Nỗi lòng cô giáo trước những bữa cơm chỉ rau với mì gói của học trò nghèo

20/11/2018 - 06:00

PNO - Mặc dù đã nỗ lực cố gắng nhưng nhiều học sinh nghèo tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp vẫn phải đối mặt với những bữa cơm đạm bạc trong cuộc hành trình đi tìm kiếm con chữ.

Xót xa bữa “cơm chay” trường kỳ

Tìm về Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cách TP.Buôn Ma Thuột gần 100km, chúng tôi mới thấm thía hết những khó khăn của nhiều học sinh nơi đây trong cuộc hành trình đi tìm con chữ.

Kết thúc tiết học buổi sáng, em Hoàng Thị Lam (SN 1999, cụm 10, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, học sinh lớp 10 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp) và các bạn cùng phòng lại tất tả chạy về phòng chuẩn bị bữa cơm trưa. Sau khoảng nửa tiếng cặm cụi nấu nướng, các em bê ra một nồi cơm trắng, một tô canh “đại dương” và một đĩa rau xào rồi khoe với chúng tôi: “Đó là bữa trưa quen thuộc của chúng em”. Không có được bữa cơm “sung túc” như phòng của em Lam, nhiều học sinh ở các phòng khác pha vội mì tôm ăn cho qua cơn đói rồi chuẩn bị bài vở cho buổi học chiều.

Và vội chén cơm, Lam cho biết, nhà có 6 anh chị em. Mặc dù có khoảng 1ha đất canh tác nhưng sau mỗi vụ thu hoạch không đủ để trang trải sinh hoạt trong gia đình. Cũng vì khó khăn nên sau khi học hết THCS, bố Lam định cho em và người con út nghỉ học ở nhà phụ giúp việc kiếm miếng cơm, manh áo. Thế nhưng, với quyết tâm học chữ thoát nghèo, Lam đã thuyết phục bố mẹ cho em tiếp tục đến trường.

Sống xa gia đình, mỗi tháng, Lam cũng như nhiều học sinh khác được bố mẹ cho từ 200.000-300.000 đồng. Với số tiền chu cấp ít ỏi này, các em chỉ biết sống qua ngày bằng những bữa cơm trắng, rau xanh và mì gói. Nhiều hôm hết tiền, các em phải ăn ké của nhau. Sống bằng những bữa “cơm chay” trường kỳ nên thịt, cá trở thành món ăn quá xa xỉ đối với các em.

Noi long co giao truoc nhung bua com chi rau voi mi goi cua hoc tro ngheo
Bữa trưa bằng mì gói của nhiều học sinh nghèo

Chẳng khấm khá gì so với Lam, khi mới học xong lớp 9, em Hoàng Thị Thiên, học sinh lớp 10A (trú tại xã Cư Kbang) buộc phải tạm ngừng việc học lại để phụ giúp gia đình vì bố bị bệnh, thường xuyên phải nhập viện điều trị. Hai năm sau đó, khi bệnh của bố thuyên giảm cũng là lúc Thiên có cơ hội quay trở lại với hành trình đi tìm con chữ. Khi được hỏi về ước mơ của mình cho tương lai, Thiên nói chỉ mong học được hết lớp 12 để lấy bằng tốt nghiệp THPT.

Cũng có không ít học sinh dù rất ham học nhưng phải ngậm ngùi tìm gặp lãnh đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp xin rút hồ sơ nghỉ học vì không đủ tiền ăn hàng ngày. Đó là trường hợp của em Phàng A Niên (học sinh lớp 10, trú tại xã Cư Kbang). Được biết, gia đình Niên có 9 anh chị em, thuộc diện khó khăn. Dù bố mẹ phải lao động vất vả mỗi ngày nhưng cái ăn, cái mặc chẳng đủ nên các anh chị của Niên chỉ học đến lớp 3, hoặc lớp 5 là phải nghỉ để đi làm.

Là con thứ 6 trong gia đình, nhiều lần Niên được bố mẹ đề nghị nghỉ học nhưng vì ham học, em vẫn quyết tâm đến trường học chữ. Mỗi tháng, em được bố mẹ cho từ 50.000-100.000 đồng nên nhiều hôm em phải nhờ các bạn cùng phòng cưu mang mới có thể đến lớp. Mới đây, Niên bật khóc tìm gặp lãnh đạo trung tâm xin rút học bạ. Được gặng hỏi, Niên nói, vì gia đình quá khó khăn nên cách đây hơn 1 tháng em về xin tiền đi học thì bố đưa cho 100.000 đồng và nói đó là số tiền cuối cùng của gia đình. Hiểu được nỗi bất lực của bố, Niên âm thầm xin rút học bạ để có thời gian đi làm kiếm tiền. Đáng nói, Niên không phải trường hợp duy nhất ở trung tâm có ý định nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Nỗi lòng người thầy

Thấu hiểu những cơ cực của các em, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng - Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp đã đứng ra kêu gọi các cán bộ trong cơ quan và các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ để các em được ăn bữa cơm có thịt, cá.  

Cô Phượng cho biết, hiện nay trung tâm có tổng cộng 100 em học sinh thuộc khối lớp 10, 11 và 12. Trong đó, riêng khối lớp 10 có 60 em học sinh, hầu hết các em đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo. Nhiều em nhà xa trên 20km nên phải ở trọ lại gần trường để tiện cho việc đi học, một tháng mới về nhà một lần. Trung tâm đã mua thanh lý lại 10 bộ giường tầng rồi về gia cố và tận dụng thêm các trang thiết bị dư để làm 16 phòng nội trú cho học sinh khối lớp 10.

Ngoài ra, vừa qua trung tâm còn kêu gọi tập thể cán bộ giáo viên, học viên tại đơn vị quyên góp, giúp đỡ được 3,4 triệu đồng trao tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. “Số tiền ít ỏi này không thể duy trì giúp đỡ các em trong thời gian tới. Do đó, trung tâm mong muốn các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân quan tâm, giúp đỡ các em học sinh để các em có thể tiếp tục yên tâm đến trường” - cô Phượng tâm sự.

Noi long co giao truoc nhung bua com chi rau voi mi goi cua hoc tro ngheo
"Cơm chay" trường kỳ của nhiều học sinh Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp.

Không riêng gì cô Phượng, cô Nguyễn Cẩm (công tác tại Trường THCS Bế Văn Đàn, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) cũng lên mạng xã hội Facebook kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm dành cho học sinh tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp.

Trong một đoạn chia sẻ trên trang cá nhân, cô Cẩm cho hay: “Tôi là giáo viên tổng phụ trách đội tại một trường vùng sâu, vùng xa, nơi đây chiếm hơn 95% là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Chứng kiến những bữa trưa, các em ở lại chia nhau ổ bánh mì không, uống nước lọc, thậm chí nhịn đói ở lại trường chiều học tiếp, nhiều thầy cô đã kêu gọi sự giúp đỡ, quan tâm cho các em những bữa cơm trưa. Điều đó động viên giúp các em vươn lên trong mọi hoàn cảnh và cố gắng học hết cấp 2.

Nhiều trường hợp gia đình đông con, anh nghỉ học đi làm phụ giúp bố mẹ cho em đi học. Vì thế, các em học sinh ở nơi đây tuy nhỏ tuổi nhưng lại là lao động chính của gia đình. Đó cũng chính là lý do, rất hiếm em có thể học hết chương trình THPT. Khi nghe Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp tâm sự, hầu hết học sinh khó khăn của trung tâm là học sinh của trường Bế Văn Đàn. Mặc dù, bản thân các em đã rất cố gắng, ngoài giờ học việc gì ai thuê cũng làm nhưng huyện Ea Súp nghèo nên hiếm khi mới có việc để em làm thêm.

Các em học sinh chủ yếu nhịn ăn sáng đến trường, còn lại ăn hai bữa trong ngày. Tuy nhiên, bữa cơm cả tháng cũng chỉ là rau xanh, thỉnh thoảng các thầy cô hay ai đó động lòng trắc ẩn bổ sung cho các em bữa thịt, bữa cá. Nếu cứ như vậy, có khi các em phải nghỉ học giữa chừng. Do đó, tôi chỉ mong sao các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ cho các em có được bữa ăn có cá, thịt để đủ chất cho các em theo đuổi kiếm cái chữ”.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI