau khoảnh khắc bấm máy chứa đựng nhiều nỗi niềm, đôi lúc cảm xúc đọng lại cứ day dứt trong lòng. Anh nhớ bức ảnh chụp “quái kiệt” Tòng Sơn - nghệ sĩ có biệt tài vừa ăn chuối vừa thổi harmonica. Ở tuổi 93, nghệ sĩ Tòng Sơn sống một mình thui thủi trong căn phòng nhỏ, không thể đi diễn vì già cả, nhưng nụ cười ông dung chứa sự lạc quan, yêu đời hiếm ai có được.Hình ảnh kình ngư “không chân” Hồng Lợi trao nụ hôn cho vợ - nhà thiết kế Tường Nghĩa cũng để lại trong nhiếp ảnh gia Thế Phong nguồn năng lượng tích cực rất lớn. 

“Người ta đôi khi không tin về tình yêu giữa một người lành lặn và một thân thể khiếm khuyết. Nhưng với Hồng Lợi và Tường Nghĩa, tình yêu của họ lớn hơn nhiều so với những suy nghĩ thông thường. Ngày chụp ảnh cưới cho cả hai, tôi tin tình yêu của họ có thể sưởi ấm tâm hồn, nuôi dưỡng sự lạc quan và nhen nhóm hạnh phúc” - nhiếp ảnh gia Thế Phong nói.

Nghệ sĩ Tòng Sơn bên cạnh bức ảnh được nhiếp ảnh gia Thế Phong chụp
Nghệ sĩ Tòng Sơn bên cạnh bức ảnh được nhiếp ảnh gia Thế Phong chụp

Trong sách, nhiều bức ảnh nhân vật nổi tiếng được đặt cạnh vô vàn những nụ cười bình dị khác, từ đứa trẻ bán báo dạo mưu sinh giữa trời nắng gắt, đến em bé nằm ngoan trên lưng mẹ, các thanh niên lao động hăng say, cụ bà cười đôn hậu… Cười như hành trình ghi tạc một vòng đời có sinh, lão, bệnh và cũng có một vài nhân vật đã hoàn thành chặng cuối cuộc đời.

Cái hay của Cười nằm ở sự bình đẳng. Đặt toàn bộ nhân vật về hai khung màu cơ bản, lột tả một cách chân thật nhất những đường nét trên gương mặt, không để màu sắc làm phân tán ánh nhìn. “Tôi nhớ mãi hình ảnh cô bé ôm đôi chân khuyết tật của người cha được chụp trên cây cầu hướng về quận 7 của Sài Gòn. Cô bé hồn nhiên, cứ lẽo đẽo bên cạnh cha, ôm lấy phần chân khuyết tật và cười. Hạnh phúc đâu phải cần thật nhiều tiền, giàu sang mà trong chính mọi hoàn cảnh của cuộc đời, được cười vui mới là hạnh phúc” - nhiếp ảnh gia Thế Phong tâm sự. 

Diễm Mi

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI