Bị kẻ say rượu tông, tỉnh lại thấy mình thành... bị cáo

18/12/2016 - 06:30

PNO - Hai phụ nữ, một người tử vong, người còn lại may mắn sống sót thì bị truy tố trước tòa. Trong khi đó, kẻ say xỉn chạy xe quá tốc độ gây ra tai nạn chỉ bị phạt hành chính.

Chuyện nghe có vẻ “hoang đường” nhưng hoàn toàn có thật. Hai phụ nữ, một người tử vong, người còn lại may mắn sống sót thì bị truy tố trước tòa. Trong khi đó, kẻ say xỉn chạy xe quá tốc độ gây ra tai nạn chỉ bị phạt hành chính. Lại thêm một vụ “xin chào… thua” các cơ quan tố tụng!

Những người đến tham dự phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” ngày 14/12 tại TAND huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đều hết sức bất bình trước kiểu luận tội lạ lùng của Viện KSND huyện này đối với bị cáo Phan Thúy Hằng (49 tuổi, thường trú Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Khởi tố... nạn nhân

Trước đó, gửi đơn kêu cứu đến báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Hằng cho biết, ngày 12/4, bà điều khiển xe gắn máy biển số 51Z5- 4529 chở bạn là bà Đỗ Thị Thanh Thúy từ TP.HCM về quê thăm mẹ mình tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Hơn 16g cùng ngày, từ Quốc lộ 1A, bà Hằng rẽ vào Tỉnh lộ 832 khoảng 100m thì tấp vào lề phải. Bà dừng xe, bật đèn tín hiệu xin đường bên trái, quan sát phía sau, phía trước rồi cho xe từ từ băng qua bên kia đường là nhà của mẹ bà.

Khi bánh trước xe đã chạm đến lề đường trước nhà, bà Hằng dừng xe để chuẩn bị xuống dắt xe lên thì thình lình bị một cú đâm như trời giáng. “Chưa kịp xuống xe, tôi nghe một tiếng rầm và không còn biết gì nữa. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, tôi mới biết mình đã bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, hôn mê hai ngày và nằm bất động trên giường 21 ngày. Nhưng đau đớn hơn là chị Thúy, người bạn thân nhất của tôi, đã không qua khỏi do chấn thương sọ não quá nặng. Chị mất năm ngày sau tai nạn”, mắt chị Hằng đỏ hoe.

Theo hai người chứng kiến sự việc là ông Trần Thanh Phong (40 tuổi) và ông Phan Thành Xuân (50 tuổi) cùng ngụ huyện Bến Lức, khi vừa chuẩn bị bước xuống xe thì hai phụ nữ đã bị xe gắn máy của hai kẻ say rượu chạy với tốc độ khá cao tông thẳng vào hông bên phải. “Chúng tôi ngồi cách nhà mẹ chị Hằng chỉ vài mét. Cú tông mạnh đến nỗi hất văng chị Thúy ra tim đường, còn chị Hằng té xuống và bị xe của mình đè lên. Cả hai người đàn ông gây tai nạn đều nồng nặc mùi rượu”, ông Xuân kể.

Bi ke say ruou tong, tinh lai thay minh thanh... bi cao
Bà Hằng hoàn toàn thất vọng, mất niềm tin với phiên tòa xét xử mà lẽ ra bà phải là nạn nhân - Ảnh: Nam Anh

Kết luận điều tra của Công an huyện Bến Lức cho biết, xe máy đã tông vào chị Hằng mang biển số 77F1-222.51 do Hà Tấn Phong (35 tuổi, quê ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển, chở theo Võ Văn Đồ (27 tuổi, quê ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An).

Sau khi gây tai nạn, ông Phong đến thăm hỏi các nạn nhân và gia đình để nhờ ký đơn bãi nại. “Tôi và gia đình bạn tôi đã đồng ý bãi nại vì nghĩ dù sao người thân của chúng tôi cũng đã mất nên chẳng muốn truy cứu gì thêm”, bà Hằng nói. Ngoài ra, ông Phong đã thỏa thuận và hỗ trợ 50 triệu đồng chi phí mai táng, tổn thất tinh thần cho gia đình bà Thúy, đồng thời hỗ trợ 15 triệu đồng chi phí điều trị cho bà Hằng.

Thế nhưng, chưa hết bàng hoàng vì tai nạn cũng như sự mất mát người thân, đùng một cái, bà Hằng lãnh “cú đâm thứ hai” còn choáng váng hơn cú đâm từ hai kẻ say xỉn. Đó là vào tháng 7/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bến Lức bỗng dưng ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với… bà Hằng(!?).

Muốn trắng là trắng, muốn đen là đen?

Cơ quan điều tra “xác định”, nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông là do bà Hằng điều khiển xe “chuyển hướng không nhường đường, không bảo đảm an toàn, vi phạm khoản 2, điều 15 của Luật Giao thông đường bộ, gây tai nạn nghiêm trọng làm một người chết”(?). Kỳ lạ hơn nữa, cũng theo cơ quan này, tuy trong hơi thở ông Phong có nồng độ cồn lên tới 0,679mg/1 lít khí thở, nhưng ông này chỉ vi phạm điểm e, khoản 6, điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ và chuyển xử lý hành chính(?).

Tiếp theo, ngày 6/10, Viện KSND huyện Bến Lức ra cáo trạng truy tố bà Hằng về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1, điều 202 Bộ luật Hình sự. “Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, tôi đã nhiều lần đề nghị làm rõ hành vi điều khiển xe của Hà Tấn Phong trong trạng thái say rượu với nồng độ cồn rất cao dẫn đến vụ tai nạn l àm bạn tôi qua đời. Thậm chí, tôi còn đề nghị nếu cần thì dựng lại hiện trường để có thể xác định chính xác nguyên nhân vụ tai nạn. Tuy nhiên, phía cơ quan điều tra tránh né mọi đề nghị của tôi”, bà Hằng tức tưởi.

Tại phiên tòa ngày 14/12, kiểm sát viên Lê Văn Hai - đại diện Viện KSND huyện Bến Lức - cũng chỉ tập trung kết tội bà Hằng lỗi sang đường không an toàn và đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) áp dụng khoản 1, điều 202, điểm b khoản 1 khoản 2 điều 46, 45 và 60 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo từ 9-12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 18-24 tháng.

Bảo vệ quyền lợi cho bà Hằng tại tòa, luật sư Nguyễn Thanh Phú - Văn phòng luật sư Oliver Greens, Đoàn Luật sư TP.HCM - cho rằng, toàn bộ nội dung kết luận điều tra cũng như cáo trạng đều chỉ dựa vào duy nhất hành vi chuyển hướng xe của bị cáo, rồi kết luận hành vi này không an toàn, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn, có nghĩa đã bỏ qua quá nhiều tình tiết quan trọng khác của vụ án.

“Nguyên nhân xảy ra tai nạn đã không được xem xét toàn diện mà chỉ quy vào bị cáo, không xem xét, đề cập đến hành vi của Hà Tấn Phong. Cụ thể, trong cáo trạng không hề xét đến bất kỳ quy định nào về giao thông đường bộ bắt buộc tuân thủ đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên Tỉnh lộ 832.

Công văn số 1619 của Sở GTVT tỉnh Long An cho biết, quy định của người tham gia giao thông trên Tỉnh lộ 832, với tốc độ tối đa cho phép chỉ 50km/h. Khu vực xảy ra tai nạn là đoạn đường đông dân cư và người điều khiển phương tiện giao thông có nghĩa vụ phải giảm tốc độ theo thông tư 91 năm 2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông”, luật sư Phú tranh luận.

Theo ông, khoản 5, điều 5 thông tư 91 quy định rõ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép khi qua khu vực đông dân cư. “Giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép” được quy định rất rõ là “phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn”.

Ngoài ra, gần vị trí xảy ra tai nạn là chợ Nhựt Chánh có gắn biển báo giao thông quy định phương tiện qua lại khu vực gần chợ phải chú ý quan sát giảm tốc độ. Nhân chứng cũng cho rằng Hà Tấn Phong chạy với tốc độ rất nhanh, khi va chạm phát ra âm thanh rất lớn. Bản thân Phong cũng khai tại cơ quan điều tra rằng mình chạy từ 50-60km/h.

Chưa kể, Phong điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn rất cao. Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi điều khiển mô tô có nồng độ cồn vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở, trong khi nồng độ cồn của Phong đo được tại thời điểm gây tai nạn là 0,679mg/1 lít khí thở (gần gấp ba lần).

“Tôi thật sự lấy làm lạ khi toàn bộ chứng cứ bất lợi cho Hà Tấn Phong đều không được đề cập trong bản cáo trạng; cáo trạng cũng không đánh giá hành vi điều khiển xe của Phong có phải chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn hay không”, ông Phú nói.

Luật sư Phú cho rằng, chứng cứ buộc hành vi vi phạm của bị cáo là không thuyết phục. Người làm chứng thấy bị cáo đã đến được sát lề. Làn đường mỗi bên rộng hơn 6m nên khó có thể cho rằng bị cáo không nhường đường. Hơn nữa, để có thể băng qua cả hai làn đường hơn 12m, bị cáo đã có “xi-nhan” và nếu Phong có quan sát, thì đã thấy được bị cáo băng qua đường từ rất xa, chứ không thể là ở khoảng cách 10m như bản cáo trạng nhận định.

Theo ông Phú, cơ quan tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không xem xét toàn diện các chứng cứ và tình tiết có liên quan trong vụ án để đưa ra kết luận. Ông yêu cầu HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Sau thời gian nghị án, thẩm phán Dương Ngọc Thành - chủ tọa phiên tòa - quyết định: việc tuyên án sẽ được dời vào 8g sáng 16/12.

Nam Anh

"Cái gì" đã khiến cơ quan tố tụng lật ngược 1800 ?

Trao đổi với chúng tôi ngày 15/12, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính - nhận định, lỗi hoàn toàn ở kẻ say rượu: không quan sát, không làm chủ tốc độ. “Trong trường hợp này, không thể có lỗi của người sang đường khi xe của bà Phan Thúy Hằng đã đi qua vạch, bánh trước đã chạm lề, xe đã dừng hẳn. Như thế không thể nào nói rằng người này băng qua đường mà không quan sát. Khi anh say xỉn tông thẳng vào hông phải xe của người ta, anh vi phạm ba lỗi: một, không làm chủ được tốc độ; hai, điều khiển xe không quan sát; và ba, vi phạm về nồng độ cồn”, luật sư Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, trong vụ án này, cũng không là lỗi hỗn hợp (cả hai bên đều có phần lỗi), mà lỗi hoàn toàn thuộc về phía ông Hà Tấn Phong. “Người bình thường thôi cũng có thể nhận thức được điều này, đáng lẽ bị cáo phải là nạn nhân. Theo tôi, Tòa án, Viện KSND và cơ quan điều tra phải làm rõ xem các điều tra viên đã chịu sự tác động nào mà dẫn đến kết luận lật ngược vấn đề 1800 như vậy (loại trừ chuyện đổ cho trình độ chuyên môn)?" - luật sư Nghiêm đề nghị

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI