Tài sản số của người Việt đang bị Apple, Google, Facebook... khai thác?

06/11/2022 - 17:44

PNO - Giới công nghệ cho rằng, dữ liệu người dùng là loại tài sản lớn nhưng đang bị những công ty công nghệ khổng lồ như Apple, Google, Facebook... khai thác.

Tiền số - một phần của chuyển đổi số

Ông George Nguyễn - người sáng lập của JDI One và đồng sáng lập của TBLabs kể, một sàn giao dịch bất động sản (BĐS) tại Việt Nam bỏ rất nhiều tiền để đầu tư công nghệ giao dịch và sử dụng tài sản số trên nền tảng công nghệ khối (blockchain) nhưng phải bỏ không vì việc giao dịch tiền ảo chưa được cho phép.

Sàn mã hoá BĐS này cho phép nhiều người đầu tư chung vào một hay nhiều sản phẩm BĐS đã thành tài sản số. Loại hình tài sản số đòi hỏi thanh toán giao dịch bằng tiền mã hoá (tiền số, tiền ảo) vì hợp đồng thông minh trên nền tảng chỉ đọc và hiểu giá trị của tiền ảo. Dù sàn đã cố gắng sao chép mô hình đầu tư BĐS truyền thống nhưng chẳng thể tiếp tục hoạt động.

Tiền ảo, tiền số chưa được công nhận ở Việt Nam, tuy nhiên theo đánh giá của giới công nghệ, các hoạt động giao dịch sử dụng đến đồng tiền này rất lớn.  Ảnh: Coin Telegraph
Tiền ảo, tiền số chưa được công nhận ở Việt Nam, tuy nhiên theo đánh giá của giới công nghệ, các hoạt động giao dịch sử dụng đến đồng tiền này rất lớn. Ảnh: Coin Telegraph

“Nhiều người đã muốn đầu tư thông qua sàn giao dịch BĐS này nhưng cuối cùng lại thôi vì sợ. Người ta có thể đầu tư thoải mái, nhưng nếu mất tiền mà sàn không chịu trách nhiệm thì cũng không có ai bảo vệ họ được. Nếu đưa vụ việc ra tòa cũng khó được thụ lý hồ sơ vì kinh doanh tiền số chưa được đưa vào khuôn khổ pháp lý…”, ông George Nguyễn nói.

Đây là một trong rất nhiều ví dụ được giới công nghệ nêu ra khi nói về mục tiêu trở thành một quốc gia số, nhưng tiền số chưa được chấp nhận.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm chuyên ngành chính Kinh doanh Ứng dụng Blockchain và người điều hành RMIT Fintech-Crypto Hub - khi nhắc đến tiền ảo, thực ra là đang nói về tài sản và tiền số nằm trên blockchain. Trong khi dữ liệu người dùng là loại tài sản lớn nhưng đang bị những công ty công nghệ khổng lồ như Apple, Google, Facebook hoặc Amazon thao túng. Họ khai thác trong nhiều thập niên qua, mà không phải lúc nào cũng xin phép.

Với công nghệ blockchain, người dùng có thể tự sở hữu dữ liệu của chính mình trên mạng lưới tài sản số. Nếu internet là mạng lưới thông tin thì mạng lưới tài sản số là internet giá trị (internet of value) và là nền tảng để nền kinh tế số phát triển. Khi đưa tài sản và tiền số vào hệ thống tài chính thì có thể nâng cao tài chính toàn diện của một đất nước trong lĩnh vực thanh toán, kiều hối, cho vay hoặc những sản phẩm chứng khoán mới.

Cũng vì chưa được quy định rõ nên những rủi ro từ tài sản số và tiền số luôn thường trực. Phổ biến là các hành vi lừa đảo, lập sàn kêu gọi đầu tư tiền ảo hưởng lợi nhuận cao, khi nhiều nhà đầu tư tham gia thì các sàn “ôm tiền” biến mất… Nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam từng mất hơn tỷ USD vì những vụ lừa đảo liên quan đến tài sản số. Những vấn đề như rửa tiền hoặc dùng tiền số vào những lĩnh vực bất hợp pháp cũng có thể xảy ra dễ dàng nếu không được quản lý, dẫn đến nhiều hệ lụy về trật tự an ninh cũng như phát triển kinh tế của một đất nước về lâu dài.

Khó cấm khi tiền số đang là xu hướng?

TS Bình đặt câu hỏi “Tại sao dữ liệu được tạo ra bởi người dùng như hình ảnh trên Facebook, video trên Youtube… lại nên thuộc về những công ty công nghệ lớn?”. Ông cho rằng, nếu tài sản và tiền số bị cấm thì nghĩa là người dùng không được sở hữu những thứ đương nhiên thuộc về mình. Còn các công ty công nghệ lớn sẽ vẫn khai thác và thao túng những dữ liệu này. Nền kinh tế số sẽ phụ thuộc vào một vài ông lớn trong khi người dùng không có quyền sở hữu, sử dụng và thương mại hóa dữ liệu của chính mình.

Đa số các nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Nhật, Singapore và các nước châu Âu đều đã công nhận tài sản số là một loại tài sản và được quản lý và bảo vệ bởi pháp luật từ nhiều năm nay rồi. Sắp tới, sẽ có cuộc cạnh tranh toàn cầu để tạo ra xuất khẩu số giá trị cao mới dựa trên các giá trị từ dữ liệu người dùng trên mạng.

Việt Nam nên đón đầu, tham gia vào chuỗi giá trị mới bằng cách sản xuất thời trang số cho thế giới mạng (metaverse) hoặc game cho thị trường thế giới chỉ trong một giây mà không cần đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhà máy tạo ra những tài sản số giá trị cao đã tồn tại từ lâu là vi tính và điện thoại chúng ta dùng hàng ngày. Còn hệ thống logistics của tài sản số là Internet of Value.

Theo TS Bình, không nên cấm tài sản và tiền số mà cần quản lý tương tự các tài sản quen thuộc như BĐS hoặc chứng khoán. Công nghệ Internet of Value cũng cần được quản lý giống như internet và cần chú trọng đến chuyện bảo vệ người dùng và nhà đầu tư. Ổn định tài chính số sẽ giúp doanh nghiệp và người dùng ở Việt Nam có thể sáng tạo, phát triển và sử dụng những sản phẩm mới của nền kinh tế số.

Tuy nhiên việc quản lý tài sản số và tiền số không hề dễ dàng vì tính chất phi tập trung của công nghệ blockchain giúp cho người dùng có thể tiếp cận với các giao dịch trên toàn cầu, nhưng lại không bị tập trung quản lý bởi nhà nước. Phương pháp khả thi nhất là kiềm hãm lại những ứng dụng tiêu cực từ các sàn giao dịch tiền số.

Tương tự, ông Vincent Lữ Thế Hùng - Đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ AYersin & ASP DX Innovation Center

cũng khuyến nghị Nhà nước chỉ nên hạn chế các sàn giao dịch blockchain chỉ kinh doanh tài sản số và tiền số không dựa trên giá trị thực vì họ có thể thao túng, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. “Vài năm trước, một ca sĩ nổi tiếng trong nước đã đại diện bán đồng token (tài sản số) nhưng chỉ đẩy nhà đầu tư vào thế mất hết tiền. Công ty blockchain phải tạo ra được giá trị rồi mới được lên sàn giao dịch, tương tự như sàn chứng khoán vậy, minh bạch như vậy”, ông Hùng dẫn chứng.

Giao dịch trên mạng blockchain dùng 2 loại tiền mã hoá, đồng ổn định (stablecoin) và tiền ảo như bitcoin. Vì vậy, ông Vincent cho rằng Việt Nam nên khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra các đồng ổn định, dựa trên giá trị thật của một sản phẩm hoặc dịch vụ, giống như một coupon (một loại mã). Theo đó, nhà nước sẽ mở sàn giao dịch để người dân và doanh nghiệp có thể đổi hoặc mua stablecoin hợp pháp.

Điều này còn giúp nhà nước chống thất thu thuế từ các giao dịch thu đổi tài sản số và tiền số chợ đen. Một trường hợp phổ biến là cá nhân được công ty trả lương thưởng bằng tiền số sẽ không phải khai thuế nếu nhà nước chưa có luật định.

Muốn quản lý doanh nghiệp kinh doanh tài sản số và tiền số thì trước tiên phải cấp tư cách pháp nhân cho họ thì mới có thể xác định các hình thức trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm. Nếu không cấp phép, doanh nghiệp sẽ sang Singapore đăng ký như vẫn thấy từ trước tới nay. Việc cấp phép cho doanh nghiệp còn hạn chế được các trường hợp lừa đảo như trường hợp của Kwon Do-hyung - nhà sáng lập đồng tiền ảo UST và LUNA - đang bị chính phủ Hàn Quốc ra lệnh bắt giữ.

“Nhà nước tạo cơ chế thử nghiệm (sandbox) trong khu vực khoanh vùng sẽ khuyến khích việc phát triển công nghệ mới. Ví dụ như khi chúng tôi làm các dự án cùng Công viên Phần mềm Quân Đội tại Trung tâm Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của tỉnh đều liên kết với một số cơ quan luật để hỗ trợ. Cả nhà nước và doanh nghiệp blockchain cùng điều chỉnh sẽ giúp đưa ra khung pháp lý hiệu quả nhanh hơn.”  Ông Vincent cho rằng, cơ chế sandbox sẽ giúp các công ty blockchain tự tin hơn khi phát triển sản phẩm mới.

Mỹ cũng đang thực hiện cơ chế sandbox để quản lý và hỗ trợ sự phát triển của tài sản số, vì vậy, sẽ phù hợp khi áp dụng ở thị trường mới nổi như Việt Nam, theo TS Bình. Mỹ phân chia tài sản số thành hàng hóa số, chứng khoán số, tiền số và áp dụng khung quản lý giống như các dịch vụ truyền thống tương ứng. Những quy định hiện có sẽ được điều chỉnh hoặc tạo ra những quy định mới để thích nghi với sự khác biệt giữa tài sản số và tài sản truyền thống.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ cần phân tích hệ thống tài chính và hướng đi của nền kinh tế số theo mục tiêu riêng.

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI