Vất vả... như giáo viên chủ nhiệm lớp 9

13/12/2022 - 15:38

PNO - Chương trình GDPT 2018 bậc THPT đặt ra những áp lực, vai trò mới cho giáo viên chủ nhiệm lớp 9 trong công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh.

 

Vai trò, áp lực của giáo viên chủ nhiệm cuối cấp rất lớngiáo viên chủ nhiệm vẫn tư vấn trước kia
Vai trò, áp lực của giáo viên chủ nhiệm cuối cấp rất lớn 

Trăm cái khó

Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm khối 9, cô Nguyễn Tiến Thùy - giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 9/6, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) nhìn nhận, cái khó của GVCN cuối cấp trước giờ là tư vấn để phụ huynh học sinh hiểu được năng lực thực sự của con em họ, lựa chọn được hướng đi phù hợp, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp.

Khi các trường THPT triển khai Chương trình GDPT 2018, cô Thùy cho biết, GVCN có thêm cái khó nữa là giúp phụ huynh, học sinh hiểu được sự khác biệt của chương trình, cách thức tổ chức giảng dạy của các trường THPT, liên quan trực tiếp như thế nào đến việc học tập, định hướng nghề nghiệp sau này của con em họ.

"Công tác tư vấn cho học sinh khối 9 hiện giờ phải khác so với cách thức mà GVCN vẫn tư vấn trước kia. Trước giờ, GVCN tư vấn nguyện vọng trường THPT cho học sinh dựa vào năng lực học tập, điểm số của các con, thậm chí gợi mở rõ rằng: với năng lực học tập này con có thể đậu vào trường THPT nào. Thế nhưng, khi Chương trình GDPT 2018 triển khai thì cách thức tư vấn này không còn phù hợp. GVCN chỉ đóng vai trò hỗ trợ, định hướng để học sinh nhìn thấy được năng lực học tập, sở thích nghề nghiệp sau này, bước đầu hướng các em vào ban khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, còn quyết định đi theo hướng nào là của các em" - cô Nguyễn Tiến Thùy phân tích thêm.

Xác định là vậy nhưng cô Nguyễn Tiến Thùy khẳng định, "trao quyền" cho phụ huynh, học sinh tự xác định hướng đi không phải dễ dàng. Bởi không phải phụ huynh nào cũng có thể sát sao với việc học của con để biết con có thế mạnh nào. Bản thân nhiều học sinh cũng không biết mình thực sự thích môn học nào, nổi trội ở lĩnh vực nào, thiên hướng ra sao. Đặc biệt, hiện nay học sinh khối 9 đang theo học chương trình cũ, vì thế việc tư vấn để các em và phụ huynh hiểu, nắm về chương trình mới, tác động thay đổi trong lựa chọn nguyện vọng trường học sẽ là rào cản lớn nhất của GVCN.

"Học sinh, phụ huynh hiện nay mới chỉ quan tâm đến sức học để chọn trường chứ chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc đậu lớp 10 sẽ học như thế nào. Sau 1 năm tư vấn, nhận thấy phần lớn huynh học sinh khối 9 quan điểm rằng đậu vào trường trước đã, còn tư vấn chọn ban nào, học ra sao thì tính sau" - cô Thùy trăn trở.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Phước - chuyên gia giáo dục - chia sẻ, từng gặp trường hợp GVCN khối 9 vì tư vấn tuyển sinh cuối cấp cho học sinh mà rơi vào trầm cảm. Câu chuyện GVCN này gặp phải rất phổ biến, đó là... trăm dâu đổ đầu GVCN. Không chỉ tư vấn cho học sinh mà GVCN còn phải giúp phụ huynh hiểu về những tư vấn đó, song không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng hiểu.

"Có trường hợp học sinh đặt cả 3 nguyện vọng vào 1 trường dù đã được tư vấn rất kỹ càng, phụ huynh lại trách giáo viên sao không tư vấn cho con. Nhiều phụ huynh lại bắt con phải thi vào trường này, trường kia mà không quan tâm đến những tư vấn về năng lực học tập; đặc biệt, nhiều phụ huynh dù con có sức học không phù hợp nhưng kiên quyết không cho con học theo hướng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, tư tưởng trường công là nhất vẫn còn khá nặng nề ở phụ huynh..." - thạc sĩ Nguyễn Trần Phước kể.

Kết nối với học sinh phải là câu chuyện trên hết

Bài toán kết nối với học sinh, hiểu được học sinh phải đặt lên hàng đầu
Việc kết nối với học sinh, hiểu được học sinh phải được đặt lên hàng đầu

Theo thạc sĩ Nguyễn Trần Phước, hiện nay công tác tư vấn học sinh khối 9 lựa chọn nguyện vọng trường THPT khi các trường THPT triển khai Chương trình GDPT 2018 là 1 áp lực, thách thức rất lớn với GVCN, đòi hỏi công tác tư vấn phải khác đi về cả tư duy và cách thức.

Ông phân tích: Bản chất của tư vấn tuyển sinh là giáo viên chỉ đóng vai trò người cố vấn, gợi mở, còn đi hướng nào, lựa chọn ra sao thì chính phụ huynh, học sinh phải là người quyết định, lựa chọn. Trong khi đó, từ trước giờ GVCN lại thường tư vấn đi cùng với quyết định giùm học sinh, tư vấn đánh vào điểm số của các em có phù hợp với điểm chuẩn trường THPT đó hay không. Thế nhưng, để học tập trong môi trường THPT với cách thức tổ chức giảng dạy đã khác đi theo Chương trình GDPT 2018 thì học sinh cần nhiều hơn là điểm số.

"Có em đậu thủ khoa vào trường THPT nhưng quá trình theo học lại học không được phải xin chuyển trường. Có em chỉ đậu vào trường với điểm số bình thường nhưng quá trình học lại bứt lên xuất sắc. Để tư vấn được cho học sinh trong bối cảnh hiện nay, GVCN khối 9 cần phải tự mình nghiên cứu để có cái nhìn tổng thể về Chương trình GDPT 2018 bậc THPT, nắm về cách thức triển khai chương trình của một số trường THPT gần khu vực; thông tin đầy đủ đến học sinh các hướng đi sau THCS. Trên hết, để làm tròn vai câu chuyện tư vấn thì kết nối với học sinh, phụ huynh là điều đầu tiên GVCN cần phải hoàn thiện..." - thạc sĩ Nguyễn Trần Phước chỉ rõ.

Cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - chia sẻ: "Nhà trường luôn chọn những giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và kết nối, tư vấn học sinh để làm chủ nhiệm khối 9. Khi chương trình mới triển khai ở bậc THPT, vai trò của GVCN khối 9 còn là thông tin sớm cho học sinh, phụ huynh hiểu sơ qua về chương trình, mục tiêu chương trình, tác động đến việc chọn trường, tránh những lúng túng sau khi học sinh trúng tuyển, đặc biệt là kết nối để hiểu điểm mạnh, điểm yếu của học sinh".

Giáo viên tư vấn đi học... tư vấn

Năm học 2022-2023, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TPHCM triển khai các lớp bồi dưỡng công tác tư vấn tuyển sinh cho GVCN khối 9 trên toàn thành phố. Sở kỳ vọng các lớp bồi dưỡng sẽ giúp công tác tư vấn phân luồng học sinh sau THCS tại TPHCM trong năm học này và các năm tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn, hỗ trợ tốt việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI