Tết Nguyên tiêu ở Hội An là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

05/02/2023 - 12:49

PNO - Sáng ngày 5/2/2023 nhằm ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão, Hội An tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Nguyên tiêu.

Sự kiện diễn ra tại di tích đình Hội An (số 27 Lê Lợi) với hơn 200 đại biểu đến từ Trung ương, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An cùng đông đảo người dân và du khách.

Đoàn diễu hành chào mừng Tết Nguyên  tiêu Hội An được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đi quanh các tuyến phố...
Đoàn diễu hành chào mừng tết Nguyên tiêu Hội An được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đi quanh các tuyến phố...

Ngày 02/02/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định công nhận Tết Nguyên Tiêu tại Hội An là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tết Nguyên tiêu (tết Thượng nguyên) diễn ra vào rằm tháng Giêng, sau tết Nguyên đán. Tết Nguyên tiêu ở Hội An hình thành trên cơ sở văn hóa bản địa, và có sự giao thoa Nhật Bản, Trung Hoa trong lịch sử. Theo tục lệ, vào mùa xuân sau những ngày Tết Nguyên đán, người dân Hội An lại rộn ràng chuẩn bị cho lễ tết Nguyên tiêu.

Tết Nguyên tiêu tại Hội An trong những năm qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Vào ngày này hằng năm, các Hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông, chùa Ông tại Hội An từ lúc 3 giờ sáng đã có người xếp hàng đông đúc chờ đến lượt mua vé vào dâng hoa quả, lễ lạt để cúng kiếng, xin xăm quẻ và cầu mong một năm mới an lành. 

Các vị lãnh đạo thành phố Hội An có mặt trong lễ diễu hành...
Các vị lãnh đạo thành phố Hội An có mặt trong lễ diễu hành...

Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An, từ mùng 4 đến 16 âm lịch, số lượng du khách mua vé thăm quan phố cổ, vé xuân tại các Hội quán tăng cao. Bình quân số vé xuân xuất phát hành lên đến hơn 10.000 trong dịp xuân.  

Du khách xếp hàng vào thắp hương đầu năm cầu bình an tại các di tích...
Du khách xếp hàng vào thắp hương đầu năm cầu bình an tại các di tích...

Lễ cúng Nguyên tiêu tại các hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, chùa Ông, chùa Bà và chùa Cầu thường diễn ra trong ngày 15 hoặc 16 âm lịch tháng Giêng với nhiều hoạt động tâm linh mang ý nghĩa thiết thực. Khu vực phố đi bộ và xe không động cơ mở rộng ra các tuyến đường Nguyễn Huệ, Trần Quý Cáp, Tiểu La.

Ngoài ra, còn có các sự kiện văn hóa khác như tổ chức diễn xướng tuồng, vẽ mặt nạ trên gốm, trò chơi dân gian bài chòi tại đình Hội An (27 Lê Lợi), đêm thơ Nguyên tiêu tại đình Cẩm Phô (52 Nguyễn Thị Minh Khai)…

Trong dịp này, nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị đã mang đến những trải nghiệm đặc biệt về văn hóa, du lịch trong lòng du khách muôn nơi khi đến Hội An. 

Tết Nguyên tiêu tại Hội An hình thành từ lâu, trong quá trình tiếp biến và gạn lọc văn hóa khi Hội An là một thương cảng quốc tế, nơi diễn ra giao lưu Đông - Tây. Cho đến nay, các thế hệ người Hội An vẫn kế thừa, tiếp nối và duy trì. 

Ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An nhận bằng Tết Nguyên tiêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An nhận bằng tết Nguyên tiêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chính vì những lẽ đó, lễ hội tết Nguyên tiêu Hội An đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là dịp tôn vinh giá trị nổi bật của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của các chủ thể trong việc bảo tồn di sản thời gian qua, cũng như cố gắng của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và đệ trình công nhận di sản. 

Thực tiễn này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An. Qua đó, nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của cộng đồng cư dân trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, tạo sự gắn kết cộng đồng, các chủ thể trong việc bảo tồn và phát huy lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An trong thời gian tới.

 Huỳnh Kim Hoa

Ảnh: Di sản Hội An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI