Tấm huân chương của dì Rồi

21/12/2020 - 07:18

PNO - Chuyện dì Rồi chờ đợi tấm huân chương cũng được UBND TPHCM yêu cầu UBND quận 2 sớm giải quyết dứt điểm.

Dì Ngô Thị Rồi năm nay 77 tuổi, ngụ ở khu phố 2, phường Cát Lái, quận 2, TPHCM. Tuổi cao, mấy năm nay dì Rồi ít ra đường, vui sống trong vòng tay con cháu. Nhưng lần nào có dịp đi ra đường, dì đều có cảm giác choáng ngợp trước tốc độ đổi thay. 

Từ tháng 6/2020, dì Rồi mới nhận quyết định trợ cấp hằng tháng đối với người có công giúp đỡ cách mạng
Từ tháng 6/2020, dì Rồi mới nhận quyết định trợ cấp hằng tháng đối với người có công giúp đỡ cách mạng.

Con đường Lê Đình Quản dẫn từ nhà dì ra bờ sông gần Cảng Cát Lái, giờ bê tông thẳng tắp, dân cư đông đúc, nhà cao tầng mọc san sát. Hồi đó, cũng quãng đường này, quạnh vắng vô cùng. Sự quạnh vắng ít nhiều bảo bọc dì trong vai một người dân lầm lũi sống, sớm tối ra bờ sông mưu sinh và thực thi nhiệm vụ.

Bản tự khai của dì Rồi chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Từ năm 1962 đến năm 1969, tôi là cơ sở tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, tải thương cho bộ đội địa phương và nuôi giấu cán bộ hoạt động tại nhà”. Thông tin ít ỏi không nói hết gan dạ của người phụ nữ nông dân giữ vai trò cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch trong cuộc chiến năm xưa.

Quãng đó, vợ chồng dì Rồi đi đóng đáy mưu sinh. Nương vào công việc, hằng đêm, dì quẩy quang gánh đã giấu sẵn nhu yếu phẩm, mền, võng ra bờ sông, tiếp tế cho bộ đội. Đưa bộ đội hoạt động ngay trong dân, đang bị thương ra căn cứ cho lực lượng chữa trị. “Pháo đạn nổ liên hồi trên đầu mà dì đâu có sợ. Lòng dạ chỉ mong sao mau đến ngày chiến thắng” - dì Rồi hồi tưởng.

Vợ chồng dì Rồi hoạt động bí mật, người trong gia đình cũng không hay. Đêm đó, sau mấy ngày nước cạn, dì nghỉ ở nhà. Chừng 2 giờ sáng, bộ đội về gọi cửa. Nghe được giọng quen, dì vừa mở cửa thì lập tức được trao tay một bó truyền đơn. Mẹ chồng trở mình, hay chuyện. Bà sợ hãi dặn dì Rồi mang đốt. Cuộc tâm tình giữa mẹ con diễn ra ngay sau đó. Người mẹ thương các con, lo lắng cho chín đứa cháu nếu có gì bất trắc.

Dì Rồi thủ thỉ, quãng còn con gái sống ở xã An Phú (quận 2), dì mấy lần bị địch bắt vì làm trưởng ban chấp hành phụ nữ xã, tổ chức gom quân nhu, yếu phẩm cung cấp cho lực lượng. Sau đó, là đào hầm nuôi giấu cán bộ ngay trong nhà. “Tất cả cho cuộc chiến” - dì kết. Mẹ chồng thở dài, thương, nể nhưng không ngớt nỗi lo lắng cho con. Liên tục mấy ngày sau đó, dì Rồi giấu truyền đơn trong người, lựa lúc vắng người mang đi rải. 

Sau tám năm vợ chồng dì Rồi âm thầm làm cánh tay nối dài cho lực lượng thì Sài Gòn giải phóng. Bấy giờ, chính quyền kêu gọi thực hiện các thủ tục kê khai thành tích để báo công với cách mạng. Nhưng con cái đang lớn, vợ chồng dì Rồi bận bịu chuyển đổi nghề sang trồng lúa, không để tâm hoàn thành. “Hồi đó dì nghĩ đơn giản, mong giải phóng để tự do làm ăn, sinh sống. Không còn phải chui nhủi trốn bom đạn nên khi có tự do là mừng không kể xiết. Rồi lo tái thiết cuộc sống chứ đâu nghĩ phải báo công làm gì. Hơn nữa, dì cũng chứng kiến biết bao người ngã xuống, mình an toàn đi qua chiến tranh là may mắn biết nhường nào” - dì Rồi tâm sự.

Mãi cho đến năm 1997, con trai dì bị tai nạn phải chuyển lên điều trị tại một bệnh viện ở Sài Gòn. Vài ngày một lần, bác sĩ gặp từng thân nhân bệnh nhân, hỏi có người nào thuộc gia đình cách mạng, để được miễn viện phí. Dì về nói với chồng, rủi may đời người biết đâu được. Thêm cô Hai Nhỏ (bà Phan Thị Hai, sau giải phóng giữ các chức vụ: Phó chủ tịch Hội LHPN quận 9, Bí thư xã An Phú…) năm xưa sống trong nhà dì để hoạt động cách mạng, thúc giục, giúp đỡ giấy tờ, dì mới làm hồ sơ nộp cho Nhà nước. Đó là năm 2000.

Mười ba năm sau, có người quen đến chơi, hỏi dì có công với cách mạng, thành tích đó là được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến. Dì Rồi ngớ người.

Người quen ấy giúp dì gửi đơn lên Ban Thi đua Khen thưởng của thành phố, được trả lời Huân chương kháng chiến hạng Ba đã gửi về UBND quận 2 từ năm 2000. Người quen đưa dì trở về Phòng Nội vụ của quận, phát hiện tấm huân chương còn ở đây. Nguyên nhân được giải thích là do thông tin bị sai họ - từ Ngô thành Nguyễn, nên không thể tổ chức lễ trao cho dì Rồi. Dì về nhà, buồn thiu. Mấy hôm sau, quận tổ chức chuyến về thăm nhà dì, xin lỗi về những sai sót đã xảy ra và quận đang cố gắng hoàn thiện. 

Chuyện dì Rồi chờ đợi tấm huân chương cũng được UBND TPHCM yêu cầu UBND quận 2 sớm giải quyết dứt điểm. Cách đây vài tháng, dì Rồi được UBND quận 2 ban hành quyết định trợ cấp hằng tháng, kể từ ngày 1/6/2020, với mức 955.000 đồng/tháng, đây là mức trợ cấp hằng tháng đối với người có công giúp đỡ cách mạng. 

Tấm huân chương của dì Rồi giờ vẫn đang đâu đó. Dì Rồi nói dù biết nguyên nhân do sai sót ngoài mong muốn nhưng cũng cảm thấy chạnh buồn. “Cái thời vào sinh ra tử, một lòng cho cách mạng có đòi hỏi nghĩ ngợi gì chuyện đất nước ghi công. Nhưng mà thà không có, còn đã có huân chương, dì vẫn muốn được nhìn thấy một lần” - dì Rồi trải lòng. 

 Phong Vân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI