Tên anh khắc vào đá núi

27/07/2022 - 13:06

PNO - Mỗi bài viết tham gia cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ là một câu chuyện, một ký ức, một chân dung về người lính/Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) khiến người đọc cay mắt.

“Ngày 2/8/1966, tại Khe Hương, Tân Thuận, Sơn Tân, Quế Sơn (nay là xã Hiệp Thuận, H.Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam), một trận bom của địch bất ngờ đánh trúng vào vị trí đóng quân của Bệnh xá 33, Sư đoàn 2. Tất cả 52 y bác sĩ, hộ lý, nhân viên phục vụ và thương binh đang có mặt trong lán hy sinh…” - trích bài viết Tên anh khắc vào đá núi của tác giả Quế Hà. Bài viết tham dự cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ (do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM và tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức). 

Ngày ấy, các liệt sĩ được đồng đội chôn cất trên ngọn đồi gần nơi đơn vị đóng quân. “Đồng đội cẩn thận chọn các viên đá to, bằng phẳng, đục, khắc tên các liệt sĩ trên những viên đá, một số tên liệt sĩ được ghi tên, bỏ vào trong lọ penicillin. Nơi an nghỉ của các liệt sĩ được đặt những viên đá bên mộ để làm dấu…”. Nhưng cũng còn rất nhiều liệt sĩ trong trận bom năm ấy đến nay vẫn chưa xác định được tên tuổi, quê quán, đơn vị.

Những hòn đá núi khắc tên các liệt sĩ đã hy sinh  ở Quảng Nam - ẢNH: HỘI NHÀ VĂN TP.HCM
Những hòn đá núi khắc tên các liệt sĩ đã hy sinh ở Quảng Nam - Ảnh: Hội Nhà văn TP.HCM
 

Gần nửa thế kỷ trôi qua, vẫn còn biết bao hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy trên những cánh rừng, chưa được trả lại tên. Nỗi đau của các gia đình vẫn còn đó. Còn những người cựu chiến binh (CCB), họ vẫn lặng lẽ trong hành trình đi tìm đồng đội đã mất của mình. Như CCB Đào Văn Quân (Hà Nam) vẫn từng ngày đi tìm mộ đồng đội trên chiếc xe đạp cũ. CCB Nguyễn Tiến Đãi đi khắp mọi miền đất nước tìm hài cốt đồng đội… (Họ là các nhân vật trong bài viết tham dự cuộc vận động về đề tài thương binh liệt sĩ).

20/45 bài tham gia cuộc vận động đã được đăng trên tạp chí Văn nghệ TP.HCM. Mỗi bài viết là một câu chuyện, một ký ức, một chân dung về người lính/Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) khiến người đọc cay mắt. Hơn cả một tượng đài (nhà văn Nguyễn Minh Ngọc) viết về Mẹ VNAH - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành, Anh hùng nơi làng quê (tác giả Vũ Đảm), viết về lương y Đào Viết Thoàn từng là lính tăng thuộc Lữ đoàn 408 Quân khu 3, Người mẹ ở cồn Bình Hưng (tác giả Phạm Thị Toán), viết về Mẹ VNAH Lữ Thị Thôi…

Trong bài viết Nơi bạn tôi nằm lại, đại tá - nhà văn, nhà báo Trần Thế Tuyển kể về mùa hè năm 1972 đến tháng 4/1975, đơn vị ông đã không biết bao lần “quần nhau với giặc” để đánh vào Chi khu Long Khốt (trên địa bàn tỉnh Long An). Và đồng đội ông biết bao người đã ngã xuống. Đền thờ liệt sĩ trong khu di tích lịch sử quốc gia Long Khốt bây giờ, trên bức tường đá hoa cương là tên của hơn 4.000 liệt sĩ… “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc / Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia” - câu thơ ông viết được khắc trên những quả chuông đồng, hoành phi nơi thờ tự và ghi danh liệt sĩ. 

Làm sao viết hết, kể hết những câu chuyện từ chiến trường, và làm sao có thể tìm thấy hài cốt liệt sĩ, trả lại tên cho các anh. Đó luôn là trăn trở của bao CCB - những người lính trở về và suốt bao năm vẫn đau đáu đi tìm đồng đội. Cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ cũng là một cuộc “đền ơn đáp nghĩa” của thế hệ sau, để cùng tưởng nhớ và tri ân những người anh hùng đã ngã xuống vì đất nước… 

Cầm Thi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI