Học làm món chay để hiểu văn hóa Việt

05/02/2023 - 07:46

PNO - "Thanh tịnh mâm cỗ Việt" không chỉ giới thiệu công thức chế biến 30 món chay, mà còn cung cấp cho người đọc góc nhìn đa chiều về nền ẩm thực Việt.

Xưa nay, kỵ giỗ là truyền thống rất được coi trọng của mọi gia đình người Việt, bất luận là y quan vọng tộc hay bá tánh dân dã.

Vào những dịp này, bao bộn bề đời thường của mỗi người đều tạm thời gác lại để thành tâm hướng về nguồn cội, cùng nhau hào soạn mâm cỗ cúng bình an dâng lên ông bà tổ tiên.

Thanh tịnh mâm cỗ Việt giới thiệu những món chay, mâm cỗ chay do
Thanh tịnh mâm cỗ Việt giới thiệu những món chay, mâm cỗ chay do Phương Nam Book phát hành

Nếu như người Tây phương đề cao sinh nhật, thì người Á Đông lại xem trọng ngày mất, hay còn gọi là ngày húy kỵ. Trong những dịp này, các thành viên gia đình thường tề tựu lại và nấu những món ăn đặc biệt, làm thành mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên.

Mâm cỗ cúng dù chay hay mặn đều nhằm thể hiện tấm lòng tưởng nhớ của con cháu đến các bậc tiên hiền, và cũng là cách nhắc nhở các thế hệ đời sau không quên cội nguồn.

Mâm cỗ mặn của người Việt xưa mang ý nghĩa văn hóa làng xã, còn mâm cỗ chay có từ bao giờ thì không thấy tài liệu nào nói rõ, chỉ biết là từ khi đạo Phật du nhập vào xứ ta, thì cũng là lúc người nước ta biết ăn chay.

Theo sử sách ghi lại, thế kỷ XII - XIII là thời kỳ Phật giáo cực thịnh, các vua nhà Trần cũng thường có lệ ăn chay. Hay như theo lời kể của các cựu thần, thì trước khi làm lễ tế Giao, các vua nhà Nguyễn phải vào trai cung tĩnh thân ba ngày, xa rời tửu sắc và ăn chay để thân tâm thanh sạch, cầu cho quốc thái dân an.

Hai nguồn tài liệu Đại Nam thực lụcKhâm Định Đại Nam Hội Điển sự lệ còn cho biết, trong yến tiệc cung đình Huế xưa, ngoài cỗ tế lớn gồm 161 phẩm vị, cỗ trân tu 50 phẩm vị, cỗ ngọc soạn 30 phẩm vị, còn có mâm cỗ chay hạng nhất 25 món và mâm cỗ chay hạng nhì 20 món.

Cỗ chay hay cỗ mặn là tùy quan niệm, truyền thống của mỗi gia đình. Tuy nhiên, ngoài mâm cỗ chay tại chùa, thì hầu hết các gia đình Phật tử cũng thường thể hiện tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua những món cúng chay. 

Từ phương Nam, qua miền Trung rồi ra phương Bắc, mỗi miền đất nước lại có một phong vị ẩm thực riêng, trong đó bao gồm cả mâm cỗ chay. Và từ những món chay truyền thống, tư duy tiếp biến làm mới cách chế biến, trang trí, phong vị sao cho phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của mọi giới, mọi lứa tuổi và mọi thành phần thực khách... là một yêu cầu thiết yếu trong thời điểm đất nước hội nhập và phát triển ngày nay.

Ra mắt nhân rằm tháng Giêng - thời điểm ăn chay của đa số người Việt - Thanh tịnh mâm cỗ Việt của 2 chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh và Nguyễn Hồ Tiếu Anh có mục đích đầu tiên là giới thiệu với thực khách gần xa di sản văn hóa vật chất của một dân tộc, một địa phương, mà ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đã thấm sâu. Đây cũng đồng thời là một cách báo ân với tiền nhân dòng tộc, vì đã để lại cho hậu sinh một di sản văn hóa ẩm thực chay vô cùng giá trị.

Thế nên, nói học làm món chay cũng là học về văn hóa Việt, là như vậy!

Không chỉ thế, Thanh tịnh mâm cỗ Việt còn gói ghém bao kỷ niệm quyến luyến của tác giả bên cha mẹ anh em, cùng những bài học vỡ lòng về cách đơm cơm rót nước, cách sắp xếp chỉnh trang mâm cỗ cúng theo lối “quân-thần-tả-sứ” sao cho thật nghiêm ngắn, trang trọng…

Ngọc Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI