Quyền lực của người thầy là sự yêu thương

22/04/2018 - 07:20

PNO - Quyền lực của người thầy là tình yêu thương và sự thấu hiểu dành con trẻ, để dẫn dắt chúng đi đến những điều tốt đẹp.

20 năm trong nghề, tôi đã thấy những học sinh cúi đầu tức tưởi trước câu nói cửa miệng của nhiều thầy cô: “Mấy người chưa qua cầu đã rút ván à?”. Thấy một em học sinh giỏi toán nhún vai ủ rũ, thất vọng với thầy mình. Thấy toàn bộ học sinh lớp tôi cùng ký tên mong ban giám hiệu thay đổi giáo viên, nhưng không được chấp nhận và các em phải chịu trận suốt một năm học... 

Quyen luc cua nguoi thay la su yeu thuong
Ảnh minh họa

Những mầm bất công, những hình thức bạo lực tinh thần mang tính trấn áp đó ai nói sẽ không ảnh hưởng gì đến sự can trường, sự tin yêu con người và cuộc đời của học sinh sau này?

Những ngày này, khi báo chí đưa tin: em nhỏ lớp Một bị thầy đánh chảy máu mũi, em học sinh trần tình sự thật về cô giáo lặng thinh suốt ba tháng và phải chuyển trường, em nhỏ lớp Ba bị cô ép uống nước giẻ lau bảng bị cô lập… thì chúng ta mới giật mình: có nhiều trẻ bị đàn áp, các em như những con cá đang nằm trên thớt nơi học đường.

Ta giật mình quày quả đi hỏi lại con ta. Ta giật mình quày quả đi hỏi con của bạn ta. Thậm chí, ta không ngại đào xới tung tóe những ngày xưa tháng cũ, thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường xem ta đã có bị ức hiếp không, ta có bị chính những người khoác chiếc áo đạo đức kia phất tay vùi dập không? Ta đau lòng thừa nhận: có! Đó là một sự thật âm thầm đã và đang diễn ra như một mạch nước ngầm đen ngòm, nhấn chìm biết bao tâm hồn ngây thơ trong sáng.

Lao động của giáo viên là lao động cực kỳ đặc biệt: dạy dỗ, định hướng, tác động đến con người. Đôi khi nhân cách, hành xử, lời nói… của thầy cô ảnh hưởng đến cả một đời của trẻ. Gặp được một người thầy giỏi gieo những hạt mầm tốt đẹp, đó thật sự là diễm phúc lớn lao. Gặp phải người tàn nhẫn, chỉ nghĩ đến bản thân, vì quyền lợi cá nhân vô tâm vô cảm, đó là sự bất hạnh có thể sánh với nỗi khổ mồ côi.

Quả vậy, ngôi trường là cái nôi thứ hai sau gia đình, nơi ấy trẻ bị bỏ rơi, không một nguyện vọng nào của trẻ được lắng nghe, không được yêu thương bằng trái tim nóng hổi, không được xem là đối tượng được lo lắng, chăm sóc, quan tâm thì không mồ côi là gì.

Quyen luc cua nguoi thay la su yeu thuong
Ảnh minh họa

Tâm lý học cổ điển đã xác định con người có bốn loại khí chất cơ bản: sôi nổi, linh hoạt, điềm tĩnh và ưu tư. Ở các trường sư phạm có dạy về tâm lý học cho sinh viên, để khi đứng lớp, thầy cô có kiến thức, dựa vào khí chất của mỗi học sinh mà có cách hành xử, uốn nắn, dạy dỗ sao cho phù hợp. Phải chăng, không chỉ thiếu lòng tự trọng, yêu trẻ, yêu nghề mà cả kỹ năng sư phạm của một bộ phận giáo viên hiện cũng có vấn đề?

Trong một lớp học, sẽ luôn có những em không ngồi yên đến 10 phút; sẽ có những em muốn mình là tâm điểm nên tìm cách gây sự chú ý, kể cả cãi lại, nói năng hành xử thiếu chuẩn mực với thầy cô; sẽ có những em rất rụt rè nhút nhát… Điều đó là bình thường. Những lúc ấy, thầy cô buộc phải có “nghề” để thu phục “nhân tâm”. Cái “nghề” đó là sự thấu hiểu tâm lý trẻ, đó chính là trình độ chuyên môn vững vàng.

Vậy cho nên, quyền lực vô song của người thầy chính là kiến thức và tài năng chuyển tải, khơi gợi trong lòng học trò ngọn lửa của niềm đam mê đặt chân vào con tàu tri thức. Quyền lực của người thầy là tình yêu thương và sự thấu hiểu dành con trẻ, để dẫn dắt chúng đi đến những điều tốt đẹp.

Có cái gì khởi phát từ trái tim không chạm đến được trái tim. Mọi phương thức khác, đặc biệt là dùng bạo lực để buộc con trẻ phải phục tùng mình chỉ phơi bày sự yếu kém, thất bại của người thầy.  

Nghề nào cũng có thể có sai sót, bởi lẽ nó đều được thực hiện bởi con người. Nhưng, nghề giáo, đôi khi còn hơn cả thầy thuốc, chút sai sót không chỉ lấy đi một sinh mạng mà còn di hại đến cả một thế hệ.  

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI