Thị trường điện ảnh Indonesia đã tới thời

17/04/2019 - 10:57

PNO - Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi từ năm 2015, khi Tổng thống Joko Widodo mở cửa, cho phép thành lập công ty sản xuất phim 100% vốn nước ngoài tại Indonesia.

Ra đời từ những năm 1920, thuở ban đầu của điện ảnh Indonesia gặp rất nhiều khó khăn. Sự chiếm đóng của quân đội Nhật thời thế chiến II khiến việc sản xuất phim bị cấm, chỉ những phim được chính phủ cho phép làm mới có cơ hội ra rạp. Kết quả là hầu hết phim Indonesia thời thập niên 1950-1960 đều giáo điều, khô cứng. 

Mãi đến những năm 1980, điện ảnh Indonesia mới có vài phim ghi dấu ấn như Pintar Pintar Bodoh (1982) và Tjoet Nja’Dhien (1988) - phim Indonesia đầu tiên chiếu ở Liên hoan phim Cannes. Nhưng chỉ một thời gian sau, những năm 1990 và đầu những năm 2000, điện ảnh Indonesia lại trở về tình trạng èo uột, vì các quy định hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phim ảnh.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi từ năm 2015, khi Tổng thống Joko Widodo mở cửa, cho phép thành lập công ty sản xuất phim 100% vốn nước ngoài tại Indonesia. Những đơn vị ngoại như Lotte Cinema (Hàn Quốc), Twentieth Century Fox (Mỹ) bắt đầu đổ vốn hợp tác với các nhà làm phim trong nước.

Thi truong dien anh Indonesia da toi thoi
Phim Dilan 1991 (phần 2 của Dilan 1990) thu hơn 2 triệu USD trong 3 ngày chiếu đầu tiên tại quê nhà vào tháng Hai vừa qua, qua mặt cả kỷ lục cũ - 1,79 triệu USD - của “bom tấn” Avengers: Infinity War hồi năm ngoái

Năm ngoái, phim Wiro Sableng 212 do Fox và một hãng phim địa phương đồng sản xuất đã thành công ngoài mong đợi, thu về 3 triệu USD tiền vé. Nhờ sự có mặt của các nhà làm phim nước ngoài, lần đầu tiên, Indonesia có một tác phẩm “đắt tiền” nhất từng sản xuất: phim Foxtrot Six (do nhà sản xuất Mario Kassar - cha đẻ hai phim Hollywood nổi tiếng Terminator, Total Recall cùng làm với đạo diễn Indonesia Randy Korompis) có số vốn tới 5 triệu USD.

Bốn năm kể từ khi mở cửa, thị trường điện ảnh Indonesia phát triển kinh ngạc. Nếu năm 2015 có 16 triệu vé bán ra thì năm 2017, con số này là 42 triệu vé. Số lượng cụm rạp không ngừng gia tăng. Trong 3 năm qua, đã có thêm 600 màn hình mới được đưa vào sử dụng. Hai hệ thống rạp lớn nhất nước lần lượt là Cinema 21 (Singapore) với hơn 1.000 rạp và CGV Cinema (Hàn Quốc) với 321 rạp.

Số rạp tăng kéo theo doanh thu cũng tăng. Nếu năm 2013 chỉ có hai phim nội địa bán được hơn 1 triệu vé thì năm ngoái, có đến 13 phim chạm mốc này. Trong đó, hai phim ăn khách nhất mọi thời tại Indonesia là Warkop DKI Reborn: Jangkrik Boss Part 1 (2016) thu hút 6,8 triệu người xem và Dilan 1990 (2018) có hơn  6,3 triệu người xem. Các chuyên gia ước tính, trong vòng một thập niên tới, số rạp ở Indonesia sẽ tăng từ 1.700 lên 7.500 rạp. Hiện mỗi năm, có hơn 100 phim nội ra rạp, chiếm 40% lượng phim phát hành.

Ngoài việc mở cửa, thị trường điện ảnh Indonesia còn được các hãng nước ngoài, nhất là các đơn vị phát hành phim trực tuyến Hollywood như Netflix, Hulu, Amazon Prime “dòm ngó”, vì đáp ứng tiêu chí mở rộng, đa dạng hóa nội dung châu Á. Hơn nữa, với dân số hơn 260 triệu người - lớn thứ tư thế giới - đây là thị trường tiềm năng cực lớn. 

Quang Huy (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI