Tặng người từ gốc tới ngọn

13/09/2020 - 19:49

PNO - Hầu như mỗi ngày, bạn đều thưởng thức các món ăn chế biến từ rau củ quả. Nhưng bạn sẽ không nhận ra, thiên nhiên đã tặng chúng ta một số loài cây trái trọn vẹn “từ gốc tới ngọn”. Từ lá, hoa tới quả, củ đều hữu dụng, mà nhiều khi bạn vô tình chẳng nhớ tới. Thử điểm mặt một vài loại cây thân thiết xung quanh nhé!

1. Sen

Với người Việt mình mà nói, sen là quốc hoa. Sen hồng, sen trắng vươn cao giữa đầm, bạt ngàn giữa gió và nước, thành những bức tranh thủy mặc đầy quyến dụ. Bao nhiêu thiếu nữ, lứa đôi nô nức chụp hình với sen. Hoa sen thanh cao nhưng không xa cách, gần gũi với thế giới tâm linh của người dân. Thế nhưng, không phải ai cũng nhớ những “tận hiến” mà sen mang lại. Từ lá sen gói cốm, làm “vỏ” cho món cơm hấp hạt sen, nhụy sen ướp trà, ngó sen làm gỏi, củ sen hầm hay nấu chè. Đài sen non là thứ quà vặt lành sạch, sen già dùng để chế biến vô số món. Sen khô, sen sấy… đi đâu mà chẳng thấy sự góp mặt của sen?

Các đầu bếp thường dùng ngó sen để xào hoặc muối chua trộn gỏi. Bạn từng ăn cơm chiên lá sen rồi chứ? Chè hạt sen? Gỏi ngó sen tôm thịt? Uống ly trà sen dìu dịu thanh nhã? Mở một gói cốm tươi được gói trong lá sen, cột bên ngoài bằng một sợi lúa còn có cả bông, rất dân gian mà điệu đà… Tim sen, chính là cái “nhân” màu xanh nằm giữa hạt sen, được tỉ mẩn lấy ra, tạo thành thứ thức uống đăng đắng, một vị thuốc an thần dễ ngủ tự nhiên. 

Củ sen là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và có ích cho sức khỏe, nhất là với chị em phụ nữ. Theo Đông y, củ sen có vị ngọt, tính mát, tác dụng cầm máu, lợi tiểu, an thần, bổ thận... Củ sen được chia làm hai loại là 7 lỗ và 9 lỗ, tuy nhiên rất ít người để ý điều này. Hai loại củ sen có hương vị khác biệt và thích hợp để nấu thành các món ăn khác nhau. Để phân biệt hai loại củ sen, cần quan sát bề mặt bên ngoài của chúng. Với củ sen có 7 lỗ, bề ngoài của chúng trông rất thô, ngắn trong khi phần thân lại dày, to nên dễ phân biệt. Củ sen 7 lỗ mềm hơn củ sen 9 lỗ nên thường phù hợp để chế biến các món hầm, canh, xúp. Nguyên liệu tuyệt hảo đi kèm thường là thịt gà, xương heo, đuôi heo… Củ sen 9 lỗ thì mỏng và dài hơn. Nó cũng giòn hơn củ sen 7 lỗ nên có thể dùng làm nguyên liệu để chế biến các món salad, chiên giòn, muối chua, xào...

Đọt sen non, dạo sau này thường xuất hiện kèm với món cá lóc nướng trui, tạo thành món đặc sản miệt vườn sông nước vô cùng hấp dẫn. Tưởng tượng xem, giữa một trảng sen lộng gió thoang thoảng hương đưa, được thưởng thức món cá lóc đồng nóng hổi cuốn đọt sen non, nhân nhẩn đắng nhưng hậu ngọt, thì còn gì lý thú bằng.

2. Bí đỏ

Loại bí này còn có tên gọi khác là bí ngô, bí rợ. Nhớ hồi xưa, nhà tôi ở giữa mảnh vườn be bé, quanh năm có một vồng bí đỏ. Loài cây này ưa nắng, ngại nước, tương đối dễ trồng. Hạt nảy mầm, thành cây, là mỗi ngày vươn ngọn lớn nhanh trông thấy, rồi tẻ ngọn bò lan, lá to dễ chịu, không kén chọn đất cát.

Mùa đơm hoa, ngắt bông bí đực mang luộc sơ chấm nước cá, thưởng thức cái vị giòn ngọt tan nơi đầu lưỡi. Siêng hơn, thì mang bông bí nhồi thịt, dồn chả cá thác lác, chiên giòn chấm với tương ớt, ăn đổi bữa, lạ miệng. Ngày bí đậu quả, hái bớt mấy trái đèo quả sâu để dưỡng cây, dưỡng trái. Mớ bí non xào tỏi ấy, giờ thành đặc sản của nhà hàng trên phố. Gọi một đĩa bí non xào, bạn phải trả cái giá bằng nguyên cây bí.

Trái bí “trọng trọng” chút, đem gọt vỏ hoặc không gọt tùy ý, moi ruột, cắt gần cuống trên làm nắp, rồi dồn thịt xay ướp hành tiêu hoặc bỏ vào đó hạt sen, xương đuôi, làm thành một món bồi bổ đượm chút cầu kỳ, sau đó thả vô nồi nước dùng hoặc nước sôi hầm mươi phút. Nếu ta chưng cách thủy cũng vẫn ngon như thường. Đây có lẽ là món ăn “sang chảnh” nhất được chế biến từ bí đỏ.
Bí đỏ để dành được lâu, thường cất nơi góc bếp ăn dần. Chỉ cần tí mỡ thôi là có tô canh bí đậu phộng béo ngon. Hay vắt chén nước cốt dừa mang hầm bí rợ, nêm vừa đường vừa muối, vừa ngọt vừa mặn, ngon lạ kỳ. Gặp mùa gạo mới nếp mới đậu xanh mới, gọt vỏ chút bí ngô cùng nấu nồi cháo dẻo nhẹo…

Nói chung, người ta ăn bí không từ một cái gì. Ăn từ lúc cây đâm chồi vươn mình tìm ánh sáng mặt trời, đến lúc e ấp bung những bông hoa đầu tiên hay oằn mình kết trái. Quả già trái non gì cũng chẳng tha. Hạt bí để làm gì thì bạn cũng biết rồi đấy! Cẩn thận rửa sạch mớ hạt bí, rải lên trên cái rổ tre, mang phơi ngoài sân. Qua một cơn nắng tốt, là có thể mang vào rang trên chảo gang bếp củi sau nhà. Mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, ấm áp. Mỗi quả bí ngô chỉ cho đâu chừng nửa chén hạt. Thời đó chưa có hạt bí bán phổ biến như bây giờ, nên hạt bí rang là cả một bầu trời thơ ấu của bọn trẻ con “cái gì cũng thèm”.

Bây giờ, bí đỏ có nhiều giống khác nhau như bí đỏ cao sản, bí đỏ trái dài, bí đỏ hồ lô, bí đỏ Nhật, bí đỏ khổng lồ… Chẳng phải chỉ đơn thuần là bí đỏ tròn vo to chừng năm bảy ký như thuở đó. Nhiều giống bí bé xinh màu sắc thật đẹp, chỉ ngắm thôi đã phải lòng. Bước qua cái chức năng chính là để ăn, bí trở thành vật trang trí cho những lễ hội ngoại nhập như Halloween, bày biện làm điểm nhấn cho góc bếp nhà phố, trên bàn ăn hàng quán sang trọng. Nhưng dẫu thế nào thì bí đỏ vẫn làm tròn trách nhiệm của một loại cây trồng bình dân, thơm thảo, dâng tặng cho người vô số món ăn ngon lành bổ dưỡng.

3. Chuối

Bạn thử ngó xem, có vùng miền nào trên đất nước lại không thấy mặt quả chuối? Từ chuối già, chuối sứ, chuối tiêu, chuối lá, chuối chà bột, chuối sáp, chuối lửa, chuối cau, chuối mốc… dòng họ nhà chuối mới đa dạng phong phú làm sao. Chuối chín ăn tươi, chuối hườm hườm thì tha hồ biến tấu. Dọc lối về miền tây, món chuối nướng thuần vị nhất là xẻ một đường dọc theo vỏ chuối, lột ra đặt lên bếp than, đợi vàng đều nóng hổi thì gói trong chính cái vỏ chuối cũ, cắn một miếng dẻo quẹo khó quên. Chuối chín là nguyên liệu của nhiều món chè chuối, kem chuối, bánh chuối hấp, bánh chuối nướng, chuối xào dừa… Chuối xanh mang nấu ốc, nấu lẩu trâu, nấu ba ba, xắt mỏng thành chuối chát ăn chung với khế chua, rau sống rất ngon và “bén”.

Lá chuối tươi lẫn khô được dùng để gói hằng hà món bánh trái dân dã. Có lẽ, đây là thứ lá tiện dụng nhất, phổ biến nhất, bình dân nhất, “quen mặt” nhất. Hoa chuối, còn gọi là bắp chuối, bào mỏng trộn với đậu phộng rang, làm thành món gỏi ăn sống hoặc nấu canh chua, làm rau ghém ăn kèm bún bò bún mắm bún riêu. Dây chuối (là bẹ chuối đã khô) tận dụng làm dây cột cua, gói bánh, bó giò… ở nhiều địa phương. Thân chuối non cũng được xắt mỏng, ngâm nước vắt chanh cho trắng trẻo, trộn gỏi gà rau răm thật bá cháy. Dân gian còn giã kỹ đọt lá chuối non, đắp lên vết thương nhỏ để cầm máu.

Không nhiều người biết rằng củ chuối cũng ăn được. Hồi thiếu thốn, củ chuối (phần thân chuối nằm ở dưới đất) được đào lên, luộc hay nấu. Ngon nhất là giò heo giả cầy, nấu với củ chuối và cơm mẻ, nêm thêm riềng sả, đúng là đặc sản “quên sầu”. 
Có làng quê nông thôn nào mà vắng bóng cây chuối?
Giờ bạn tin chưa, là bà mẹ thiên nhiên diệu kỳ, rộng rãi và đáng yêu vô cùng. 

Hoàng My
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI