Có nên hợp pháp hoá tiền ảo, tài sản ảo?

20/11/2018 - 15:03

PNO - Việc hợp pháp hoá tiền ảo, tài sản ảo mang lại giá trị thặng dư gì cho xã hội và khi hợp pháp hoá buộc phải có khung pháp lý,... đang là vấn đề gây 'đau đầu' không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới.

Tiền ảo được đánh giá có tiềm năng, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước lẫn người dân; trong tương lai loại tiền này có thể mang lại nhiều giá trị trong tiến trình cả thế giới đang tiến đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý cho việc quản lý tiền ảo, tài sản ảo và liệu rằng khi hợp pháp hoá loại tiền này có mang lại giá trị gia tăng cho xã hội?

Th.s Lưu Minh Sang - Giảng viên trường Đại học Kinh tế - Luật đặt vấn đề, như trước đây khi chứng khoán ra đời có một số ý kiến phản đối vì cho rằng việc cấp phép cho chứng khoán là hợp pháp hoá đánh bạc, vì tiền sẽ chuyển từ túi nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, sau đó người ta dần chấp nhận chứng khoán vì nó tạo ra những giá trị thặng dư cho xã hội. 

Co nen hop phap hoa tien ao, tai san ao?
 

Vậy Bitcoin thì sao? Đứng dưới gốc độ nhà đầu tư, nghiên cứu về tiền ảo, tài sản ảo, ông Lưu Minh Sang nêu quan điểm về thực trạng giao dịch tài sản ảo hiện nay khi giá lên, xuống không theo bất cứ quy luật nào, cung cầu chỉ dựa vào niềm niềm tin và giá trị của nó rất mơ hồ.

"Việc hợp pháp hoá tiền ảo, tài sản ảo có tạo được giá trị thặng dư nào ngoài việc nhà nước thu thêm được một khoản thuế từ việc quản lý như thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân?" , ông Sang nói.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp, Phó trưởng ban quản lý chương trình 585 cho rằng, tiền điện tử chỉ là một phần rất nhỏ của công nghệ chuỗi khối (Blockchain), nếu chúng ta áp dụng công nghệ chuỗi khối thì có rất nhiều vấn đề.

Ông Tú đưa ví dụ, nhiều người hay than phiền việc đăng ký tài sản, đất đai, công chứng có thể bị lừa đảo,… nhưng nếu áp dụng công nghệ chuỗi khối thì sẽ minh bạch, công khai hơn. Một ví dụ khác là việc bầu cử, khi áp dụng công nghệ này sẽ bình đẳng và không thể làm giả được.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp cũng thừa nhận việc đầu tư tiền mã hoá, tiền ảo có nhiều rủi ro. Vì vậy, không riêng Việt Nam mà cả thế giới đều phải cân nhắc trước khi khung pháp lý được xây dựng và hoàn thiện. Trong lúc chưa có khung pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư và doanh nghiệp phải xác định rủi ro và phải chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Nhà nước đang cân nhắc ba hình thức quản lý tiền ảo, tài sản ảo là: thả nổi, không giám sát để các bên tự giao dịch và pháp luật không bảo vệ; cấm giao dịch tiền ảo; cho phép và tập trung quản lý các tổ chức liên quan đến tiền ảo.

Ngoài ra, đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh quan điểm của Nhà nước với tiền ảo là cân bằng giữa phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo; đồng thời giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, người tiêu dùng. Tuy vậy, tiền ảo có được xem là tài sản, hàng hóa hay dạng hình thức nào vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ.

Theo chia sẻ từ ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs, tại Singapore, việc gì không chấp nhận được thì đưa vào khuôn khổ để quản lý, khi quản lý là phải có quy định, có nguồn thu. Vậy nên, Singapore có nguồn doanh thu rất rõ ràng từ việc quản lý này.

Nếu Việt Nam áp dụng theo cách của Singapore sẽ có rất nhiều lợi ích, tránh được nạn rửa tiền, "chảy máu tiền tệ" ra khỏi biên giới,...

Ông Long nhìn nhận, tiền ảo, tài sản ảo, công nghệ số Blockchain có tầm quan trọng trong  kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó Blockchain đang là ứng cử viên sáng giá trong một giao thức mới, bổ sung cho giao thức trên nền tảng Internet.

“Lấy một ví dụ về việc truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, áp dụng Blockchain sẽ hiệu quả, cải tiến giá trị xuất khẩu sản phẩm nông sản của Việt Nam, hơn hết là giá thành sẽ tăng lên đáng kể.

Theo nghiên cứu của Infinity Blockchain Labs, trong năm 2020 thế giới sẽ đầy rẫy các công nghệ đổ về Việt Nam, nếu chúng ta không chuẩn bị từ hôm nay thì khi đổ về ai là người đứng ra tiếp nhận công nghệ đó đây?”, ông Long nói.

Phải xác định được bản chất đằng sau tiền ảo là kinh doanh gì để đưa ra quy định phù hợp

"Singapore hay Thái Lan đưa ra luật, sau đó Chính phủ điều tiết lại cho phù hợp với khuôn khổ, những phát sinh nằm ngoài khuôn khổ trước khi điều chỉnh đều vi phạm pháp luật.

Ví dụ như Uber phát hành sản phẩm tiền ảo phục vụ cho khách hàng. Nhà làm luật và luật sư phải xem xét bản chất kế hoạch của Uber là đưa ra token (tiền điện tử) để phục vụ cho mục đích người sử dụng dịch vụ, sử dụng hàng hóa của Uber. Còn nếu là secutity token (token chứng khoán) thì phải thông qua luật chứng khoán.

Bản chất token có giá trị không khác cổ phiếu. Khi lên sàn, token chỉ khác cổ phiếu ở chỗ một IPO (phát hành, chào bán chứng khoán) là doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính, còn token có những doanh nghiệp nhỏ và vừa không chứng minh được.

Nhưng nếu thật sự ý tưởng về đồng tiền ảo, tài sản ảo của họ đóng góp được cho xã hội thì những nhà làm luật sẽ rà soát lại để các doanh nghiệp quy mô nhỏ đó được thực hiện. Hiện tại, lợi thế của Việt Nam là có rất nhiều doanh nghiệp start-up, nếu phát triển thành công thì sẽ đem lại giá trị thặng dư cho xã hội".

Bà Nguyễn Huỳnh Phương Thảo - Luật sư Trưởng, công ty TNHH IBL

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI