Nói với ba mẹ thế nào về tình yêu tuổi học trò của mình?

02/05/2024 - 21:11

PNO - Nếu các cháu thật sự quý trọng tình cảm của mình, tôn trọng và thương mến nhau, chắc chắn các cháu muốn tình cảm đó được nuôi dưỡng, chăm sóc đúng cách.

Chào chị Hạnh Dung,

Em học lớp 8, chuẩn bị lên 9. Ở lớp, em và 1 bạn nam quen nhau được gần 6 tháng rồi. Hai đứa em rất thân thiết nhưng chưa đi quá xa, chỉ dừng lại ở nắm tay và những cái ôm.

Kết quả học tập của em lúc nào cũng tốt. Còn bạn trai em thông minh nhưng không chăm chỉ, nên kết quả khá thất thường, lúc cao lúc thấp, chứ không phải vì quen em mà thấp đi.

Dường như ba mẹ bạn trai cũng biết đôi chút về chuyện tụi em, và rất quan tâm đến việc học của bạn. Còn ba mẹ em thì có ý không đồng tình với tình yêu học trò.

Mối quan hệ của tụi em được các bạn và một số thầy cô biết tới, nên em nghĩ mình không thể giấu ba mẹ lâu được. Và tụi em cũng cần ba mẹ biết, để có gặp nhau thì dễ nói chuyện hơn.

Tụi em cũng lớn rồi nên càng không muốn một ngày ba mẹ tự phát hiện và cấm cản tình yêu đó. Theo chị, tụi em nên thuyết phục ba mẹ thế nào để ba mẹ đồng ý ạ? Chị cho em lời khuyên nhé, em cảm ơn chị.

Lê Thị A

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cháu A thân mến,

Có lẽ cháu sẽ rất khó chịu, nhưng cô cũng không thể không nói với cháu điều mà có lẽ nhiều người đã nói: cháu vẫn còn rất nhỏ để nói về tình yêu, mà không nhận được sự phản đối, nghi ngờ, lo lắng... của người lớn.

Đọc thư, qua cách diễn đạt của cháu, cô biết cháu là một cô gái rất đặc biệt. Cháu thông minh và tự tin, có đầu óc quan sát nhạy bén, cũng như biết nhìn xa, tính toán và lập kế hoạch kỹ - một điều rất hiếm thấy ở độ tuổi cháu.

Thế nhưng, hiện tại cháu vẫn còn đang trong lứa tuổi dậy thì, đang trải qua những sự thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn.

Cháu hãy thử xem xét từ một vấn đề nhỏ thôi: thói quen thích đồ ngọt của mọi người. Cháu đã có thể ăn đồ ngọt từ rất nhỏ, thế nhưng trẻ nhỏ chắc chắn sẽ rất khó tự mình kiểm soát việc uống nước ngọt.

Cháu cần có sự hướng dẫn và kiểm soát của ba mẹ không cho cháu ăn uống tùy tiện, cho đến khi bản thân có ý thức tự kiểm soát mức độ sử dụng ngọt để giúp cháu không nổi mụn, tăng cân,…

Ở mỗi giai đoạn phát triển cho đến khi trưởng thành, cháu sẽ được làm quen với những trải nghiệm mới, những nhu cầu mới mà trước đó cháu chưa bao giờ có.

Tình yêu luôn được ca ngợi như một tình cảm thiêng liêng và đẹp đẽ nhất. Thế nhưng mọi điều trong cuộc sống này đều có tính hai mặt. Sự nguy hiểm của tình yêu nằm ở chỗ những đam mê ngọt ngào của nó có thể khiến người ta mất hết lý trí và sự tinh tường.

Và như thế, con người ta phải có đủ độ chín của sự trưởng thành về cả thể xác lẫn tinh thần, lý trí, sự hiểu biết... mới có thể bước vào tình yêu mà không bị tổn thương bởi chính nó.

Tình yêu còn nguy hiểm hơn đồ ngọt nhiều. Nó có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới việc học, cũng như những trải nghiệm phát triển tâm sinh lý bình thường của cháu và bạn trai. Nhất là trong trường hợp các cậu con trai không hiểu và không kiểm soát được bản thân. Còn các cô gái nhỏ chưa biết tự bảo vệ mình.

Không phải vô cớ mà pháp luật Việt Nam và hầu hết các nước tiến bộ trên thế giới đặt ra độ tuổi cho nam nữ kết hôn là 18-20. Đó là độ tuổi tối thiểu để người ta có nhận thức đúng đắn về tình yêu, và sau đó là hôn nhân. Độ tuổi người ta có thể bắt đầu hiểu được, kiểm soát được bản thân, tương lai, và hạnh phúc của mình.

Yêu thương mà không hiểu được hết chính mình và bạn mình, không kiểm soát được hành vi của mình, luôn trong tình trạng che giấu người lớn, tâm trạng bất ổn, lo lắng... sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu. Và điều đó có nghĩa là tương lai của các cháu sẽ bị ảnh hưởng.

Đó là tất cả những lý do khiến ba mẹ cháu không đồng tình với tình yêu tuổi học trò: họ lo lắng cho sự an toàn của các cháu, mong muốn các cháu lớn lên và trải nghiệm mọi vấn đề của cuộc sống theo đúng lứa tuổi của các cháu.

Khi các cháu đã hoàn toàn trưởng thành, chắc chắn ba mẹ các cháu không những không ngăn cản, mà còn mong mỏi các cháu sẽ có những tình yêu đẹp đẽ - đó chính là một trong những hạnh phúc lớn của người làm cha mẹ.

Ở độ tuổi này, cô nghĩ rằng các cháu rất nên trò chuyện, tâm sự với ba mẹ. Nếu các cháu có những cách trình bày và chứng minh để mọi người yên tâm rằng các cháu nhận thức đúng mức độ tình cảm nên có trong lứa tuổi của mình: một tình cảm đẹp, trong sáng, hướng tới một mục đích tốt nhất: giúp nhau học hành và trưởng thành, các cháu sẽ nhận được những lời khuyên, góp ý hữu ích của ba mẹ.

Không chỉ là lời nói, trước đó, sự chuẩn bị của các cháu cho việc trình bày với phụ huynh cũng phải được chuẩn bị bằng hành động: chứng minh sự tốt đẹp của tình cảm cả hai bằng việc cháu ngày càng học giỏi hơn và bạn trai của cháu sẽ có kết quả học tập "cạnh tranh" với cháu, nghĩa là không còn thất thường khi trồi, khi sụt nữa...

Nếu các cháu thật sự quý trọng tình cảm của mình, tôn trọng và thương mến nhau, chắc chắn các cháu muốn tình cảm đó được nuôi dưỡng chăm sóc đúng cách. Để nó có thể đi qua hết tuổi dậy thì, tuổi vị thành niên và đến với tuổi trưởng thành mà vẫn luôn tốt đẹp, được mọi người công nhận sự tốt đẹp đó, nó cần sự nỗ lực chính đáng của các cháu và sự giúp đỡ, ủng hộ của những người thân rất nhiều.

Cháu là một cô bé thông minh, cô mong rằng cháu sẽ học được cách chia sẻ cảm xúc và biết lắng nghe lời khuyên, sự trợ giúp của những người yêu thương cháu, có kinh nghiệm cuộc sống.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(7)
 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhopthuhanhdungvi /strCate=hopthuhanhdung
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchatvoihanhdungvi /strCate=chatvoihanhdung