Thôi, bãi đi!

14/01/2019 - 08:06

PNO - Tôi đã chờ đợi được đắm mình trong lời ca, tiếng hát, để có thể hát theo các nghệ sĩ - như thuở nào tôi vẫn đứng trên chiếc bàn nhỏ, hát và ra bộ cho chỉ một khán giả là mẹ tôi. Nhưng tôi đã thất vọng.

Là một người mê cải lương từ nhỏ - nhờ được nuôi dạy trong không khí cải lương, qua những cuộn băng cassette thuở nào mẹ nghe đi nghe lại đến nhão cả băng, dơ cả đầu từ máy hát, tôi thực sự chờ đợi được thưởng thức những tác phẩm đỉnh cao ở chương trình 100 năm sân khấu cải lương tối 13/1, dù chỉ là qua màn ảnh nhỏ. Tôi đã chờ đợi được đắm mình trong lời ca, tiếng hát, để có thể hát theo các nghệ sĩ - như thuở nào tôi vẫn đứng trên chiếc bàn nhỏ, hát và ra bộ cho chỉ một khán giả là mẹ tôi. Nhưng tôi đã thất vọng. Thực sự thất vọng.

Thoi, bai di!
Thái hậu Dương Vân Nga - Kim Ngân nặng nề áo xống, oang oang chiêu hồn... (Ảnh: Minh Thanh).

Trên sân khấu, Thái hậu Dương Vân Nga - Kim Ngân nặng nề áo xống, giọng oang oang chiêu hồn các loại binh khí, kêu gọi binh tướng chống giặc, hùng hồn tuyên bố kẻ nào vay nợ máu xương sẽ phải trả máu xương… Nhưng tất cả chỉ như bà đang… trả bài cho trọn hơn là bừng lên cái uy vũ của một thái hậu đảm lược giữa cảnh sơn hà nguy biến. 

Không có điểm nhấn, không có mệnh lệnh, không có cái dứt khoát trong từng câu thoại. Những lời hiệu triệu của Dương Vân Nga - Kim Ngân cứ trôi tuột theo những cái huơ tay, dáng người lắc lư của bà. Kể cả khi bà đẩy bộ chấp kích ra giữa sân khấu, giữa ba quân, tôi vẫn cảm giác như đang xem một diễn viên biểu diễn chứ không thấy tim mình rộn nhịp như đã từng sục sôi theo những Thái hậu Dương Vân Nga của một thời chưa xa lắm.

Có thể, như cách người ta vẫn nói - quá khứ đẹp bởi nó không còn nữa, bởi đó là những gì tinh túy nhất, đẹp nhất được lưu giữ trong ký ức của chúng ta; nhưng nếu bà thái hậu hôm nay không thể vượt qua, thậm chí chẳng bằng được bà thái hậu ngày xưa thì làm sao để khán giả có thể yêu và tiếp tục dõi theo bà?

NSND Bạch Tuyết với thần thái tuyệt vời trong trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga:

Xem nghệ sĩ Kim Ngân biểu diễn, người đàn bà thuộc gần như mọi tuồng cải lương nổi tiếng là mẹ tôi thở dài: “Thôi bãi (dẹp) đi! Diễn vầy mà coi cái gì”. Đó phải chăng là câu trả lời rõ nhất từ khán giả đối với một tiết mục? Có đáng khen chăng là khen cho phần âm nhạc của chương trình, nhưng coi cải lương đâu phải là đi nghe nhạc. Coi cải lương là để khóc, để cười, để nghe nghệ sĩ nói hộ nỗi lòng trước những biến chuyển của thời cuộc. Tôi đã không thấy điều đó.

Chính xác hơn, tôi đã không cảm được điều đó, qua những gương mặt vô hồn, dù chúng vẫn vang lên bên tai qua tiếng hát của các nghệ sĩ. Có phải tôi đã chai sạn nên không còn cảm được tình yêu và sự tận hiến của nghệ sĩ trên sân khấu - thứ mà dù có tài năng đến đâu họ cũng không thể giấu hay làm giả, hay thực sự một lớp nghệ sĩ hôm nay đã không còn yêu cải lương đủ để sống còn với nó, để xem mỗi lần lên sân khấu như là lần cuối được hát ca?

Thái hậu Dương Vân Nga của NSND Ngọc Giàu:

Sân khấu 100 năm sân khấu cải lương ở đường đi bộ Nguyễn Huệ rất đẹp và rộng, chắc là không thua gì những sân khấu đại vĩ tuyến thuở cải lương còn trên đỉnh cao. Những bộ trang phục rực rỡ, đèn chiếu sáng lòa. Kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã cho khán giả thỏa mãn phần nhìn, nhưng hồn muôn năm cũ dường như đã tan theo những làn khói màu chói lóa.

Tôi biết, vẫn còn rất nhiều khán giả hôm nay yêu mến cải lương, vẫn sẵn lòng tìm đến sân khấu để ủng hộ nghệ sĩ, dù mộng mơ về một nhà hát tiêu chuẩn phục vụ cho nghệ thuật cải lương vẫn còn là mơ ước. Nhưng thật lòng mà nói, với những gì thể hiện trên sân khấu 100 năm sân khấu cải lương, có lẽ sự lụi tàn hôm nay là... xứng đáng. 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI