Thị trường điện ảnh toàn cầu và cú sốc về thuế từ Mỹ

07/05/2025 - 07:00

PNO - Tổng thống MỹDonald Trump khiến Hollywood và ngành công nghiệp điện ảnh thế giới chao đảo khi bất ngờ tuyên bố áp thuế 100% đối với tất cả các bộ phim “sản xuất ở nước ngoài, nh­­­­ập khẩu vào Mỹ”.

Giới làm phim bối rối

Tổng thống Donald Trump cho rằng, việc các hãng phim chuyển hoạt động làm phim ra nước ngoài là nguyên nhân khiến Hollywood chết dần. Ông khẳng định đó là một chiến lược có chủ đích từ các quốc gia khác nhằm lôi kéo các đoàn làm phim Mỹ bằng chính sách thuế hấp dẫn, khiến ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ bị tàn phá.

Khoảng 55% doanh thu của A Minecraft Movie đến từ các quốc gia ngoài Mỹ
Khoảng 55% doanh thu của A Minecraft Movie đến từ các quốc gia ngoài Mỹ

Suốt 2 thập niên qua, nhiều hãng phim lớn đã rời Los Angeles để tìm đến Canada, Anh, Úc, New Zealand… - những nơi có bối cảnh đẹp, nhân công lành nghề và các chính sách thuế ưu đãi. Tổ chức phi lợi nhuận FilmLA cho biết trong quý đầu năm 2025, số ngày quay phim tại Los Angeles đã giảm 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số đó cho thấy một sự sụt giảm nghiêm trọng trong sản xuất.

Dù tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đang tạo ra một cú sốc đối với thị trường điện ảnh toàn cầu nhưng đến giờ, vẫn chưa có thông tin cụ thể về cách thức triển khai. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng “Chúng tôi đang xử lý”. Theo The Guardian, điều này chỉ làm cho nhiều người trong ngành thêm bối rối.

Trước sự giận dữ và bối rối của dư luận xung quanh tuyên bố mới của Tổng thống Trump, CNN đã có phần trích dẫn của phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai: “Dù chưa có quyết định cuối cùng về thuế đối với phim nước ngoài, chính quyền đang cân nhắc mọi phương án để thực hiện chỉ đạo của tổng thống nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và kinh tế của nước Mỹ, đồng thời làm cho Hollywood hùng mạnh trở lại”.

Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) vẫn chưa có phản hồi chính thức, nhiều lãnh đạo hãng phim lớn lo lắng vì họ không hề được thông báo trước về chính sách này. Nhà sản xuất Randy Greenberg cảnh báo rằng chính sách thuế trên có thể khiến chi phí sản xuất tăng vọt, dẫn đến việc giá vé phim cao hơn và người thiệt thòi chính là khán giả.

Hollywood đứng trước nguy cơ bị trả đũa

Không chỉ Hollywood, các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh cũng bày tỏ sự phản đối gay gắt với chính sách thuế của ông Trump. Tại Úc - nơi đón nhiều bom tấn Hollywood như Thor, Mad Max - Bộ trưởng Nội vụ Tony Burke khẳng định sẽ “bảo vệ đến cùng lợi ích của ngành điện ảnh Úc”. Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ngành điện ảnh nước nhà và cho biết đang chờ thêm thông tin chi tiết từ Mỹ.

Báo chí quốc tế cho biết Trung Quốc - một trong những thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới - đã có phản ứng trước động thái này khi quyết định giảm hạn ngạch nhập khẩu phim Mỹ từ 34 xuống 20 bộ phim/năm. Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể sẽ đáp trả bằng cách áp thuế đối với phim Mỹ, điều này sẽ làm xói mòn thị trường quốc tế của Hollywood.

Theo báo cáo của MPA, doanh thu phòng vé quốc tế của Hollywood năm 2024 đạt 21,1 tỉ USD, chiếm gần 70% tổng doanh thu, trong khi nội địa chỉ đạt 8,8 tỉ USD. Nếu các quốc gia trả đũa chính sách thuế quan, Hollywood có thể mất đi phần lớn doanh thu từ các thị trường quốc tế này. “Chính sách thuế trả đũa có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - William Reinsch - cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ - cảnh báo.

Trên Los Angeles Times, một quan chức cấp cao của Hollywood bày tỏ: “Nếu chi phí sản xuất tăng vọt và giá vé tại rạp tăng, khán giả sẽ giảm đi và Hollywood sẽ thất thu nghiêm trọng hơn”.

Ảnh hưởng văn hóa Mỹ sẽ suy giảm?
Tháng 1/2025, Tổng thống Trump đã tuyên bố về sự ra đời của “bộ ba đại sứ đặc biệt” tại Hollywood, gồm Jon Voight, Mel Gibson và Sylvester Stallone, với mục tiêu đưa điện ảnh Mỹ “trỗi dậy, lớn hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên đến nay, các đại sứ này gần như không có động tĩnh gì.

Furiosa: A Mad Max Saga, bom tấn Hollywood được thực hiện tại New South Wales, Úc
Furiosa: A Mad Max Saga, bom tấn Hollywood được thực hiện tại New South Wales, Úc

Tuyên bố áp thuế 100% có thể chỉ là khởi đầu trong loạt chính sách thương mại mang dấu ấn Trump. Tuy nhiên, ngành điện ảnh không giống như các ngành công nghiệp khác khi mang đậm tính hợp tác quốc tế, với quy trình sản xuất phân tán và mang tính toàn cầu hóa cao.

Các chuyên gia thương mại cảnh báo chính sách thuế 100% có thể tạo ra sự chia rẽ lớn trong ngành điện ảnh toàn cầu. “Chính sách này có thể giết chết ngành công nghiệp của chúng ta vì Mỹ sẽ mất nhiều hơn được” - ông William Reinsch - chuyên gia thương mại quốc tế - nhận định. Hệ quả lâu dài có thể là sự hình thành các khối điện ảnh khép kín, các quốc gia sẽ tăng cường bảo vệ ngành công nghiệp phim ảnh nội địa, cắt giảm sự hợp tác quốc tế.

Chuyên gia Molfenter cũng nhấn mạnh rằng nếu phim Mỹ ngày càng khó tiếp cận thị trường quốc tế, ảnh hưởng văn hóa Mỹ sẽ suy giảm. Khán giả toàn cầu có thể sẽ quay sang các nền điện ảnh khác như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ - những quốc gia đã có nhiều bước tiến lớn trong sản xuất phim và xuất khẩu văn hóa.

Từ lâu, Hollywood đã là biểu tượng của nền điện ảnh toàn cầu, với các dự án hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa kỹ thuật làm phim và tạo ra ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, với chính sách thuế 100%, sự đứt gãy sẽ xảy ra, Hollywood có thể phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập.

Minh Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI