Tháng 3: CPI cả nước giảm 0,19% vì tiêu dùng thấp

23/03/2013 - 16:37

PNO - Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng Ba đã giảm nhẹ so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế giảm. Đây là mức giảm CPI của tháng Ba lặp lại kể từ lần...

Thang 3: CPI ca nuoc giam 0,19% vi tieu dung thap

Siêu thị Big C phân phối nhiều hàng hóa sản xuất trong nước. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Cụ thể, CPI tháng Ba giảm 0,19% so với tháng trước nhưng so với tháng Ba 2012 thì vẫn tăng 6,64%. Với mức giảm nhẹ này, CPI ba tháng qua chỉ tăng 2,39% so với tháng 12/2012 và tăng 6,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.

CPI tháng 3 giảm ở 4/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức giảm từ 0,05-0,53%; trong đó giảm sâu nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và giảm nhẹ nhất là nhóm bưu chính viễn thông. Hai nhóm giảm khác là Đồ uống-Thuốc lá và Giao thông.

Lý giải về mức giảm này, Vụ Thống kê Giá thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, CPI giảm là do sau Tết Nguyên đán nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ của người dân đã giảm trong khi kinh tế trong nước phục hồi chậm, còn doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn xử lý hàng tồn kho. Bên cạnh đó, với thực tế là sản xuất vẫn khó khăn, nhiều người lao động bị thiếu việc làm hoặc phải chuyển sang những việc làm phụ dẫn đến thu nhập bị giảm sút nên nhu cầu tiêu dùng của bộ phận người dân sụt giảm hơn so với trước trong khi giá cả hàng tiêu dùng hiện đã ở mặt bằng giá khá cao.

Đặc biệt, việc giá lương thực (nhóm hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của người dân) đã giảm mạnh tới 0,59% so với tháng Hai đã khiến cho CPI chung giảm nhẹ.

Theo Tổng cục Thống kê, hiện giá gạo thế giới đang sụt giảm do nhu cầu chưa cao khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bị giảm từ 10-20 USD/tấn trong khi nguồn cung trong nước dồi dào do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ Thu Đông với năng suất khá cao. Hiện, giá lúa gạo bán lẻ tại Đồng bằng sông Cửu đã giảm từ 500-1.000 đồng/kg.

Cùng diễn biến với giá lương thực, giá thực phẩm cũng đã “hạ nhiệt” tới 0,95% do nhu cầu tiêu dùng đã trở lại bình thường sau Tết Nguyên Đán. Cụ thể, giá thịt lợn giảm hơn 3%, giá thịt gia cầm tươi sống giảm hơn 1,4%, giá thịt chế biến giảm 0,75%; giá trứng các loại giảm trên 3%. Giá rau tươi cũng giảm trên 3% do sản lượng thu hoạch nhiều.

Cũng trong tháng, nhóm giao thông đã có mức giảm 0,25% nhờ chính sách bình ổn giá xăng dầu của Chính phủ cũng như việc giảm cước phí vận tải hàng hóa của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và giảm vé hành khách của nhiều doanh nghiệp vận tải khác.

Ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng: lạm phát hạ nhiệt là do cả cung và cầu đều yếu khi Chính phủ tiếp tục ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát với việc thực thi chính sách tài chính và tiền tệ thận trọng. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán (M2) năm 2012 tăng 22,4% so với năm 2011 nhưng đến cuối tháng 2/2013, M2 chỉ tăng khoảng 3,3% so với tháng 12/2012. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cũng sụt giảm mạnh khi kết thúc hai tháng, con số này là âm 0,16% so với tháng 12/2012.

Đặc biệt, trong quý I này, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng thấp tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2012 khi khó khăn chung của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện rõ rệt.Vì vậy, đứng ở góc độ vĩ mô, lạm phát hạ nhiệt là do cung-cầu đều yếu.

Trong tháng Ba, giá vàng giảm mạnh do tác động từ giá vàng thế giới cũng như nhờ chính sách quản lý vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước phát huy tác dụng. Giá vàng tháng Ba trên thị trường đã giảm 0,73%. Trong khi đó, giá USD lại tăng 0,41%. Chốt lại quý I/2013, giá vàng trong nước đã giảm sâu tới 0,8% và giá USD giảm 0,05% so với bình quân cùng kỳ 2012./.

Theo TTXVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI