"Chuồng cọp" mọc từ nhà phố đến chung cư hiểm họa đã báo trước

05/11/2016 - 06:30

PNO - Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một quán karaoke ở Hà Nội có một nguyên nhân góp phần gây ra thiệt hại nặng nề trên, đó chính là căn nhà không có lối thoát hiểm do bị cải tạo, cơi nới.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một quán karaoke ở Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng có một nguyên nhân góp phần gây ra thiệt hại nặng nề trên, đó chính là căn nhà không có lối thoát hiểm do bị cải tạo, cơi nới bất chấp sự an toàn. Tại TP.HCM, tình trạng này cũng đang diễn ra tràn lan, hiểm họa chực chờ, nhưng không ai quan tâm xử lý.

Hiểm họa chết người từ nhà phố đến chung cư

Trên nhiều tuyến đường hiện nay như Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Cách Mạng Tháng Tám... không khó để bắt gặp những căn nhà cơi nới lấn chiếm thêm. Hình ảnh những khu vực cơi nới được rào chắn như những chuồng cọp, hộp diêm ở giữa đô thị trở nên quen thuộc tại TP.HCM nhiều năm qua và ngày càng nhiều hơn.

Điển hình, tại vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) chúng tôi đếm có không dưới chục căn nhà đang kinh doanh cửa hiệu mắt kính, karaoke được thiết kế như một chiếc hộp. Thực tế, các căn nhà này đều có ban công, cửa sổ nhưng tất cả đều bị biển hiệu, bảng quảng cáo bao bọc kín.

Nhiều nhà có biển hiệu, bảng quảng cáo diện tích hàng chục mét vuông dựng cao hơn cả nóc nhà, khiến căn nhà chỉ còn một lối thoát duy nhất là cửa ra vào. Thậm chí, một số trung tâm Anh ngữ tại đây có hàng trăm học viên vẫn bất chấp nguy hiểm, dựng các bảng quảng cáo hoành tráng để thu hút người xem.

Tương tự, dạo một vòng quanh các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (Q.5), Trần Nhân Tôn, Ba Tháng Hai (Q.10)… chúng tôi bắt gặp khá nhiều cơ sở đặt biển quảng cáo che kín cả lối ban công thoát hiểm của căn nhà. Chẳng hạn, tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm số 38 Trần Nhân Tôn (Q.10), biển quảng cáo lắp đặt che kín hế t ban công lầu 1.

"Chuồng cọp" trên sân thượng tại một nhà phố trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) Ảnh: Phùng Huy

Cách đó khoảng 30m, một phòng khám nha khoa cũng thiết kế không khác: phía trước phòng khám được cải tạo, lắp đặt phần kính bao kín bên ngoài không còn bất cứ lối thoát hiểm nào. Rõ ràng, trong hai trường hợp trên, nếu xảy ra hỏa hoạn ở tầng trệt, những người ở tầng trên xem như “cá nằm trong rọ”.

Không riêng gì các cơ sở kinh doanh, tại nhiều nhà dân, không ít người chỉ vì tận dụng thêm vài mét vuông, đã bỏ quên vấn đề an toàn phòng cháy. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), chúng tôi thấy có nhiều căn nhà thay vì thiết kế ban công, đã xây bít toàn bộ diện tích sử dụng.

Nhiều căn nhà có thể thấy rõ trước đây có ban công, nay đã bị đập bỏ, cơi nới để tăng diện tích sử dụng. Thậm chí, tại các khu đô thị mới, quy hoạch chung đã đưa ra cụ thể khoảng lùi trước, lùi sau để tạo khoảng “thở” cho ngôi nhà nhưng không ít gia chủ vừa sử dụng một thời gian đã cơi nới, tận dụng luôn các khoảng lùi để làm nhà ở mà bỏ quên vấn đề an toàn.

Không chỉ cơi nới, lấn chiếm nhà mình, việc lấn chiếm không gian chung cũng xảy ra khắp nơi, đẩy khu dân cư vào tình trạng mất an toàn khi có cháy nổ, cấp cứu. Nhiều năm nay, người dân sống trong hẻm 151 Tôn Thất Đạm, Q.1 luôn nơm nớp lo sợ bởi những nguy cơ cháy nổ xảy ra trong con hẻm này. Con hẻm chỉ vừa đủ hai chiếc xe máy lưu thông nhưng luôn có một số người lấn chiếm đặt bếp nấu nướng, trong khi đây được xem là lối thoát hiểm duy nhất cho người dân trong khu dân cư.

Chị Thịnh (sống ở đây) nói: “Con hẻm đã hẹp còn bị một số người chiếm dụng gần hết. Mỗi lần trong hẻm có người bệnh cần cấp cứu, việc di chuyển rất vất vả. Nếu có hỏa hoạn, người dân sống trong hẻm này chỉ có nước chôn chân tại chỗ. Chúng tôi phản ánh với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng vẫn vậy”.

Tình trạng cơi nới, lấn chiếm còn xảy ra tràn lan tại các chung cư. Tại chung cư Ngô Gia Tự (Q.10), hầu hết các lô đều xảy ra tình trạng cơi nới thêm gác phía sau hoặc bịt kín ban công theo kiểu “chuồng cọp”. Cụ thể, tại lô M, cứ 10 nhà thì có không dưới năm nhà cơi nới thêm gác phía sau và làm “chuồng cọp” trùm các ban công lại để tăng diện tích sử dụng. Các căn hộ chỉ còn một lối thoát duy nhất là cửa chính.

Cơi nới lấn chiếm ở chung cư Ngô Gia Tự

Điều đáng nói, chung cư Ngô Gia Tự là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Cách đây khoảng hai năm, tại đây đã từng xảy ra một vụ hỏa hoạn nhưng rất may không có ai thương vong; tuy nhiên, cơ quan chức năng rất vất vả mới tiếp cận và giải cứu được những người mắc kẹt trong vụ cháy do ban công, cửa sổ đều bị bịt kín.

Tại nhiều chung cư mới như Ngô Tất Tố, Phạm Viết Chánh, Nguyễn Ngọc Phương (Q.1)… tình trạng cơi nới cũng diễn ra tràn lan. Hầu hết các ban công, cửa sổ đều bị trùm kín bởi một khung sắt, biến căn hộ chung cư chỉ còn một lối thoát duy nhất là lối ra vào. Thậm chí, có hộ còn lấn chiếm luôn cả hành lang chung cư làm không gian riêng.

"Ý thức của cơ quan quản lý cũng thấp"

Nói về việc cơi nới, lấn chiếm tại chung cư Ngô Gia Tự, ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND Q.10 đổ lỗi: “Đây là chung cư cũ, đã xuống cấp nhiều; tình trạng cơi nới, lấn chiếm ở chung cư này đã diễn ra lâu nay và cũng gây khó khăn trong công tác quản lý”.

Tuy nhiên, trước thông tin phóng viên phản ánh về nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ tại chung cư, ông Trọng khẳng định: “Quận sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên trách đến kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn những phát sinh mới”. Tương tự, đối với những khu dân cư, chung cư mất an toàn cháy nổ trên địa bàn Q.1, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng UBND Q.1 cho biết: “Sẽ ghi nhận thông tin phản ánh của phóng viên và cử cán bộ kiểm tra, có hướng xử lý”.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng, chuyên gia kinh tế, đô thị, việc cơi nới, lấn chiếm tại các chung cư đều diễn ra công khai, các cơ quan chức năng không thể đổ lỗi cho chung cư cũ, khó quản lý. Nếu là hệ quả của việc quản lý yếu kém trước đây thì giờ phải chỉnh sửa, cải tạo. Bởi đây là vấn đề an toàn đối với sinh mạng con người. Chung cư còn sử dụng một ngày cũng phải đảm bảo an toàn cho những người sống trong chung cư, vì nếu sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ rất lớn.

“Việc tồn tại thực trạng chung cư cơi nới, lấn chiếm như hiện nay cho thấy không chỉ ý thức phòng cháy của người dân thấp, mà ý thức của các cơ quan quản lý cũng thấp” - ông Hoàng nói.

Đối với việc treo biển hiệu, bảng quảng cáo bất chấp an toàn cháy nổ diễn ra tràn lan hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Trương, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương cho rằng, thông tư 19 của Bộ Xây dựng ban hành năm 2013 quy định rất rõ các tiêu chí quảng cáo ngoài trời.

Trong đó, đối với biển quảng cáo đặt tại các công trình, nhà ở riêng lẻ, nếu biển quảng cáo ngang đặt ở mặt tiền nhà thì chỉ được đặt một bảng, cao tối đa 2m, chiều ngang không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà ở; khi ốp vào ban công, mép dưới của bảng quảng cáo ngang trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên.

Đối với bảng quảng cáo dọc, mỗi nhà cũng chỉ được đặt một bảng và không đặt vượt quá chiều cao công trình... Tất cả các bảng ngang, dọc đều có quy định cụ thể kích thước. Như vậy, nếu quản lý nghiêm thì không có chuyện các bảng quảng cáo treo lung tung, mỗi nhà treo hai, ba bảng và không có chuyện nhà phố quá mất an toàn như hiện nay.

Theo kỹ sư Trần Minh Quang (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Phát), hiện nay, không có quy chuẩn chung trong việc thiết kế nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, tại các khu đô thị mới, đều có quy định cụ thể khoảng lùi, chiều cao. Quy định này không chỉ nhằm tạo mỹ quan đô thị, không gian sống cho chủ nhà mà còn được xem là lối thoát hiểm cho nhà phố.

Bên cạnh đó, trong thiết kế xây dựng, các kiến trúc sư luôn tư vấn cho chủ nhà “nhín” chút không gian làm ban công để tạo thêm khoảng “thở”, đồng thời là lối thoát hiểm cho ngôi nhà, nhưng nhiều gia chủ vẫn muốn tận dụng toàn bộ diện tích ngôi nhà làm chỗ ở.

“Ở nước ngoài, khi xây dựng nhà, gia chủ luôn đặt yếu tố an toàn lên trên các yếu tố khác, còn ở Việt Nam thì ngược lại. Điều này cho thấy ý thức đảm bảo an toàn của người dân còn thấp. Cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền cho người dân hiểu điều này” - ông Quang khuyến cáo.

Phan Trí - Sơn Vinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI