Tai nạn sinh hoạt ở trẻ em tăng cao

09/01/2023 - 07:02

PNO - Số trẻ nhập viện cấp cứu vì tai nạn sinh hoạt trong 10 ngày qua tăng cao. Nhiều ca nặng liên quan tới việc liên hoan, tiệc cuối năm.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cảnh báo, khoảng 10 ngày nay bệnh nhi nhập viện tại đây có chiều hướng tăng. Thông thường mỗi ngày, Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 60 bệnh nhi thì nay tăng lên từ 75-80 trường hợp. Số ca tăng thêm này đa phần là trẻ bị tai nạn sinh hoạt trong các tình huống đặc thù khi cận tết. 

Điển hình là trường hợp của bé trai T.V.Đ. (15 tuổi, ngụ tại TPHCM) được đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu cách đây vài ngày. Cháu bé đi ăn tiệc tất niên cùng gia đình. Khi nhân viên phục vụ châm thêm cồn dạng nước vào bếp lẩu thì tai nạn xảy ra, lửa phừng lên rồi táp vào mặt và ngực Đ. Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị phỏng cồn vùng mặt, ngực độ 2 và 3. Ngay lập tức, Đ. đã được truyền bù dịch, dùng thêm thuốc giảm đau, kháng sinh, làm sạch và băng bó vết thương rồi chuyển lên chuyên khoa. Theo bác sĩ Vũ Hiệp Phát, bé Đ. may mắn bởi phỏng do cồn nên không hít phải khói nóng mà chỉ bị tổn thương tại chỗ. Từ trước tới nay, những ca bị phỏng ở mặt đều đi kèm với phỏng đường hô hấp do hít phải khói nóng, việc điều trị sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
 

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát đang kiểm tra sức khỏe một bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng - ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát đang kiểm tra sức khỏe một bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng - Ảnh: Thanh Huyền

Ngày 3/1, bé gái N.T.V. (12 tuổi) được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng lơ mơ. Khi kiểm tra sơ bộ, các bác sĩ đánh giá cháu bé bị chấn thương sọ não, lồng ngực, ổ bụng và gãy chân. Sau khi sơ cứu, bệnh nhi đã được chuyển đi phẫu thuật để xử trí tình trạng xuất huyết trong não. Bác sĩ tiên lượng tình trạng bé V. vẫn còn hết sức nguy kịch. Theo lời kể của gia đình, ba của V. chở bé tới nhà người thân ăn tiệc. Trên đường về, xe máy của hai cha con đã va quẹt với ô tô. Ba của bệnh nhi bị thương, đang được điều trị ở một bệnh viện khác. 

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát chia sẻ, cứ mỗi dịp gần tết là các ca tai nạn giao thông lại tăng mạnh. Có rất nhiều nguyên nhân khiến tai nạn giao thông ở trẻ gia tăng trong thời gian này. Thứ nhất, lưu lượng xe dịp cuối năm nhiều hơn bình thường dẫn tới xác suất va quẹt cao hơn. Thứ hai, người lớn chở theo con đi tiệc tùng, trước khi điều khiển xe máy có sử dụng rượu bia. Tiếp đến, cuối năm cha mẹ rất bận rộn, trẻ em chạy chơi không có người lớn để mắt.

Một tình huống tai nạn sinh hoạt nữa rất hay xảy ra dịp cận tết ở trẻ em, đó là do pháo nổ. Cách đây 1 tuần, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận trường hợp bị chấn thương do tự làm pháo. Đây là một bé trai 14 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk. Tại thời điểm tiếp nhận, nạn nhân có nhiều vết thương phần mềm, bỏng cả giác mạc 2 mắt. Bé kể mình và nhóm bạn tự mua vật liệu trên mạng về làm pháo. Tai nạn xảy ra, 2 người bạn của bé đã không qua khỏi. Theo bác sĩ Vũ Hiệp Phát, cháu bé hiện qua cơn nguy kịch nhưng di chứng phải đối mặt sau này là sẹo co kéo và thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ vậy, cậu bé đang bị sang chấn tâm lý rất nặng nề. 

Qua những trường hợp thương tâm kể trên, bác sĩ Vũ Hiệp Phát lưu ý các phụ huynh cần để mắt tới con cái cho dù cuối năm công việc bận rộn. Khi dự tiệc tất niên, nếu có uống bia rượu thì không được điều khiển xe. Đã có rất nhiều tai nạn đau lòng xảy ra với trẻ em được cảnh báo do phỏng bếp cồn, giật điện, cháy nổ. Do đó, người lớn phải hết sức cẩn trọng để bảo vệ con cái an toàn. 

Ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng tiêu hóa cũng là tình huống rất dễ xảy ra ở trẻ em dịp lễ tết. Nguyên nhân do cha mẹ đem theo bé đi ăn bên ngoài nhiều. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, khi ăn đa dạng quá nhiều loại thức ăn thì không tiêu hóa nổi, chưa kể thức ăn bên ngoài chế biến không đảm bảo vệ sinh, lưu trữ thời gian lâu nên bị nhiễm khuẩn. Trẻ ăn phải những thức ăn này sẽ dẫn tới ngộ độc.

Ngay ngày 4/1, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị cho bé trai mới 12 tháng tuổi, ngụ tại TPHCM. Bé nôn ói dữ dội, tiêu chảy tới 10 lần trong đêm, bị sốc giảm thể tích. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ xác định cháu bé bị nhiễm trùng tiêu hóa. Bệnh nhi đã được xử trí bằng cách cho truyền dịch và dùng thuốc kháng sinh. Theo mẹ bé kể, hôm trước gia đình đưa bé đi du lịch, nên phải ăn đồ bên ngoài. Có lẽ đây là lý do khiến con chị bị nhiễm trùng tiêu hóa.

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI