Cần có hành lang pháp lý đối với tiền ảo

31/10/2022 - 14:55

PNO - Hiện nay, dù tiền ảo chưa được pháp luật công nhận nhưng nhiều người vẫn dùng chúng để dẫn dụ, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)  chiều 24/10 của Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề cần có nghiên cứu, ban hành quy định quản lý tiền ảo. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng trong khi Nhà nước chưa công nhận tiền ảo thì thực tế vẫn đang phát sinh các giao dịch, rất cần thiết có quy định xử lý vấn đề này phù hợp.

Trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM về vấn đề này, chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định: các loại tiền ảo như bitcoin, ethereum, binance coin… hiện đang trở thành vấn nạn cho hệ thống tài chính Việt Nam. Trong đó, nổi cộm là hiện tượng dùng tiền thật để mua tiền ảo như một kênh chuyển tiền ra nước ngoài, rửa tiền. 

Hiện có rất nhiều quảng cáo trên mạng xã hội dẫn dụ mọi người vào đầu tư tiền ảo trong khi Nhà nước không công nhận bất kỳ loại tiền ảo nào - ẢNH: Đ.T.
Hiện có rất nhiều quảng cáo trên mạng xã hội dẫn dụ mọi người vào đầu tư tiền ảo trong khi Nhà nước không công nhận bất kỳ loại tiền ảo nào - Ảnh: Đ.T.

Chính phủ các nước đã tìm cách ngăn chặn tiền ảo, nhưng tiền ảo liên quan điện toán đám mây, nền tảng công nghệ blockchain, không phụ thuộc bất kỳ biên giới lãnh thổ nào. Về mặt kỹ thuật, không thể kiểm soát các đồng tiền ảo này, nên cũng rất khó kiểm soát được nạn rửa tiền. Hiện chỉ có cách đưa ra quy định giao dịch nào được phép và không được phép. Nếu sử dụng đồng tiền này vào các giao dịch không được phép thì sẽ bị truy tố, xử phạt, tức là chỉ chặn được phần ngọn chứ không thể chặn được gốc. 

Cho đến nay, Việt Nam chỉ có một văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền ảo, trong đó khẳng định “không được dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán” nhưng vẫn chưa có định nghĩa thế nào là tiền ảo nên dễ khiến người ta lách. Tương tự, các đối tượng đi vào sòng bài, lấy tiền bẩn đổi thành tiền chip (còn gọi là phỉnh) rồi đem ra ngoài đổi thành tiền thật hoặc cũng có thể đổi thành nhà cửa, ô tô, hàng hóa. Đây cũng là hình thức thanh toán bị cấm nhưng pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể. Do đó, nhất thiết phải có quy định thế nào là tiền ảo. 
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, khi nghe đến tiền ảo, nhiều người liên tưởng đến tiền đồng hoặc một loại ngoại tệ. Có thời gian dài, từ năm 1975-1995, vàng được giao dịch như tiền đồng, giá xe hay nhà đều được quy ra vàng, nhưng không ai gọi vàng là tiền. Phỉnh trong sòng bài cũng có thể đổi lấy nhà, hàng hóa nhưng không ai gọi đây là tiền. Cách đây hơn 10 năm, khi đồng tiền mất giá mạnh, Nhà nước đưa ra tờ tín phiếu trị giá 1 triệu đồng, cũng dùng để giao dịch nhưng không ai gọi đó là tiền.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho hay, mọi quốc gia trên thế giới đều có quy định về quyền phát hành tiền. Đồng tiền quốc gia được bảo vệ rất nghiêm ngặt, có nước tử hình kẻ làm tiền giả. Người ta chỉ gọi là tiền khi nó được một tổ chức đại diện quốc gia phát hành, chỉ có đồng euro là đồng tiền chung của khu vực châu Âu. Do đó, Chính phủ cần làm rõ chữ “tiền” trong cụm từ “tiền kỹ thuật số”, “tiền ảo”, bởi đây đang là phương tiện thanh toán xuyên quốc gia phi pháp nhưng chưa có sự nhận định rõ ràng. Nếu không làm rõ, các nhà đầu tư sẽ tin rằng, đây là loại tiền sẽ thay thế đồng tiền quốc gia hoặc song song với tiền quốc gia và họ sẽ dùng chúng làm phương tiện thanh toán, đổ tiền đầu tư. 

Ông Đinh Thế Hiển nói: “Chúng ta có quyền giữ vàng, ngọc trai, kim cương, thậm chí các bức tranh nổi tiếng làm phương tiện thanh toán, nhưng đó không thể gọi là tiền. Nếu Nhà nước phát hành thì gọi là tiền, còn không thì chỉ là phương tiện thanh toán”. Theo ông, các loại như bitcoin phải được gọi là giao dịch kỹ thuật số chứ không thể gọi là tiền. Còn muốn gọi là “tiền kỹ thuật số” thì đồng tiền đó phải do Nhà nước phát hành, là đồng tiền quốc gia, chỉ khác về chất liệu và cách thanh toán, giống như việc đồng Việt Nam có chất liệu khác nhau qua các thời kỳ, từ kẽm, đồng, bạc đến giấy. Hiện nay, nhờ internet, người dân có thể thanh toán không dùng tiền mặt và sắp tới, Nhà nước có thể phát hành đồng tiền số. 

Hiện tiền ảo chỉ được dùng để dẫn dụ nhà đầu tư, để rửa tiền. Loại tiền này có tính lạm phát cao bởi mỗi ngày, mỗi tháng lại xuất hiện một loại tiền mới, không rõ do ai phát hành. Hiện vẫn chưa có cách gì để ngăn chặn hình thức rửa tiền qua các loại tiền ảo này. Biện pháp hữu hiệu nhất để quản lý tiền ảo và hạn chế những hệ lụy của nó là có hành lang pháp lý rõ ràng, trong đó quy định rõ thế nào là tiền ảo, hành vi nào là vi phạm, biện pháp xử lý vi phạm. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI