Thầy kêu trò bằng “mày” trách sao giáo dục “loạn”

16/10/2019 - 12:06

PNO - Một đồng nghiệp trẻ của tôi vừa bị ban giám hiệu nhắc nhở trước hội đồng sư phạm vì xưng hô không “chuẩn mực” với học sinh. Cậu ấy rất sốc bởi không nghĩ việc thân thiện với học sinh đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

Cậu đồng nghiệp của tôi mới chỉ có ba năm tuổi nghề, lớn hơn học sinh không nhiều nên có thói quen gọi học sinh là: “tụi bây”, “mày”, “mấy người”, thậm chí xưng “tao”. Tuần trước, trong một buổi ngoại khóa ngoài trời, cậu ấy quát học sinh: “Tụi bây ồn ào quá, tao phạt lao động cả lũ”. Câu nói đó lọt vào tai một phụ huynh và sự việc được phản ánh lên ban giám hiệu. 

Thực tế, không ít giáo viên có lối xưng hô khá “suồng sã” với học sinh mà không hề nhận ra mình đang đánh mất hình ảnh người thầy. Học sinh nghe thầy nói lần đầu sẽ thấy sốc và lâu dần các em sẽ tỏ thái độ không tôn trọng. Bằng chứng, nhiều học sinh gọi thầy sau lưng bằng những từ “ổng”, “lão đó”, “bả” một cách hồn nhiên.

Thay keu tro bang “may” trach sao giao duc “loan”
Môi trường giáo dục đòi hỏi người thầy phải mô phạm để làm gương. Ảnh minh họa

Nghề giáo đòi hỏi giáo viên phải mô phạm, gương mẫu, đặc biệt là trong giao tiếp. Thầy cô xưng hô thiếu chuẩn mực thì làm sao làm gương cho học sinh. Trong khi ở lứa tuổi mới lớn, các em bắt chước rất nhanh. Thầy cô hằng ngày vẫn dạy các em phải ngoan, lễ phép mà chính mình lại xưng hô thiếu chuẩn mực thì khác nào “nói một đằng, làm một nẻo”. 

Xưng hô giữa thầy và trò trong nhà trường không chỉ là hoạt động giao tiếp đơn thuần mà còn mang tính giáo dục rất cao. Bởi vậy, nếu thầy cô không thận trọng trong cách xưng hô sẽ để lại hệ lụy khó lường. 

Mặc dù Luật Giáo dục không quy định cụ thể thầy cô phải xưng hô như thế nào, bằng các từ ngữ gì đối với học sinh nhưng có quy định người dạy học phải tôn trọng nhân cách người học. Và sự tôn trọng đó trước hết thể hiện trong việc xưng hô hằng ngày giữa thầy và trò. 

Một số trường hợp giáo viên trẻ, chỉ hơn học sinh vài tuổi lại chọn cách xưng hô “mày - tao” như cậu đồng nghiệp của tôi vì nghĩ sẽ tạo sự thân thiện gần gũi mà không nhận ra đó là cách xưng hô của những người cùng trang lứa, suồng sã, không phù hợp với môi trường giáo dục. 

Dùng cách xưng hô như thế, chính người thầy đã xóa đi ranh giới giữa thầy - trò thì không thể đòi hỏi học sinh tôn trọng mình. Nguồn cơn của những hành vi bạo hành trong nhà trường có thể xuất phát từ những điều tưởng chừng như rất nhỏ ấy. Để có được một môi trường giáo dục tích cực thì không thể xem nhẹ việc xưng hô giữa thầy - trò. 

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI