Thay “chiếc áo cơ chế” rộng hơn để TPHCM tăng tốc phát triển

26/05/2023 - 12:31

PNO - Trong kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận, xem xét thông qua dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo kế hoạch, hôm nay ngày 26/5, đại diện Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết mới này.

Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ cho phép UBND TPHCM đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng (trong ảnh: Dự án tuyến metro số 1 đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành) ẢNH: NGUYỄN VĂN
Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ cho phép UBND TPHCM đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng (trong ảnh: Dự án tuyến metro số 1 đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành) - Ảnh: Nguyễn Văn

TPHCM cần cởi trói về cơ chế, chính sách

Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH về thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 54). Sau 5 năm thực hiện, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đánh giá, nghị quyết này đã tạo một số bước đột phá và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như một số vấn đề trong nước, quốc tế, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế TPHCM tăng trưởng thấp và đối mặt với nhiều khó khăn: nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) rút khỏi thị trường, thu nhập của một bộ phận người dân giảm, sức mua trên thị trường yếu. 

Theo ông Phạm Văn Hòa, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã nhìn thấy được các rào cản để đề xuất với Chính phủ và Quốc hội một cơ chế đặc thù mới, linh động và cởi mở hơn. Ông cho rằng, cần thiết có một nghị quyết mới cho “đầu tàu cả nước” bởi nếu kinh tế TPHCM ì ạch, kém phát triển sẽ ảnh hưởng xấu đến đà phát triển kinh tế của các tỉnh phía Nam và cả nước.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, mức tăng trưởng trung bình của TPHCM trong quý I/2023 rất thấp, gần như thấp nhất cả nước không phải do năng lực lãnh đạo của chính quyền TPHCM và sức bật của người dân và doanh nghiệp mà thể hiện rõ rằng, TPHCM đang bị cơ chế, chính sách trói buộc. Việc có một cơ chế cởi mở để cởi trói cho TPHCM là cần thiết ngay lúc này. Ông phân tích thêm, trước đây, Nghị quyết 54 cho phép UBND TPHCM ban hành một số chính sách, nhưng sau này, có rất nhiều tỉnh, thành cũng được cho cơ chế đặc thù còn thoáng hơn Nghị quyết 54.  

Theo dự thảo nghị quyết trình Quốc hội kỳ này, TPHCM sẽ được hưởng cơ chế đặc thù bao gồm cả một số chính sách đã được ban hành trong Nghị quyết 54, một số chính sách đặc thù đã áp dụng cho các tỉnh, một số chính sách đang được bàn để chỉnh sửa như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét: “Có lẽ những cơ chế, chính sách này không hẳn đặc thù cho TPHCM mà là cho TPHCM một khuôn khổ để hành động nhanh hơn, tháo gỡ sớm hơn những vướng mắc chung”.

Cho rằng cơ chế, chính sách hiện tại giống như chiếc áo đã chật đối với TPHCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) nhận định, thời điểm để đưa ra dự thảo nghị quyết mới là “phù hợp và thuyết phục”.

Nhiều năm qua, tuyến xa lộ Hà Nội qua địa phận TP Thủ Đức đã giải tỏa được áp lực giao thông ở cửa ngõ phía đông TPHCM. Nghị quyết thay thế được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM phát triển nhanh các công trình hạ tầng - ẢNH: NGUYỄN VĂN
Nhiều năm qua, tuyến xa lộ Hà Nội qua địa phận TP Thủ Đức đã giải tỏa được áp lực giao thông ở cửa ngõ phía đông TPHCM. Nghị quyết thay thế được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM phát triển nhanh các công trình hạ tầng - Ảnh: Nguyễn Văn

Phải chú trọng yếu tố con người

Trong các cơ chế, chính sách mới được đề xuất trong dự thảo nghị quyết mới, đại biểu Phạm Văn Hòa quan tâm nhiều tới vấn đề thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). 

Theo đó, chính quyền TPHCM được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành Đai 3 để thu hồi đất, tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị. 

Theo ông Phạm Văn Hòa, với hệ thống hạ tầng giao thông như hiện nay, TPHCM không cách nào có thể phát triển được: “TPHCM là đầu mối giao thương của cả nước nhưng hạ tầng giao thông, đô thị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hạ tầng giao thông phát triển, kết hợp quản lý đô thị, xây dựng khu đô thị mới, tạo quỹ đất công sẽ tạo điều kiện cho TPHCM phát triển nhanh với nhiều công trình mang tầm vóc quốc tế”. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận định, dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình Quốc hội lần này có điểm mới so với Nghị quyết 54 là chú trọng phát huy được tính năng động và tự chủ của TPHCM. Dự thảo nghị quyết mới nghiêng về hướng giao quyền tự chủ nhiều hơn nhằm mang lại hiệu quả khi triển khai cơ chế đặc thù.

Bà nói: “Nếu ban hành cơ chế đặc thù mà vẫn còn nhiều bó buộc thì TPHCM khó có được sự đột phá trong thời gian tới. Do đó, đi đôi với việc trao quyền tự chủ nhiều hơn, dự thảo nghị quyết cũng đã có những yêu cầu ràng buộc nhất định để TPHCM phát huy được hiệu quả cơ chế, chính sách riêng nhưng vẫn đảm bảo được các quy định pháp luật”.

Bà Việt Nga nêu mong muốn, các đại biểu Quốc hội sẽ cùng bàn kỹ để khắc phục được các vấn đề chưa hiệu quả trong Nghị quyết 54 mà UBND TPHCM đã triển khai. Trong đó, nếu được ban hành cơ chế mới, TPHCM phải chú trọng tới nhân tố con người: “Cơ chế, chính sách chỉ là một yếu tố. Có nhiều chính sách ban hành ra đúng nhưng lại không đi được vào đời sống và phát huy hiệu quả. Do đó, TPHCM phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt cơ chế đặc thù. Chắc chắn UBND TPHCM đã có phương án cho mình về vấn đề nhân lực”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đồng tình rằng, để triển khai, thực hiện chính sách mới hiệu quả, vấn đề cốt lõi, trọng tâm và căn cơ nhất chính là con người: “Nếu con người chùn, không quyết đoán, không dám nghĩ, dám làm hoặc chỉ làm cầm chừng thì không thể có đột phá, phát triển. Tôi tin rằng, TPHCM với đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sẽ tạo ra bước đột phá”. 

Cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc A tiếp dân ngoài giờ hành chính. Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tiếp tục đề xuất cho phép HĐND, UBND TPHCM tự quyết về cơ cấu, số lượng cán bộ cấp xã, phường - ẢNH: SƠN VINH
Cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc A tiếp dân ngoài giờ hành chính. Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tiếp tục đề xuất cho phép HĐND, UBND TPHCM tự quyết về cơ cấu, số lượng cán bộ cấp xã, phường - Ảnh: Sơn Vinh

Tôi muốn TPHCM có nhiều cơ chế đột phá hơn

TPHCM là thành phố đặc trưng bởi sự sáng tạo, luôn nghĩ tới cái mới. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chúng ta rất cần tìm một nơi nào đó thực sự năng động, cho người ta khuôn khổ pháp lý để phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo. 

Nếu TPHCM có cơ chế để đột phá hơn nữa, vượt ra khỏi những nội dung đang bàn thì có thể tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt hơn. Hiện nay, các tỉnh thường đi xin làm cái này, cái kia. Chúng ta hãy cho họ một cơ chế để không cần xin nữa, một cơ chế mà họ có thể tự quyết, tự làm. Ví như, họ không cần xin được đầu tư theo hình thức BT mà thấy hình thức này hợp lý thì sẽ quyết định làm, thậm chí không phải BT mà là một hình thức nào đó phù hợp hơn. 

Hãy cho TPHCM làm những điều mà luật chưa quy định, giống như Quốc hội đã có Nghị quyết 30/2021/QH15 để quyết nghị các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, giao Chính phủ toàn quyền tự quyết. Những gì đã có trong quy định thì Chính phủ được quyết. Những gì trái với quy định, Chính phủ chỉ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm. Tuy nhiên, khi thực hiện, phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, giải trình. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội)

Tháo gỡ điểm nghẽn để hoạt động văn hóa sôi động hơn

Các cơ chế, chính sách, pháp luật có thể đúng ở phạm vi chung nhưng có một số lại không phù hợp, trở thành điểm nghẽn đối với một thành phố năng động, đầu tàu như TPHCM. 

Thời gian qua, hoạt động văn hóa của TPHCM gặp nhiều khó khăn. Luật về đối tác công tư, luật về quản lý, sử dụng tài sản công đang gây ra vướng mắc cho thiết chế văn hóa. Các thiết chế văn hóa có nhiều đặc thù riêng. Điển hình như các trung tâm văn hóa, thư viện, bảo tàng thường sử dụng quỹ đất rộng, ở vị trí trung tâm nên việc định giá đất vô cùng khó khăn. Nếu định giá đất quá cao thì khó để liên doanh, liên kết. Định giá các sản phẩm văn hóa, thương hiệu của hãng phim cũng gặp nhiều vướng mắc, thậm chí là bế tắc. 

Đó là lý do tại sao cần tháo gỡ các vướng mắc này để hoạt động văn hóa ở TPHCM trở nên sôi động hơn, phù hợp hơn với vị thế của thành phố. Từ đó, TPHCM có thể trở thành tấm gương, kinh nghiệm cho cả nước. 

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, 
Giáo dục của Quốc hội

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI