Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ không chỉ lên tiếng phản đối mà còn bắt đầu điều chỉnh chiến lược, chuẩn bị cho những buớc đi tiếp theo khi ngành phim toàn cầu được dự báo sẽ có những đổi thay lớn.
 |
Fast & Furious: Tokyo Drift có bối cảnh quay tại Tokyo, Nhật Bản |
Trung Quốc: Tăng tốc tự chủ và giảm lệ thuộc Hollywood
Là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp mức thuế 100% với phim nhập khẩu, Trung Quốc là quốc gia phản ứng nhanh và cứng rắn nhất.
Trên thực tế, xu hướng hạn chế phim Mỹ đã diễn ra từ trước khi có chính sách đánh thuế vào phim ảnh. Trong quý I/2025, phim Hollywood chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu phòng vé tại Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 30–40% vài năm trước. Một số kênh truyền thông Trung Quốc còn cho rằng chính sách mới của Mỹ là “cơ hội vàng” để điện ảnh Trung Quốc phủ sóng thị trường nội địa.
Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu phim từ các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu giải trí, tránh lệ thuộc vào Mỹ. Đặc biệt, chính phủ nước này đã bắt đầu xúc tiến các chương trình hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực phim hoạt hình và phim thương mại, đồng thời đầu tư mạnh tay hơn cho sản xuất nội địa. Với nền tảng khán giả lớn và hệ thống phát hành riêng biệt, Trung Quốc tin rằng cú sốc từ Mỹ sẽ không làm suy yếu ngành phim trong nước, mà ngược lại sẽ thúc đẩy sức bật nội lực.
Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất phim Mỹ, đây là tổn thất nghiêm trọng, với nguy cơ mất đi thị trường 1 tỉ dân. Điều này có thể khiến Hollywood “mất trắng” hàng trăm triệu USD doanh thu mỗi năm.
Hàn Quốc: Lo ngại giao lưu điện ảnh song phương bị thu hẹp
Ngành điện ảnh Hàn Quốc từng gặt hái nhiều thành công quốc tế như Ký sinh trùng, Minari, và gần đây là làn sóng K-drama phủ sóng toàn cầu, cũng không khỏi lo lắng.
Dù Mỹ không phải thị trường lớn nhất về mặt doanh thu, nhưng lại là nơi khẳng định vị thế và mở rộng hợp tác quốc tế của phim Hàn. Chính phủ Hàn Quốc và các hiệp hội điện ảnh cảnh báo rằng thuế 100% sẽ khiến phim Hàn khó cạnh tranh tại thị trường Mỹ, nơi có cộng đồng kiều bào lớn và mạng lưới phát hành đang mở rộng. Bên cạnh đó, việc mua bản quyền phim Hàn hoặc các dự án hợp tác với Hollywood cũng sẽ gặp rào cản lớn, khiến đà phát triển quốc tế của điện ảnh Hàn bị chậm lại.
 |
Ký sinh trùng, bộ phim định vị điện ảnh Hàn Quốc trên toàn cầu |
Ngoài ra, một hệ quả đáng lo là Hàn Quốc có thể mất vai trò là điểm đến quay phim yêu thích của các đoàn làm phim Mỹ. Trước đây, nhiều bộ phim Hollywood đã chọn Hàn Quốc làm bối cảnh nhờ cảnh quan đẹp và chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn. Nay, với rủi ro bị đánh thuế vì quay ở nước ngoài, các đoàn phim Mỹ có thể sẽ rút lui, kéo theo việc sụt giảm dòng tiền đầu tư vào ngành dịch vụ điện ảnh trong nước.
Mối lo âm thầm của điện ảnh Nhật
Khác với phản ứng quyết liệt của Trung Quốc hay sự thận trọng của Hàn Quốc, Nhật Bản tỏ ra dè dặt hơn. Dù chưa đưa ra tuyên bố chính thức, nhưng các hãng phát hành và giới làm phim tại Nhật đã bắt đầu bày tỏ lo ngại. Phim Nhật, đặc biệt là anime, có lượng người xem ổn định tại Mỹ, tuy nhiên với mức thuế mới, chi phí phát hành sẽ tăng cao, khiến các nhà phát hành Mỹ do dự khi mua bản quyền phim Nhật.
 |
Phim anime Nhật được nhiều khán giả thị trường điện ảnh Mỹ yêu thích |
Đáng lưu ý, Nhật Bản từ lâu đã là địa điểm quay phim nổi bật của Hollywood, với nhiều phân cảnh nổi tiếng trong Fast & Furious: Tokyo Drift hay Lost in Translation. Nhưng giờ đây, nếu những cảnh quay đó bị tính là “sản xuất ngoài Mỹ”, các nhà làm phim Mỹ có thể tránh Nhật Bản để không phải chịu thuế nhập khẩu, ảnh hưởng đến cả ngành điện ảnh lẫn du lịch Nhật.
Báo chí Nhật Bản cảnh báo chính sách thuế của Mỹ có thể vi phạm nguyên tắc thương mại tự do và tạo ra tiền lệ xấu trong hợp tác văn hóa toàn cầu. Chính phủ Nhật được khuyến nghị cần nhanh chóng làm rõ phạm vi áp dụng thuế để bảo vệ quyền lợi ngành phim trong nước.
Ấn Độ: Tìm cơ hội mới
Không giống các quốc gia Đông Á khác, phản ứng của Ấn Độ bao gồm cả quan ngại và lạc quan. Bollywood, trung tâm sản xuất phim lớn nhất thế giới, từ lâu đã xuất khẩu nhiều phim sang Mỹ để phục vụ cộng đồng kiều bào và khán giả yêu thích điện ảnh Ấn. Tuy nhiên, với chính sách thuế 100%, giá vé sẽ tăng, khiến phim Ấn khó tiếp cận khán giả Mỹ và doanh thu có nguy cơ sụt giảm. Các nhà sản xuất Ấn Độ lo ngại rằng những thành công trước đây như RRR, Dangal sẽ khó lặp lại trong môi trường chính sách mới.
 |
Dangal, một trong những bộ phim Ấn Độ thành công lớn về doanh thu |
Tuy nhiên, một số đạo diễn tên tuổi như Shekhar Kapur lại xem đây là cơ hội để Ấn Độ thu hút dòng vốn Hollywood đang tìm cách né thuế. Nếu các hãng phim Mỹ không muốn bị xem là “sản xuất ngoài nước”, họ có thể lựa chọn đầu tư hoặc hợp tác sâu hơn với Bollywood để tận dụng cơ sở vật chất sẵn có.
Việc này vừa giúp Hollywood tiếp cận thị trường châu Á, vừa mở ra cơ hội mới cho Ấn Độ trong chuỗi sản xuất điện ảnh toàn cầu. Dù chính phủ Ấn Độ chưa lên tiếng chính thức, nhưng các nhà phân tích dự báo nước này có thể tận dụng cơ hội Trung Quốc “đóng cửa” thị trường phim ảnh với Mỹ để trở thành đối tác thay thế. Để đạt được mong muốn này, Ấn Độ cần nhanh chóng đưa ra chính sách ưu đãi rõ ràng và hành lang pháp lý thuận lợi cho hợp tác quốc tế.
Chính sách thuế của Mỹ đang đặt ngành điện ảnh châu Á vào một giai đoạn điều chỉnh quan trọng. Với vai trò vừa là thị trường lớn, vừa là đối tác sản xuất, các quốc gia châu Á không thể đứng ngoài cuộc. Những phản ứng bước đầu cho thấy một xu hướng rõ ràng: đẩy mạnh nội địa hóa, tìm kiếm thị trường thay thế, và tái cấu trúc quan hệ với Hollywood.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra không chỉ là “ai mất bao nhiêu doanh thu”, mà là: điện ảnh châu Á có thể tận dụng cú sốc này để tự chủ và định hình vị thế riêng trên bản đồ điện ảnh thế giới hay không?
Minh Phát