Tạm hoãn đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn

01/11/2022 - 16:13

PNO - Ngày 1/11, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin, sau những nỗ lực đàm phán với Hãng Millon, 7g30 ngày 31/10/2022 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và Hãng đã thống nhất được thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Tiếp đó, đến 10g10 ngày 31/10/2022, Hãng Millon đã có thông cáo chính thức đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31/10/2022 của hãng. Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Họa tiết cực kỳ sắc sảo trên ấn kim ấn “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Hãng Millon
Họa tiết cực kỳ sắc sảo trên kim ấn “Hoàng đế chi bảo” - Ảnh: Hãng Millon

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về nước trong thời gian sớm nhất.

kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn làm từ thời Minh Mạng
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn làm từ thời Minh Mạng

Sau khi đại diện phía Việt Nam và Hãng Millon thống nhất tạm hoãn đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, nhiều nhà nghiên cứu tại cố đô Huế rất hoan nghênh việc này. Theo các nhà nghiên cứu, để cổ vật kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được hồi hương không phải là chuyện đơn giản. Ngoài sự vào cuộc của các ngành văn hóa và ngoại giao, cần sự chung tay của các cá nhân, đơn vị có nguồn lực kinh tế để đàm phán, thương lượng mua lại hiện vật trước khi cuộc đấu giá diễn ra với giá tốt nhất.

Trao đổi với các các phóng viên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng: “Theo tôi, phải có giải pháp để chúng ta bảo vệ kim ấn. Giải pháp đơn giản nhất, ít đụng chạm nhất đó là đại diện của Chính phủ Việt Nam tại Pháp phải tiếp cận với người đưa kim ấn ra đấu giá, thông qua hình thức thương lượng, chấp nhận mua lại. Giải pháp thứ hai, chính thức phát đơn kiện việc đưa biểu tượng của quốc gia, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Việt Nam ra để đấu giá như là tài sản cá nhân và khi một biểu tượng quốc gia thì một cá nhân không có quyền sở hữu”.

Bên dưới kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn
Bên dưới kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn - Ảnh:  Hãng Millon

Về việc nhà đấu giá Millon đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn Việt Nam ra đấu giá, PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam cho biết, Hội đồng với tư cách là hậu duệ của vương triều Nguyễn đã gửi văn bản đến những người phụ trách của Hãng Millon, yêu cầu dừng tổ chức cuộc đấu giá kim ấn “Hoàng đế chi bảo”. Văn bản của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam được gửi đến email của 4 người có trách nhiệm của Hãng Millon.

Theo ông Nguyễn Phước Bửu Nam, kim ấn "Hoàng đế chi bảo" là quốc bảo của triều Nguyễn và Việt Nam. Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên, đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005. Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” là quốc bảo truyền đời vua này sang đời khác của vương triều Nguyễn, đã được ghi vào sử sách như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.

Ông Nguyễn Phước Bửu Nam rất ngạc nhiên khi bảo vật của Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường: “Kim ấn này đã 200 năm và truyền từ vị vua này sang vị vua khác. Đó là quốc bảo của triều Nguyễn và Việt Nam cho nên việc vua Bảo Đại để lại quyền thừa kế cho bà Monique Baudot và con cháu của bà đem đi đấu giá là vượt khỏi quyền của ông. Cái này thuộc bảo vật quốc gia cho nên người thừa kế đó không được đem ra bán đấu giá”.

Được biết, Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Huế cũng có văn bản gửi ông Jean Gauchet - Giám định viên của Millon, đề nghị hủy bỏ cuộc đấu giá 2 hiện vật: Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” triều Nguyễn và bát vàng của vua Khải Định.

Quyết tâm sưu tầm, đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI